Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Những lưu ý khi làm câu nghị luận xã hội.

Cập nhật 15/06/2022 - 06:05:42 PM (GMT+7)

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận, đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn là những điểm quan trọng ở câu nghị luận xã hội trong đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn.

Từ năm 2017, câu nghị luận xã hội trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn không còn yêu cầu bàn luận về một ý kiến, một nhận định nữa, thay vào đó là nghị luận về một nội dung, khía cạnh được tích hợp từ phần đọc hiểu.

Theo đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2017: "Trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống". Đề năm 2018: "Suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay".

Năm 2019, đề bàn luận "Về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống"; năm 2020: "Sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày" (đợt 1); "Suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống" (đợt 2). Năm 2021, câu nghị luận xã hội đặt vấn đề "Suy nghĩ về sự cần thiết phải biết cống hiến" (đợt 1); "Suy nghĩ về sự cần thiết phải biết hợp tác trong cuộc sống" (đợt 2).

Theo đề thi tham khảo môn Ngữ văn năm 2022, câu nghị luận xã hội (2 điểm) yêu cầu trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Để làm tốt câu nghị luận xã hội này, học sinh cần lưu ý gợi ý đáp án chấm của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau.

Thứ nhất, bảo đảm yêu cầu về hình thức đoạn văn. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành. Tuy vậy, thầy cô thường hướng dẫn cách viết đoạn văn tổng - phân -hợp giúp văn bản chặt chẽ, hoàn chỉnh hơn.

Thứ hai, học sinh cần xác định đúng vấn đề cần nghị luận. Ở đề thi tham khảo, vấn đề là "sự cần thiết phải trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc". Nếu các em xác định sai vấn đề cần nghị luận thì sẽ viết lạc đề, bài viết có thể bị chấm 0 điểm.

Thứ ba, khi triển khai vấn đề cần nghị luận, học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai nhưng phải làm rõ, sự cần thiết phải trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Có thể theo hướng:

- Giới thiệu chung: Sự cần thiết phải trân trọng giá trị văn hóa dân tộc. Học sinh chỉ cần viết một câu mở đoạn ngắn gọn giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

- Giải thích: Văn hóa dân tộc là gì.

- Bàn luận: Vì sao phải trân trọng giá trị văn hóa dân tộc? Cần làm gì để bảo vệ những giá trị đó? Học sinh tích hợp một số nội dung từ phần đọc hiểu và đưa thêm một dẫn chứng tiêu biểu làm nổi bật vấn đề cần nghị luận; hạn chế tối đa lấy dẫn chứng trong tác phẩm văn học (mang tính hư cấu của nhà văn). Các em có thể mở rộng để bàn luận vấn đề cho sâu sắc, tuyệt đối tránh cách viết kể lể, lan man, dông dài, cách nói vòng vo.

Với học sinh THPT, yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ là mức vận dụng cao, đặt ra nhiều thử thách, trong khi thời gian làm bài thi có hạn. Vậy nên, trước khi viết đoạn văn hoàn chỉnh, các em cần lập dàn ý bằng những gạch đầu dòng nhằm giúp hạn chế tối đa những thiếu sót.

- Rút ra bài học nhận thức và hành động ngắn gọn.

Thứ tư, học sinh bảo đảm chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. Nếu các em mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt thì sẽ bị trừ điểm tùy theo từng lỗi.

Thứ năm, đoạn văn viết sáng tạo sẽ được cộng 0,25 điểm, tức là suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Liên quan đến câu nghị luận xã hội, học sinh có thể tham khảo đoạn văn bàn về giải pháp vượt qua nỗi sợ hãi dưới đây để có thêm kinh nghiệm viết bài.

Sự chia sẻ cũng làm giảm bớt đi những nỗi sợ hãi, nhàm chán trong cuộc sống của chúng ta do nó thúc đẩy những mối giao tiếp xã hội và làm tăng cảm giác sống có mục đích, cảm giác an toàn cho mỗi người.

Một kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, những người xem nhiều tin tức trên truyền hình thường lo sợ thái quá về mối hiểm nguy đối với cuộc sống bình yên, hạnh phúc của họ. Nguyên do là vì phần lớn các chương trình truyền hình đều tập trung đưa thêm những bản tin, những hình ảnh rùng rợn, bất an, làm nảy sinh tâm lý hoang mang, sợ hãi trong lòng khán giả.

Và đáng ngại hơn, cuộc sống hiện đại đang xuất hiện ngày một nhiều "những cái kén người" tìm cách sống thu mình. Nói cách khác, những người này chỉ muốn tự nhốt mình trong tháp ngà của những mối quan hệ với người thân mà tự đánh mất mối quan hệ với hàng xóm. Chính lối sống ích kỷ này càng làm cho họ dễ bị kẻ xấu tấn công và dễ gặp những chuyện nguy hiểm hơn.

Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là hãy đối mặt với chúng. Từ đó bắt đầu một quá trình tạo nên sự khác biệt. Cội nguồn của mọi hiểm nguy đều xuất phát từ hệ quả của những mặt trái xã hội, nhưng thường thì chúng ta không dám nhìn thẳng vào vấn đề này. Bản chất của sự việc diễn ra không quan trọng bằng cách mà chúng ta đón nhận những sự việc đó. Chúng ta cần có thái độ thích hợp để làm giảm thiểu những nguyên nhân gây ra mọi bất ổn trong cuộc sống của mình.

(Trích Cho đi là còn mãi, Azim Jamal & Harvey McKinno)

Về hình thức, học sinh viết một đoạn văn khoảng 2/3 tờ giấy thi (khoảng 20 dòng) và không xuống dòng. Ngoài ra, học sinh cần phải biết phân phối thời gian hợp lý khi làm bài, dành cho câu nghị luận xã hội khoảng 25-30 phút.

(Theo VnExpress).