Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Bí quyết làm tốt câu nghị luận văn học

Cập nhật 15/06/2022 - 08:30:34 AM (GMT+7)

Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên THPT Bình Hưng Hòa, TP HCM, hướng dẫn cách chinh phục câu nghị luận văn học trong đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn.

Từ năm 2015, câu nghị luận văn học trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn thường yêu cầu nghị luận về một đoạn thơ, một đoạn trích văn xuôi.

Cụ thể, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2015: "Cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài qua đoạn văn: "Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình... Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no". Từ đó, bình luận ngắn gọn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.

Đề năm 2017: Cảm nhận đoạn thơ: "Đất là nơi anh đến trường... Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ" trong đoạn trích Đất Nước, từ đó, bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm; năm 2019: Cảm nhận về hình tượng sông Hương qua đoạn trích: "Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất... đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng". Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Đề thi năm 2020 (lần 2): Phân tích cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến được nhà thơ Tố Hữu thể hiện qua đoạn trích: "Nhớ khi giặc đến giặc lùng... Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng".

Đề thi năm 2021: Cảm nhận đoạn thơ: "Trước muôn trùng sóng bể... Cả trong mơ còn thức" trong bài thơ Sóng. Từ đó, nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh (lần 1); trình bày cảm nhận đoạn thơ: "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa... Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa" trong bài Tây Tiến, từ đó, nhận xét cảm hứng lãng mạn của Quang Dũng trong đoạn thơ (lần 2).

Trong đề thi tham khảo năm 2022, câu nghị luận văn học yêu cầu phân tích tâm trạng bà cụ Tứ qua đoạn trích trong tác phẩm Vợ nhặt : "Bà lão cúi đầu nín lặng... Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau", từ đó, nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân.

 

Phần làm văn trong đề tham khảo môn Ngữ văn năm 2022.

Phần làm văn trong đề tham khảo môn Ngữ văn năm 2022.

 

Để làm tốt câu nghị luận văn học này, học sinh lưu ý gợi ý đáp án chấm của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

Thứ nhất, bảo đảm cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

Thứ hai, học sinh cần xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Nội dung và nghệ thuật đoạn trích, giá trị nhân đạo được nhà văn thể hiện qua đoạn trích đó.

Thứ ba, triển khai vấn đề cần nghị luận: Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân, tác phẩm Vợ nhặt và đoạn văn. Học sinh có thể phân tích nhân vật bà cụ Tứ lần lượt qua các bước:

- Tóm tắt các chi tiết, sự việc ở đoạn trước cho đến lúc Tràng đem thị về giới thiệu với mẹ.

- Tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích: Đan xen nhiều cảm xúc phức tạp, không thể nói nên lời.

- Phân tích diễn biến tâm trạng: Lo lắng, tình thương với nàng dâu mới; động viên, an ủi các con.

- Nghệ thuật: Cách kể chuyện tự nhiên, chân thực, thu hút sự chú ý của người đọc; xây dựng tình huống truyện độc đáo; tài miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo; ngôn ngữ giản dị, giọng điệu đa dạng...

- Tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích: Đồng cảm, cảm thông với những khổ đau của con người trong nạn đói; tố cáo thực dân Pháp, phát xít Nhật đẩy nhân dân ta vào hoàn cảnh khốn cùng; ca ngợi vẻ đẹp của tình người, tấm lòng nhân hậu qua các nhân vật...

- Đánh giá nâng cao vấn đề và cảm nghĩ về truyền thống nhân ái của người Việt.

Thứ tư, học sinh bảo đảm chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. Nếu các em mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt thì sẽ bị trừ điểm tùy theo từng lỗi.

Thứ năm, đoạn văn viết sáng tạo sẽ được cộng 0,5 điểm, tức là suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ. Yếu tố sáng tạo trong bài làm văn của học sinh THPT cũng có thể là những ý kiến, tư tưởng, cách đặt vấn đề, lý giải vấn đề mang tính chất phát hiện, riêng biệt, mới mẻ, có ý nghĩa nhất định về tư tưởng và thẩm mỹ.

Mời các em tham khảo đề thi thử dưới đây do thầy Phan Thế Hoài biên soạn:

Phân tích nhân vật Mị qua đoạn văn sau, từ đó, nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn qua đoạn trích.

Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Người ta thường nói: Nhà Pá Tra làm thống lí, ăn của dân nhiều, đồn Tây lại cho muối về bán, giàu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng. Thế thì con gái nó còn bao giờ phải xem cái khổ mà biết khổ, mà buồn. Nhưng rồi hỏi ra mới rõ cô ấy không phải là con gái nhà Pá Tra: Cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lí Pá Tra.

Cô Mị về làm dâu nhà Pá Tra đã mấy năm. Từ năm nào, cô không nhớ, cũng không ai nhớ. Nhưng người nghèo ở Hồng Ngài thì vẫn còn kể lại câu chuyện Mị về làm người nhà quan thống lí. Ngày xưa, bố Mị lấy mẹ Mị không đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lí, bố của thống lí Pá Tra bây giờ. Mỗi năm đem nộp lãi cho chủ nợ một nương ngô. Đến tận khi hai vợ chồng về già rồi mà cũng chưa trả được nợ. Người vợ chết, cũng chưa trả hết nợ.

Cho tới năm ấy Mị đã lớn, Mị là con gái đầu lòng. Thống lí Pá Tra đến bảo bố Mị:

- Cho tao đứa con gái này về làm dâu thì tao xóa hết nợ cho.

Ông lão nghĩ năm nào cũng phải trả một nương ngô cho người ta, thì tiếc ngô, nhưng cũng lại thương con quá. Ông chưa biết nói thế nào thì Mị bảo bố rằng:

- Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu.

(Trích Vợ chồng A Phủ, trang 4-5, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam)

Gợi ý làm bài:

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề nghị luận; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Hành động, tâm trạng của nhân vật Mị qua đoạn văn, nhận xét về giá trị nhân đạo trong tác phẩm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

- Giới thiệu Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ và vấn đề cần nghị luận.

- Phân tích nhân vật Mị qua đoạn văn:

- Đoạn văn mở đầu là hình ảnh lầm lũi, cô độc của Mị, dự báo một cuộc đời thống khổ, bất hạnh của nhân vật.

+ Liệt kê công việc của Mị: Quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi, đi cõng nước dưới khe suối, cho thấy cô làm việc quần quật, bị vắt kiệt sức lao động.

+ Không gian làm việc của Mị: "bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa", đối lập với không gian nhà giàu: "Nhà Pá Tra làm thống lí, ăn của dân nhiều, đồn Tây lại cho muối về bán, giàu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng", từ đó hé lộ thân phận nhân vật.

- Đoạn văn tiếp theo nhà văn nói về về nguyên nhân nỗi thống khổ của Mị và trực tiếp lên án tội ác cho vay năng lãi của chúa đất miền núi:

+ Mị mất hết ý thức về thời gian: "Cô Mị về làm dâu nhà Pá Tra đã mấy năm. Từ năm nào, cô không nhớ, cũng không ai nhớ".

+ Nguyên nhân Mị bị biến thành con dâu gạt nợ: "Ngày xưa, bố Mị lấy mẹ Mị không đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lí, bố của thống lí Pá Tra bây giờ. Mỗi năm đem nộp lãi cho chủ nợ một nương ngô. Đến tận khi hai vợ chồng về già rồi mà cũng chưa trả được nợ. Người vợ chết, cũng chưa trả hết nợ".

- Đoạn trích còn cho thấy Mị là một cô gái đẹp người, đẹp nết, dù cuộc sống khổ cực, vất vả nhưng trong cô tràn đầy sức sống: Mị giàu lòng tự trọng, hiếu thảo, quan điểm tiến bộ về hôn nhân: "Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu".

- Nghệ thuật trần thuật hấp dẫn, miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo, ngôn ngữ kể chuyện sinh động, giọng văn day dứt, yêu thương...

- Giá trị nhân đạo: Tô Hoài đồng cảm với số phận của Mị; lên án, tố cáo giai cấp thống trị; phát hiện, ca ngợi phẩm giá của con người lao động Tây Bắc, đặt niềm tin vào sức sống mãnh liệt của con người...

Kết bài: Khái quát giá trị hiện thực, giá trị nhận đạo, đồng thời nêu cảm nghĩ về lẽ phải, công lý ở đời và có hành động đúng đắn, phù hợp.

d. Chính tả, ngữ pháp: Bảo đảm ngữ pháp, chính tả tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Thể hiện sâu sâu về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

(Theo VnExpress).