Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Tiến sĩ ĐH Harvard Lê Anh Vinh hiến kế chống “chảy máu chất xám"

Cập nhật 14/12/2015 - 12:51:48 PM (GMT+7)

Là một người đã học tập ở môi trường giáo dục hàng đầu phương Tây, sau đó trở về cống hiến cho đất nước, PGS. TS. Lê Anh Vinh đưa ra nhiều giải pháp thu hút tài nguyên trí tuệ về Việt Nam từ kinh nghiệm của chính mình.

Về PGS. TS Lê Anh Vinh:

Sinh ngày 29/7/1983, con đường đến với khoa học của Lê Anh Vinh gắn bó mật thiết với Đại học Quốc gia Hà Nội - cái nôi đào tạo tài năng uy tín của cả nước.

Ngay từ nhỏ, tài năng toán học của Lê Anh Vinh đã được các thầy trường THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội phát hiện và chăm bón. Năm 2001, Lê Anh Vinh đã giành Huy chương Bạc Toán quốc tế và Huy chương Vàng Toán châu Á TBD năm lớp 12. Sau đó, anh nhận học bổng toàn phần của chính phủ Australia theo học tại trường ĐH New South Wales.

Năm 2005, Lê Anh Vinh đã vượt lên sinh viên nhiều nước khác, tốt nghiệp thủ khoa ĐH chuyên ngành Toán - Tin của Australia và vinh dự trở thành Nghiên cứu sinh tại ngôi trường danh giá nhất thế giới: trường ĐH Harvard (Hoa Kỳ) từ 2006 - 2010. Tháng 5/2010, Lê Anh Vinh nhận bằng tiến sĩ của ĐH Harvard khi mới 27 tuổi.

Năm 2013, anh Vinh trở thành người trẻ nhất được phong tặng Phó Giáo sư tại Việt Nam khi  anh30 tuổi, là giảng viên trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội.

PGS. TS. Lê Anh Vinh – người được vinh danh là Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam đang thực hiện dự án truyền lửa đam mê Toán học cho thế hệ trẻ.
PGS. TS. Lê Anh Vinh – người được vinh danh là Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam đang thực hiện dự án truyền lửa đam mê Toán học cho thế hệ trẻ.

 

PGS. TS. Lê Anh Vinh là một trong 364 đại biểu tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 2 tại Hà Nội (11-13/12).

PGS. Lê Anh Vinh hiện là Phó chủ nhiệm khoa Sư phạm, Giám đốc TT Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội. Anh vừa là nhà nghiên cứu, vừa là người đào tạo nên những giáo viên tài năng cho đất nước nên rất thấu hiểu lĩnh vực đào tạo, quản lý và sử dụng nhân tài.

Bản thân Tiến sĩ Lê Anh Vinh cũng đã trải qua quá trình tự vấn và quyết định về nước làm việc, nên anh đồng cảm với những tâm tư, nguyện vọng của những người con đất Việt học tập xa quê hương. Anh cho rằng, những người Việt Nam sống và học tập ở nước ngoài đều mong muốn trở về nước, vấn đề riêng của mỗi người chỉ là khi nào và như thế nào. Điều băn khoăn của các nhân tài khi trở về nước chính là môi trường nghiên cứu, môi trường làm việc ra sao.

“Khi nói đến môi trường làm việc của một nhà khoa học, tôi muốn nói đến theo một nghĩa rộng, bao gồm từ cơ sở vật chất, điều kiện tài chính, đến hoạt động học thuật và cộng đồng nghiên cứu. Trong những trao đổi gần đây về hiện tượng chảy máu chất xám. Chúng ta có thể thấy rằng lợi ích vật chất không phải là lý do cơ bản.

Nếu nhìn lý do chính mà số lượng lớn các nhà khoa học hàng đầu không chỉ từ các nước đang phát triển mà từ cả các nước phương Tây sang Mỹ làm việc, có thể thấy họ đến với nước Mỹ vì ở đó, họ có các đồng nghiệp, những người có cùng mối quan tâm, cùng hợp tác nghiên cứu. Ở đó họ được bao bọc bởi môi trường làm việc học thuật, phát huy được tối đa khả năng sáng tạo, năng lực nghiên cứu của mình”, anh Vinh nói.

Nhân diễn đàn Đại hội Tài năng trẻ, Phó Giáo sư từng tốt nghiệp ĐH Harvard (Mỹ) đóng góp một số giải pháp thu hút, trọng dụng và phát huy tài nguyên trí tuệ của các nhà khoa học trẻ.

PGS. TS Lê Anh Vinh hiến kế cho Đại hội Tài năng trẻ và các cơ quan quản lý giải pháp thu hút, trọng dụng nhân tài
PGS. TS Lê Anh Vinh hiến kế cho Đại hội Tài năng trẻ và các cơ quan quản lý giải pháp thu hút, trọng dụng nhân tài

 

Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam trình bày:

Thứ nhất, chúng ta cần có các chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN hiệu quả để phát huy năng lực của nguồn nhân lực KH&CN trong nước và thu hút, trọng dụng cán bộ khoa học giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài, nghiên cứu sinh Việt Nam học tập ở nước ngoài về nước làm việc. Luật KH&CN năm 2013 đã lần đầu tiên dành riêng một chế định quy định về chính sách đối với các nhà khoa học, theo đó nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước trong đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài KH&CN.

Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao ở các tổ chức KH&CN cũng gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn với nguồn lực tài chính có hạn, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị nghiên cứu hạn chế, môi trường làm việc và giao lưu học thuật chưa năng động... Nhiều nhà khoa học trẻ chưa được sắp xếp, bố trí đúng vị trí công việc; chưa có chế độ làm việc thích đáng; và chưa nhận được những cơ chế khuyến khích sáng tạo để họ có thể toàn tâm toàn ý cho khoa học.

Nếu đã thực sự coi các nhà khoa học trẻ là nguồn lực quan trọng, thì nhà nước cần xem xét có những lộ trình cụ thể để triển khai hiệu quả các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lực cao; tạo điều kiện làm việc tốt, môi trường làm việc phù hợp và có cơ chế sử dụng cán bộ tương xứng với năng lực. Hiện nay, tại ĐHQGHN đã có mô hình Câu lạc bộ Nhà khoa học là nơi kết nối và tạo cơ hội tiếp cận các chương trình nghiên cứu trọng điểm cho nhà khoa học trẻ tại ĐHQGHN. Để nhân rộng mô hình này một cách hiệu quả, TW Đoàn có thể xem xét việc xây dựng một cơ quan chuyên trách cấp trung ương, quản lý và hỗ trợ thông tin, giúp định hướng cho các nhà khoa học trẻ trên cả nước.

Thứ hai, chúng ta cần có sự đầu tư đúng mức và đúng trọng điểm về nguồn lực tài chính và hạ tầng kỹ thuật cho KH&CN. Ở Việt Nam hiện nay, nghiên cứu chủ yếu được tài trợ bởi chính phủ. Mặc dù tỷ lệ đầu tư của các tổ chức tư nhân cho nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, đặc biệt là tài trợ cho các dự án nghiên cứu ứng dụng. Thêm vào đó, các hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các trường đại học tại Việt Nam chưa được đầu tư đúng mức. Tổng đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN của Việt Nam hiện nay ước tính chỉ đạt dưới 1% GDP so với mức trung bình thế giới là 2,1%.

Với mức đầu tư này, chúng ta chưa phát huy được vai trò của các tổ chức xã hội trong các hoạt động khoa học công nghệ. Điều này, dẫn đến tình trạng sử dụng kém hiệu quả và gây lãng phí nguồn lực cho hoạt động khoa học công nghệ. Việc đầu tư một cách dàn trải, không có trọng điểm dẫn đến các sản phẩm khoa học công nghệ bị trùng lặp, thiếu tính sáng tạo, có giá trị kinh tế thấp, không tạo được sự đột phá về mặt kinh tế – xã hội.

Để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải cần nâng cao năng lực nghiên cứu của các trường đại học và các Viện nghiên cứu trọng điểm và những lĩnh vực nghiên cứu được ưu tiên. Nếu việc điều chỉnh pháp luật và cơ chế tài chính không áp dụng được đại trà, ít nhất cũng cần được thí điểm có trọng tâm, trọng điểm đối với số ít tổ chức Khoa học và công nghệ mới theo mô hình xuất sắc. Đi kèm theo quyền lợi đặc biệt là những cam kết đầu ra về những sản phẩm đặt hàng của nhà nước và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần khuyến khích, tạo cơ chế và có những hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp tích cực tham gia hoạt động triển khai ứng dụng khoa học công nghệ.

Thứ ba, là một số bất cập về cơ chế quản lý tài chính. Cơ chế xét duyệt, nghiệm thu đề tài các cấp ở nhiều nơi vẫn còn tương đối phức tạp và trở thành một rào cản thực sự đối với các nhà khoa học. Các nhà khoa học vẫn thường cho rằng các cơ quản quan lý không hiểu hay chưa tin các nhà khoa học nên đưa ra những cơ chế không phù hợp với thực tiễn. Vấn đề này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của các đề tài nghiên cứu, sự nhiệt huyết của nhà khoa học trẻ trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Vì vậy, các bộ, ban ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để có một quy trình quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ tinh giản nhưng hiệu quả. Hiện nay các quy trình xét duyệt và nghiệm thu đề tài đã được chuyển dần sang cơ chế khoán sản phẩm, trong đó chất lượng sản phẩm cuối cùng của một đề tài nghiên cứu khoa học sẽ là thước đo quan trọng nhất. Với những thay đổi tích cực này, các nhà khoa học trẻ sẽ mạnh dạn hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp.

Để thu hút, trọng dụng và phát huy tài nguyên trí tuệ trong đội ngũ các nhà khoa học trẻ Việt Nam, chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư tài chính, hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực cùng với một cơ chế pháp lý thông thoáng, khả thi và có hiệu lực thực sự”.

Mai Châm

Báo Dân Trí