Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2015: Thí sinh thể hiện quyền được lựa chọn

Cập nhật 11/09/2015 - 09:23:15 AM (GMT+7)

Đợt 2 kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 đã khép lại từ ngày 7/9. Ghi nhận từ các trường cho thấy do chỉ tiêu dồi dào, thí sinh đã thể hiện quyền lựa chọn trường đến phút cuối với những tính toán chắc chắn vì còn nhiều trường, nhiều ngành hợp với sở thích.

Trong số các trường tiếp tục xét tuyển đợt 3 tới đây, chủ yếu sẽ là những trường đại học địa phương, đặc biệt là các trường ngoài công lập do vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Nhiều trường công bố điểm chuẩn

Ngày 9/9, Trường ĐH Điện lực đã chính thức công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển bổ sung, nhiều ngành học có mức điểm chuẩn từ 25 – 25,5. 

Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cũng đã thông báo điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung vào hệ ĐH với mức điểm từ 15 - 21 ở bậc ĐH tùy theo từng ngành học: Còn với hệ CĐ trường này lấy ở mức 12 điểm cho các ngành tuyển sinh.

Ở phía Nam, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM công bố điểm trúng tuyển xét tuyển đợt 2, ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học có điểm trúng tuyển là 19,25 điểm; Quản trị kinh doanh tổng hợp là 19 điểm; Tài chính - Ngân hàng là 19 điểm; Kế toán lấy 18,75 điểm và Công nghệ kỹ thuật môi trường lấy 18,25 điểm. 

Trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng công bố điểm chuẩn trúng tuyển của đợt 2 tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, hầu hết các ngành đều lấy ở mức 16 điểm, một số ít ngành lấy mức 17 – 18 điểm. 

Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM đưa ra mức điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng bổ sung các ngành hệ ĐH từ mức 15 - 18 điểm, còn điểm chuẩn các ngành hệ CĐ là 12 điểm.

Theo lịch, từ ngày 10/9 là thời điểm các trường công bố điểm trúng tuyển đợt 2 xét tuyển ĐH, CĐ 2015. Nhiều trường cho biết sẽ hoàn tất việc tuyển sinh trong ngày này, nhưng cũng sẽ có trường tiếp tục tuyển sinh cho đến hết chỉ tiêu đã xây dựng trong các đợt tuyển sinh các nguyện vọng bổ sung tiếp sau. 

Vẫn còn nhiều chỉ tiêu và đa dạng các ngành đào tạo ở đợt tuyển sinh tiếp theo. Tuy nhiên, số trường ĐH công ở Trung ương sẽ gần như không còn, đợt 3 tới đây sẽ chủ yếu là trường ĐH địa phương và trường ngoài công lập.

Tiếp tục rộng cửa nguyện vọng sau ở ngoài công lập

Trong số các trường ngoài công lập, ĐH Thăng Long là trường hiếm hoi tuyển gần hết chỉ tiêu của đợt 2 trên tổng số hơn 900 chỉ tiêu bổ sung. 

Được biết, đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ có những hồ sơ ảo vì thí sinh cùng lúc được nộp vào 3 trường nên ĐH Thăng Long đã gọi nhập học với số lượng cao hơn chỉ tiêu để trừ số ảo. 

Nhưng vẫn còn nhiều trường khác với sự đa dạng về ngành nghề và chỉ tiêu rộng cửa cho người học chọn như: Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trường đào tạo đa ngành; sau khi kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên, trường này còn khá nhiều chỉ tiêu dành cho đợt bổ sung sau. 

Hay như Trường ĐH Dân lập Phương Đông tuyển trên 1.400 chỉ tiêu trong đợt bổ sung cũng cho biết tiếp tục tuyển bổ sung ở nhiều ngành đào tạo. 

Các ĐH khác như Trường ĐH Đại Nam, Trường ĐH Nguyễn Trãi, Trường ĐH Hòa Bình… và nhiều trường ĐH, CĐ nữa chắc chắn sẽ tuyển bổ sung ở các ngành học cho đợt tuyển sinh bổ sung tiếp sau cho đến hết chỉ tiêu đã xây dựng.

Ở phía Nam, tình hình xét tuyển bổ sung ở nhiều trường số hồ sơ nộp đều lớn hơn chỉ tiêu còn lại. Như ở Trường ĐH Công nghệ TPHCM, số hồ sơ nộp vào trường này đã lớn hơn nhiều so với số chỉ tiêu gọi nhập học còn lại là 3.150 thí sinh. 

Hay như Trường ĐH Hoa Sen, số hồ sơ thu được ở nguyện vọng bổ sung cũng đã khá ổn. Tuy nhiên đa phần thí sinh vẫn dành sự ưu tiên cho các ngành thuộc khối kinh tế (hồ sơ nộp về đã gấp 2 - 3 lần so với chỉ tiêu cần tuyển), nhiều ngành khác nhận được rất ít hồ sơ, trong trường hợp những ngành ít hồ sơ nếu chỉ tiêu còn, trường sẽ tuyển nguyện vọng bổ sung đợt tiếp sau, có thể số lượng là rất ít. 

Cũng như các ĐH phía Bắc, ở phía Nam vẫn còn nhiều chỉ tiêu để thí sinh lựa chọn hoặc là trường ngoài công lập hoặc là các đại học địa phương ở những nguyện vọng tiếp sau.

Nhận định tổng quan đợt xét tuyển vừa qua, nhiều chuyên gia tuyển sinh đều cho rằng sự đa dạng về hình thức tuyển sinh, cũng như nhiều trường tuyển nguyện vọng bổ sung đã giúp thí sinh chủ động trong việc chọn lựa ngành, trường học rất nhiều. 

Thí sinh vẫn thể hiện sự ham thích các ngành học liên quan đến kinh tế cũng thể hiện tâm lý xã hội. Còn với việc thí sinh vẫn ưu tiên chọn lựa các trường công lập không chỉ bởi học phí thấp hơn trường ngoài công lập mà còn là vấn đề chất lượng. 

Xã hội vẫn tin tưởng các trường công nhiều hơn về truyền thống đào tạo và sự ổn định chất lượng đào tạo. Minh chứng cho việc này là có những trường ngoài công lập đều đã hoàn thành việc tuyển sinh ở đợt xét tuyển bổ sung, những trường này đều có uy tín về chất lượng đào tạo với xã hội.

Đối với đợt 3 tới đây, không còn nhiều lựa chọn ở những trường công lập, trường tốp trên, chắc chắn thí sinh sẽ tập trung quan tâm đến các ĐH địa phương và ĐH ngoài công lập. 

Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, đợt 3 kỳ tuyển sinh năm nay sẽ tiếp tục ổn vì cũng như đối với ở đợt 2, thí sinh ở các địa phương đã thay đổi quyết định khi tìm đến các cơ sở 2 của các trường ĐH công lập thì ở đợt 3 này, thí sinh sẽ tìm tới các ĐH địa phương và trường ngoài công lập nhiều hơn. 

Do nhiều trường ngoài công lập và ĐH địa phương chủ yếu xét tuyển bằng học bạ và kết quả học tập phổ thông nên dự báo được đưa ra là các thí sinh không trúng tuyển ở đợt xét tuyển bổ sung đầu tiên sẽ thay đổi nguyện vọng về những trường này nhiều hơn cũng hoàn toàn có cơ sở.

 

Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, các trường công bố kết quả xét tuyển đợt 2 trước ngày 10/9. Đợt 3, các trường nhận đăng ký từ ngày 11 - 21/9, công bố kết quả trước ngày 24/9. 

 

Đợt 4, các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu chủ động công bố thời gian nhận đăng ký từ ngày 25/9 - 15/10 và công bố kết quả trước ngày 19/10. Tuyển sinh ĐH kết thúc ngày 20/10.