Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Xét tuyển đại học “đánh đố” thí sinh

Cập nhật 08/09/2015 - 07:51:55 PM (GMT+7)

Theo Bộ GD-ĐT, các trường ĐH-CĐ phải công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển ba ngày một lần để thí sinh biết được thứ hạng của mình, quyết định việc nộp hay rút hồ sơ. 

Đến hôm nay đã hết nửa thời gian đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ của đợt 1 (từ ngày 1 đến 20-8-2015), thí sinh và phụ huynh đều rất lo lắng, cần biết cụ thể thông tin về thứ hạng thực của mình (trong danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển của các trường công bố và khả năng trúng tuyển) để đưa ra quyết định. 

Mỗi trường công bố một kiểu

Trên thực tế tất cả các trường đều đã thực hiện quy định công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển, nhưng điều đáng nói là mỗi trường có một cách công bố danh sách khác nhau, trong đó có rất nhiều trường như đang “đánh đố” thí sinh vì thực tế khi thí sinh xem thông tin này… cũng không biết gì.

Bà Hoàng Thị Mai, phụ huynh một thí sinh đăng ký xét tuyển vào Học viện Hàng không VN, bức xúc: “Nhà trường công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển chung chung như thế làm sao thí sinh biết hiện tại mình đang đứng thứ bao nhiêu trên tổng số hồ sơ đăng ký cùng ngành với mình?”.

Độc giả Khánh Linh nói: “Các trường phải làm sao khi đọc vô danh sách đó là thí sinh biết mình khu vực đèn xanh (an toàn), đèn vàng (báo động rút hồ sơ) hay đèn đỏ (rút hồ sơ gấp) và những thí sinh xếp dưới đó thì không nên nộp vô”. 

Bạn Phương Vy cho biết dựa trên điểm số của mình bạn an tâm khi nộp hồ sơ vào trường mình yêu thích, nhưng sau đó điểm số của Vy dần bị đẩy xuống gần cuối bảng do những hồ sơ có điểm cao nộp về nhiều hơn.

“Nhưng em theo dõi trên bảng điểm trường công bố, phần lớn thí sinh cao điểm hơn em đều là nhờ cộng điểm ưu tiên. Hiện giờ em đang rất lúng túng không biết nên rút hay không. Nhưng nếu chờ thì biết đâu đến lúc cần rút lại không kịp” - Phương Vy trăn trở.

Trong khi đó, danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển cập nhật đến ngày 7-8 được Trường ĐH Văn Lang công bố có các cột thông tin: số thứ tự, họ và tên thí sinh, số báo danh, mã ngành, thứ tự nguyện vọng đăng ký, điểm ưu tiên quy đổi, tổng điểm (theo tổ hợp đăng ký)…

Ban đầu nhìn vào danh sách này thí sinh tưởng chừng rất dễ nhận biết thông tin vì nhà trường xếp theo quy luật thí sinh có tổng điểm từ cao xuống thấp ở từng mã ngành nhưng ở cột số thứ tự thì các con số nhảy loạn xạ. Vì vậy, thí sinh rất khó để biết được mình đang ở thứ hạng mấy trong từng ngành.

Đó là chưa nói đến việc nhà trường cung cấp danh sách này dưới dạng file pdf, thí sinh muốn biết thứ hạng của mình phải tải về máy tính chuyển sang file định dạng Excel, từ đó phải mất vài công đoạn xử lý dữ liệu mới có được thông tin mình cần.

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM muốn biết thứ hạng của mình trong danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển cũng phải tải file danh sách về máy tính và qua công đoạn xử lý dữ liệu.

Thí sinh và phụ huynh tham khảo điểm xét tuyển tạm thời do Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) công bố trước khi nộp hồ sơ - Ảnh: Hồng Nguyên
Thí sinh và phụ huynh tham khảo điểm xét tuyển tạm thời do Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) công bố trước khi nộp hồ sơ - Ảnh: Hồng Nguyên

Thí sinh không biết đậu hay rớt!

Hiện nay, hầu hết các trường công bố danh sách thí sinh ở cả bốn nguyện vọng, với cách công bố này sẽ có nhiều thí sinh điểm cao ở ngành nguyện vọng 1 nhưng cũng sẽ có tên trong danh sách thống kê của ngành khác.

Khi xét tuyển, thí sinh chỉ được xét trúng tuyển một nguyện vọng. Vì vậy danh sách hiện nay số lượng thí sinh trúng tuyển ảo rất nhiều.

Trong trường hợp thí sinh rớt ngành ưu tiên 1 sẽ được xét vào các ngành ưu tiên còn lại nếu đủ điểm. Nếu thí sinh trúng tuyển cả bốn nguyện vọng thì trường chỉ xét thí sinh trúng tuyển vào ngành thí sinh chọn ưu tiên 1.

Mặc dù Trường ĐH Ngoại thương - cơ sở 2 tại TP.HCM đã công khai danh sách thí sinh theo ngành, thí sinh có thể biết được thứ hạng cụ thể của mình, tuy nhiên do nhà trường thống kê thông tin thí sinh đăng ký xét tuyển ở cả bốn nguyện vọng nên thí sinh khó biết được mình trúng tuyển (tạm thời) hay không.

“Nhà trường đưa ra bản thống kê điểm, sao mà khó hiểu. Phụ huynh chúng tôi muốn cụ thể hơn. Sao giờ phút này chúng tôi như ngồi trên chảo lửa mà nhà trường còn đánh đố nữa” - ông Nguyễn Văn Nam, phụ huynh của một thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương, nói.

Trường ĐH Sài Gòn vừa cung cấp địa chỉ tra cứu hồ sơ xét tuyển theo ngành. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường có thể tra cứu http://daotao.sgu.edu.vn/xettuyen/ để biết thứ hạng của mình. Với phần mềm này, nhà trường đã công bố chi tiết thông tin về chỉ tiêu theo từng tổ hợp ở từng ngành và thông tin điểm xét tuyển của thí sinh xếp thứ hạng từ cao xuống thấp.

Tuy nhiên, nhà trường có lưu ý do thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng (tối đa bốn nguyện vọng) trong một đợt xét tuyển nên vị trí thứ hạng của thí sinh xem trong danh sách này theo từng ngành và tổ hợp môn thi bị ảo cao.

Ví dụ: thí sinh đang xếp hạng ở vị trí 60 so với chỉ tiêu là 50 của ngành A thì chưa hẳn là thí sinh không trúng tuyển vì còn nhiều thí sinh trong số 50 thí sinh có hạng cao nhất của ngành A có nguyện vọng với thứ tự ưu tiên cao hơn ở những ngành khác.

Khó khăn cho thí sinh vùng sâu, vùng xa

PGS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, đánh giá cách thức xét tuyển ĐH và việc tính toán để nộp hay rút hồ sơ làm cho thí sinh và phụ huynh như đang “đánh bạc”.

PGS Văn Như Cương - Ảnh: Việt Dũng
PGS Văn Như Cương - Ảnh: Việt Dũng

Thông tin từ cổng điện tử của các trường không thống nhất về quy chuẩn, cách đăng nhập cũng như cách sắp xếp thông tin thí sinh, điểm số lung tung làm cho thí sinh rất khó khăn không biết phải xử lý thế nào.

Bên cạnh đó, cách thức này gây khó khăn cho nhiều thí sinh ở vùng sâu, vùng xa khi thiếu thốn Internet để có thể cập nhật thông tin thường xuyên. Như vậy sẽ không công bằng cho các em khi có thể chậm chân hơn so với thí sinh thành phố nếu muốn đi rút hồ sơ để nộp lại trường khác.

Hơn nữa, muốn rút hồ sơ lại phải đến trực tiếp trường để làm thủ tục, như vậy lại khiến nhiều phụ huynh và thí sinh ở xa vừa mất thời gian lại tốn thêm nhiều chi phí đi lại - PGS Văn Như Cương nhìn nhận.

Ông Lê Ngọc Tứ, trưởng phòng đạo tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết những ngày vừa qua lượng hồ sơ nộp xét tuyển vào trường cũng khá nhiều, nên nhà trường phải bố trí thời gian để nhận cũng như cho thí sinh rút hồ sơ.

“Thông thường chúng tôi giải quyết việc rút hồ sơ vào buổi chiều. Với hồ sơ nộp thí sinh có thể gửi theo đường chuyển phát nhanh nhưng với hồ sơ rút, thí sinh phải đến trực tiếp làm thủ tục” - ông Tứ cho biết.

Trước tâm lý lo lắng hiện tại với vấn đề xét tuyển, ông Lê Ngọc Tứ cho rằng để tránh tình trạng khó khăn hoặc chậm trễ trong việc nộp - rút, phụ huynh và học sinh cũng nên cân nhắc kỹ về việc chọn trường ban đầu dựa trên thực lực điểm số của mình, tránh việc chạy đua vào các trường tốp cao rồi sau đó rút hồ sơ để chuyển sang trường khác không kịp.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cách làm như năm nay đang gây khó khăn cho thí sinh và phụ huynh và bản thân các trường cũng không chủ động được trong việc xét tuyển.

“Các trường phải chờ hết ngày quy định nộp hồ sơ thì mới biết được có bao nhiêu thí sinh nộp vào và điểm số cuối cùng quyết định thế nào” - GS Thuyết cho biết.

GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết

Nhiều người cho rằng việc lọc số thí sinh ảo nằm trong tầm tay của các trường. Đồng thời cho rằng Bộ GD-ĐT cần yêu cầu các trường xếp điểm theo ngành mà thí sinh đăng ký, theo từng khối, từ thấp lên cao và lọc lượng thí sinh ảo. Có như thế thí sinh mới biết mình đứng thứ bao nhiêu trên tổng số hồ sơ đăng ký.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)