Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Cơ hội trúng tuyển ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên

Cập nhật 08/09/2015 - 07:56:40 PM (GMT+7)

Sáng nay 1-8, Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2015 do Tuổi Trẻ phối hợp cùng Bộ GD-ĐT tổ chức đã khai mạc tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM).

Học sinh và phụ huynh đang lắng nghe các chuyên gia tư vấn nộp hồ sơ theo nhóm ngành tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2015 sáng 1-8 - Ảnh: Như Hùng

Học sinh và phụ huynh đang lắng nghe các chuyên gia tư vấn nộp hồ sơ theo nhóm ngành tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2015 sáng 1-8

Phát biểu tại ngày hội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết hôm nay là ngày đầu tiên thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ. Khác với mọi năm, quy trình xét tuyển năm nay có một số điểm mới mà thí sinh cần biết để đối chiếu với kết quả đã đạt được của mình mà chọn trường, ngành phù hợp.

“Để hỗ trợ cho thí sinh trong bước lựa chọn quan trọng này, báo Tuổi Trẻ đã có sáng kiến tổ chức ngày hội tư vấn xét tuyển hôm nay. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, thể hiện tinh thần vì cộng đồng của cơ quan truyền thông. Bộ GD-ĐT hoan nghênh sáng kiến của báo Tuổi Trẻ và cảm ơn sự hợp tác của báo đối với sự nghiệp đổi mới của ngành” - ông Ga nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2015 tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐH QG TP.HCM) sáng 1-8 - Ảnh: Quang Định

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2015 tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐH QG TP.HCM) sáng 1-8

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, mặc dù đến nay Bộ GD-ĐT đã cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết để thí sinh thực hiện việc đăng ký xét tuyển của mình, tuy nhiên đây là năm đầu tiên thực hiện phương thức xét tuyển mới nên chắc chắn không ít thí sinh còn bỡ ngỡ, lúng túng.

Hôm nay đến với ngày hội xét tuyển các em sẽ được các chuyên gia tư vấn tuyển của các trường ĐH, CĐ giải đáp các thắc mắc của các em về cách thức làm hồ sơ và nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, quy trình xét tuyển, cách thức tìm kiếm thông tin của các trường cần thiết để so sánh, lựa chọn ngành nghề phù hợp…

Đặc biệt các thầy cô phụ trách đào tạo của các trường sẽ đưa ra lời khuyên hữu ích để với kết quả thi của mình, các em nên nộp đơn vào ngành/trường nào vừa sức để có cơ hội trúng tuyển ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên, tránh vất vả phải rút hồ sơ nhiều lần trong đợt xét tuyển.

Ông Ga cho rằng: “Quy chế năm nay có nhiều điểm lợi cho thí sinh, giúp các em tránh được những rủi ro khi xét tuyển. Tuy nhiên để tận dụng được những lợi thế đó các em cần thông tin để cân nhắc việc nộp hồ sơ xét tuyển phù hợp. Năm nay các em có rất nhiều sự lựa chọn. Hãy bình tĩnh, tự tin chọn ngành, chọn trường phù hợp với sở trường”.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Thế Chữ - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻnói ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 là cầu nối để các trường ĐH, CĐ và thí sinh có cơ hội tìm hiểu thông tin rõ hơn, tư vấn chi tiết và hướng dẫn kỹ càng hơn nhằm giúp thí sinh lựa chọn đúng và trúng tuyển ngay từ nguyện vọng đầu tiên.

“Với 123 gian tư vấn của gần 100 trường ĐH, CĐ, trung cấp và các đơn vị giáo dục cũng như sự tư vấn của các chuyên gia đến từ Bộ GD-ĐT, từ đội ngũ tư vấn tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ và từ các trường ĐH, hi vọng ngày hội sẽ đáp ứng tối đa cũng như giải tỏa mọi thắc mắc của thí sinh về chọn trường, chọn ngành phù hợp với điểm số và sở thích, nguyện vọng của mình để đạt kết quả tốt nhất”.

Nhiều phụ huynh cho biết sợ con chọn sai ngành. Nếu chọn ngành điểm tuyển thấp quá thì tiếc còn chọn ngành điểm cao quá lại lo không trúng tuyển. Câu chuyện của học sinh bây giờ không còn là chuyện hướng nghiệp nữa mà là chọn trường nào cho phù hợp với điểm số đạt được...

PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT thông tin cho phụ huynh và học sinh trong ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2015 tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐH QG TP.HCM) sáng 1-8 - Ảnh: Quang Định

PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT thông tin cho phụ huynh và học sinh trong ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2015 tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐH QG TP.HCM) sáng 1-8 

Nhiều băn khoăn về cách thức xét tuyển

Mở đầu phần tư vấn chung, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cung cấp các thông tin chung về kỳ thi THPT quốc gia năm nay cũng như các mốc thời gian về việc xét tuyển, rút hồ sơ; cách thu ghi hồ sơ xét tuyển cũng như rút hồ sơ xét tuyển.

Một thí sinh băn khoăn về cách thức xét tuyển cũng như ghi hồ sơ xét tuyển. Bà Nguyễn Kim Phụng - phó vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT và PGS-TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đã cung cấp các thông tin chi tiết.

PGS-TS Nguyễn Văn Thư lưu ý: thí sinh có thể sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển nhưng cần cân nhắc khi đăng ký hai tổ hợp xét tuyển vào một ngành, tốt nhất nên chọn tổ hợp điểm cao nhất để xét tuyển.

Một phụ huynh là bộ đội nghỉ hưu cho biết con mình thích ngành công nghệ thông tin. “Tôi muốn hỏi: cháu làm đơn phúc khảo thì chờ khi có kết quả mới nộp hồ sơ xét tuyển hay nộp luôn bây giờ. Nếu không muốn phúc khảo nữa thì rút lại được không?”.

Với câu hỏi này, bà Nguyễn Kim Phụng tư vấn: với điểm thi đã có, thí sinh cứ nộp hồ sơ xét tuyển, sau này kết quả có thay đổi thì mình nộp bổ sung, giờ các trường xét tuyển dựa vào giấy chứng nhận kết quả, không cần phải chờ kết quả phúc khảo.

Cũng liên quan đến vấn đề xét tuyển, một thí sinh băn khoăn: phiếu đăng ký xét tuyển có mục điều chỉnh ưu tiên, vậy có phải nộp thêm gì không?

TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) cho biết khi điều chỉnh lại cần nộp những giấy tờ chứng minh cho điều chỉnh này. Đối với khu vực ưu tiên, thí sinh cần ghi rõ địa chỉ hộ khẩu và ba năm học THPT. Do vậy, thí sinh có thể đánh dấu điều chỉnh khu vực ưu tiên và phải kèm theo các giấy tờ nêu trên.

Một thí sinh thi được 15 điểm và đặt câu hỏi điểm số này có cơ hội trúng tuyển ngành CNTT trường nào?

TS Nguyễn Đức Minh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tư vấn: với điểm này thì khả năng trúng tuyển vào các trường công lập khá thấp. Tuy nhiên, nếu mục đích chỉ là chọn ngành học thì bạn có nhiều cách để vào ĐH, chẳng hạn nộp vào các trường ngoài công lập hay xét tuyển bằng học bạ.

Ngành nào cơ hội việc làm tốt?

Không chỉ vấn đề xét tuyển, nhiều thí sinh lo lắng về vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp. Một thí sinh đặt câu hỏi: "Cơ hội việc làm của ngành công nghệ sinh học như thế nào?".

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng chia sẻ: ngành này có rất nhiều trường đào tạo như Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Nông lâm, Công nghiệp TP.HCM… Đây là ngành có điểm chuẩn cao. Theo học ngành này đòi hỏi thí sinh có óc tư duy sáng tạo, thích tìm tòi cái mới… Sinh viên tốt nghiệp sẽ làm việc ở những nơi có trang thiết bị hiện đại và chỉ chấp nhận những sinh viên có học lực tốt. Cơ hội việc làm rộng trong nhiều lĩnh vực nhưng đầu vào và việc học đòi hỏi thí sinh phải có năng lực tốt.

Một thí sinh khác lo lắng giữa cơ khí ô tô và xây dựng cầu đường ngành nào có cơ hội việc làm tốt hơn? PGS-TS Nguyễn Văn Thư giải thích: hai ngành này rất khác nhau - một thiên về cơ khí, một thiên về xây dựng.

Học ngành xây dựng mà chỉ muốn làm việc ở văn phòng thì e là rất khó có cơ hội việc làm. Xây dựng cầu đường phải lăn lộn ở các công trường, đi các vùng xa xôi. Nếu chấp nhận thách thức ở môi trường như vậy thì xây dựng cầu đường có cơ hội việc làm tốt. Với ngành ô tô, hiện tại ôtô được sử dụng ở các thành phố nhiều hơn nên cơ hội việc làm và nơi làm việc chủ yếu tập trung ở thành phố.

Chia sẻ thêm về băn khoăn này, PGS-TS Lê Hiếu Giang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng hai ngành này phát triển song song. Việc xây dựng cầu đường rất cần thiết và nhà nước đầu tư rất lớn cho việc xây dựng. Hai ngành này đều tốt nhưng vấn đề là học sinh cần chọn ngành nào phù hợp với năng lực, sở thích và phát huy được hết năng lực của mình.

Nhiều thí sinh nộp hồ sơ trong buổi sáng đầu tiên

Theo ghi nhận, trong sáng nay 1-8, nhiều phụ huynh và thí sinh đã đến Trường Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) để nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.

Một phụ huynh ở quận 4 chia sẻ: cả hai vợ chồng đều là giáo viên nghỉ hưu, hôm nay đưa con đến vừa để nộp hồ sơ, vừa xem ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ có gì hay thì nghe thêm cho biết thông tin.

Tại nhiều góc trong sân trường, các thí sinh đi với bạn bè cùng túm tụm ngồi chung viết hồ sơ. Trong đó, có bạn nộp gấp hôm nay để những ngày sau rảnh rang đi làm, có bạn muốn nộp sớm để theo dõi thông tin trên mạng, từ đó biết thứ hạng của mình để dễ tính tiếp.

Thí sinh Nguyễn Thành Lợi (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) từ sáng sớm đã bắt xe đò lên tham gia ngày hội. Được chị đưa đến Trường ĐH Bách Khoa, Lợi nhanh chóng viết hồ sơ và nói: “Mình ráng nộp hồ sơ trong hôm nay rồi về lại trong ngày”.

Hơn 11g trưa, tại khu vực nhận hồ sơ đăng kí xét tuyển của Trường ĐH Bách Khoa vẫn còn rất đông thí sinh. Hầu hết thí sinh cho biết việc nộp hồ sơ khá thuận lợi, thoải mái. Phần nhiều thí sinh còn chưa nộp được do chưa đăng kí xét tuyển trực tuyến. Sau đó, các thí sinh này đã được hướng dẫn để in phiếu ngay tại các quầy trong khu vực nộp hồ sơ.

10 ngày cuối dành cho những thí sinh "lì lợm" nhất

10g sáng, khu vực tư vấn của nhóm ngành khoa học xã hội - kinh tế - tài chính - luật - y dược chật kín thí sinh và phụ huynh đến tham quan, nhờ tư vấn. Phần đông thí sinh tỏ ra lo lắng trước việc xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường nào, ngành nào, đặc biệt là các thí sinh có điểm từ 19-23 điểm.

Trước những thắc mắc, lo lắng của thí sinh và phụ huynh, các tư vấn viên của các trường đều nỗ lực hết mình để trả lời.

Thầy Nguyễn Thái Châu - giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp của Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhiệt tình tư vấn chọn ngành, chọn trường cho các thí sinh và phụ huynh đang vây kín mình dù mướt mồ hôi.

“Mười ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 là dành cho những thí sinh lì lợm nhất. Các bạn nên nộp hồ sơ trong 10 ngày đầu để có cơ hội trúng tuyển cao hơn vì khi đã tuyển đủ chỉ tiêu, một số trường sẽ khóa sổ không nhận hồ sơ nữa. Các bạn cũng phải thường xuyên theo dõi danh sách trên website, cứ ba ngày một lần", thầy Châu tư vấn.

Thầy Châu cũng căn dặn các thí sinh phải suy nghĩ thật kỹ trước khi chọn ngành, không đua theo ngành hot để tránh trường hợp rút hồ sơ phút chót làm giảm cơ hội đậu nguyện vọng 1 hoặc ngồi nhầm trường.

Thầy cũng nhiệt tình phân tích các tính cách nào thì phù hợp học ngành nào, ví dụ học kế toán là người sống hướng nội, tính cách tỉ mỉ và cẩn thận. Ngoài ra, thầy Châu còn giải đáp thắc mắc về vấn đề tại sao một số trường kinh tế lại tăng học phí cao hơn, theo đó các trường này tăng học phí để có điều kiện mời nhiều giảng viên giỏi hơn, đồng thời tạo điều kiện cơ sở vật chất để sinh viên có thể thường xuyên thực hành, tham quan thực tế, nâng cao chất lượng học tập.

Ông Trần Đình Tuệ, một phụ huynh cho biết: "Năm nay đổi mới nhiều quá nên thông tin mập mờ, chưa rõ gì về điểm chuẩn nên tôi cũng lo lắng. Ngày hội đúng là đã giải tỏa được thắc mắc của nhiều phụ huynh và học sinh. Như trường hợp của con tôi, sau khi được tư vấn đã quyết định nộp luôn hồ sơ vào Trường ĐH Sư phạm kĩ thuật".

Một ngày hội đầy màu sắc

Bánh cupcake, quạt giấy, áo, balo, phiếu bốc thăm trúng thưởng, voucher giảm giá... "cơn mưa quà tặng" từ Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2015 tại Khuôn viên Trường ĐH Bách Khoa là một trong những yếu tố thu hút các bạn HS dừng chân tại các gian tư vấn của hơn 100 đơn vị tham gia ngày hội.

Mỗi gian tư vấn của mỗi đơn vị là một màu sắc khác biệt mang hơi thở của đơn vị mình và đặc trưng ngành nghề mà trường mình đào tạo. Mỗi gian tư vấn đều có một cách riêng biệt để thu hút người tham quan dừng chân lâu hơn tại khu vực tư vấn của trường mình.

Trường CĐ Viễn Đông mang đến ngày hội một chiếc...Toyota Camry để giới thiệu về ngành công nghệ kỹ thuật ô tô và các hoạt động thực hành của sinh viên trường này. ĐH Nguyễn Tất Thành chuẩn bị hàng trăm phần quà gồm quạt, sổ, bút, cẩm nang tuyển sinh cho khách tham dự gian hàng. Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn tổ chức quay vòng quay may mắn trúng các phần quà hấp dẫn... 

Học sinh bước vào gian tư vấn của Trương CĐ Quốc tế PSB sẽ lập tức nhận được...kẹo. ĐH Hoa Sen mang đến ngày hội 500 balo, hàng trăm móc khoá, bút bi, voucher giảm học phí...dành tặng khách tham dự.

Trong khi đó, tại ĐH Văn Lang, những tác phẩm nghệ thuật là đồ án tốt nghiệp của sinh viên được trưng bày như bìa sách, lịch, kệ sách, đồ trang trí, tranh sơn dầu...cũng là điểm đặc sắc của gian tư vấn này.

Nhiều bạn trẻ thú vị với hoạt động làm bánh và trang trí bánh cupcake tại gian tư vấn sinh động của Trường dạy nghề ẩm thực Net Space. Các chuyên viên tư vấn cũng mang đến ngày hội nào cà rốt, khoai môn, bí xanh, dưa hấu, dao trang trí, dụng cụ làm bánh...để minh hoạt cho các ngành học của trường.

Không kém cạnh, Trường hướng nghiệp Á Âu thu hút khách tham quan bởi các ổ bánh kem được trang trí cầu kỳ, rực rỡ và ngon mắt. Tại đây, các học sinh hào hứng khi chứng kiến cảnh học viên của trường khéo léo cắt, tỉa trên quả dưa hấu, củ cải trắng… hay trang trí bánh ngọt bằng những hình nộm minions ngộ nghĩnh…

Năm đầu tiên diễn ra ngày hội tư vấn xét tuyển, lượng phụ huynh tham gia được đánh giá là có số lượng tương đương số thí sinh. Vì vậy, phụ huynh có mặt ở khắp các gian tư vấn và luôn là những người ở lại sau cùng của mỗi đợt tư vấn với những câu hỏi để lựa chọn tương lai cho con mình.

“Làm sao cái máy đó khắc tên tự động được vậy anh? Con robot gõ chữ nó chạy bằng nguyên lý nào vậy ạ? Ủa sao khắc lẹ quá vậy?...”. Nhiều học sinh tỏ ra ngạc nhiên với cách vận hành của chiếc máy khắc tên bằng laser trong gian hàng của khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

“Em thấy gian hàng này khá vui, lạ và ý nghĩa, đặc biệt là khi trực tiếp xem các anh chị sinh chạy các mô hình máy móc như thế này. Em đang phân vân giữa Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Kinh tế, sau khi vào gian hàng về mô hình robot và máy khắc tên tự động, em sẽ cho thêm một điểm cộng bên phía Bách khoa”, em Triệu Ngọc Ánh Khương (THPT Trưng Vương, TP.HCM), vui vẻ cho biết.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)