Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Hướng Nghiệp

Hướng nghiệp: Bố mẹ đặt đâu, con ngồi đấy!

Cập nhật 07/01/2015 - 09:30:51 AM (GMT+7)

Lựa chọn công việc cho mình nhưng nhiều học sinh không chủ động, “bố mẹ đặt đâu thì ngồi đó”, nhiều em chọn trường chứ không chọn ngành dẫn tới thực trạng không ít sinh viên bỏ học giữa chừng để chuyển đổi hoặc ra trường làm trái ngành vì không phù hợp với năng lực, tính cách.

“Bố mẹ cho học trường nào thì học trường nấy”

“Em thích làm kiến trúc sư vì được đi nước ngoài nhiều  Nhiều bạn của em cũng chưa biết sẽ làm gì trong tương lai, cứ học đã rồi tính. Tuy thích làm kiến trúc sư nhưng em cũng không rõ mình có làm được không. Gia đình em có nhiều người làm trong lĩnh vực thời trang, bố mẹ muốn em theo truyền thống này nhưng em không thích” – Thùy Giang, học sinh lớp 10 trường Trung học Vinschool cho biết.

 Cũng như nhiều học sinh lớp 10 khác, Thùy Giang bắt đầu có những suy nghĩ riêng về tương lai của bản thân nhưng những chia sẻ của em cho thấy em còn “mù mờ” về sở trường, khả năng, sở thích cũng như đòi hỏi của công việc tương lai.

Đó cũng là tình trạng chung, phổ biến hiện nay đối với học sinh phổ thông.  Nhiều học sinh đến tận khi học năm lớp 12 khi cầm hồ sơ đăng ký thi Đại học cao đẳng mới vội mở  cuốn “Tư vấn tuyển sinh đại học cao đẳng” ra tra chọn trường vì trường đó “đẹp”, đang nằm trong Top, hoặc đại đa số là theo ý muốn của cha mẹ, thậm chí có em còn “phó mặc” chuyện chọn trường, chọn ngành cho bố mẹ theo kiểu “bố mẹ đặt đâu, con ngồi đó”.

Vấn đề hướng nghiệp cho học sinh trung học theo chiều sâu và gắn liền với thực tế, vì vậy đã trở thành một câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”; đang rất cần sự vào cuộc của các trường học và không thể thiếu sự phối hợp từ phía phụ huynh.

Chọn nghề sai: Những con số “báo động”

Theo một nghiên cứu của Viện Tâm lý học Việt Nam, có tới 58.7% các em học sinh phổ thông chọn nghề do sở thích cá nhân/sở thích cha mẹ mà không hề tính tới sự phù hợp năng lực cũng như nhu cầu nghề của xã hội.

Còn theo báo cáo năm 2013 của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TP HCM thì có tới 30% sinh viên ra trường muốn làm trái ngành và có tới 40% lao động trẻ chọn nghề không phù hợp.

Điều đó dẫn tới những con số “báo động” về tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường là 63%, còn tỉ lệ cử nhân làm trái ngành lên tới 70,8%.

Hướng nghiệp sâu và toàn diện – từ phụ huynh tới học sinh

“Việc hướng nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung ở “phần ngọn” khi thay vì giúp các em hiểu các em hợp với công việc gì, và công việc gì phù hợp với các em, thì chúng ta lại nói với các em về các tiêu chuẩn và điểm số để thi đỗ một trường đại học” - Giảng viên Nguyễn Cao Trung trong Hội thảo “Thấu Hiểu Bản Thân  –  Khám Phá Nghề  Nghiệp” cùng công cụ MBTI của Trường Trung học Vinschool phát biểu.

Để giải quyết “nút thắt” này, bộ công cụ MBTI (chỉ số phân loại tính cách Myers – Briggs) với hơn 60 năm phát triển và được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới đã được đưa ra tham chiếu trong hội thảo tại Vinschool để học sinh tự trắc nghiệm chính mình.

Bằng cách trả lời 50-70 câu hỏi được đặt ra trong các tình huống giả định, học sinh sẽ khám phá được những đặc điểm về tính cách của mình để tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”, từ đó xem xét mình có xu hướng phù hợp với những công việc như thế nào.

Nói về công tác hướng nghiệp của nhà trường, Cô Phan Hà Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung học Vinschool cho biết: “Chúng tôi chú trọng hướng nghiệp sớm cho học sinh ngay từ năm lớp 10 với hoạt động đầu tiên là tổ chức Hội thảo Định hướng nghề nghiệp tương lai bằng công cụ hiện đại MBTI. 

Công cụ này căn cứ trên phân tích tính cách để xác định năng lực của từng em học sinh giúp các em có những suy nghĩ căn bản về khả năng bản thân để bước đầu khoanh vùng nghề nghiệp phù hợp. Đặc biệt, Nhà trường cũng mời phụ huynh tới tham dự buổi hội thảo như một cách truyền thông tới Phụ huynh về công tác hướng nghiệp để gia đình cùng phối hợp với nhà trường”.

Với tư tưởng “phụ huynh là đối tác tối quan trọng”, trong ba năm tiếp theo, Vinschool cho biết sẽ tổ chức một loạt các hoạt động hướng nghiệp thực tiễn, theo chiều sâu kết hợp cùng phụ huynh như tổ chức cho học sinh đi thực tế các công sở đa ngành nghề; mời người thật việc thật (chính là các phụ huynh trong trường) đang làm việc trong các lĩnh vực khác nhau tới trò chuyện với học sinh…

Sự kết hợp chặt chẽ của Nhà trường và phụ huynh sẽ tạo nên nền tảng vững chắc, giúp các em học sinh tự tin chọn đúng và kịp thời nghề nghiệp cho tương lai. Đó là bước đầu tiên để các em chủ động lên kế hoạch, làm chủ cuộc đời của bản thân.

 

 

Giới thiệu về công cụ trắc nghiệm tâm lý tính cách MBTI

 

 

Sơ đồ mô tả phân loại tính cách theo MBTI 
MBTI là tên gọi của Chỉ số phân loại tính cách Myers – Briggs (Myers-Briggs Type Indicator) do hai mẹ con chuyên gia tâm lý người Mỹ - Katharine Cook Briggs và Isabel Briggs Myers - phát triển vào năm 1962 trên nền tảng lý thuyết của nhà tâm thần học nổi tiếng người Đức Carl Jung.

 

MBTI trả lời câu hỏi tại sao mỗi người trên thế giới đều có cá tính khác nhau. MBTI nhấn mạnh vào sự khác biệt tự nhiên của mỗi người. Thông qua bài kiểm tra gồm 50-70 câu hỏi được xây dựng khoa học, chặt chẽ nhằm tìm hiểu cách thức tư duy, cảm xúc và hành động trong từng tình huống giả định cụ thể, chỉ số MBTI phân loại các cá nhân theo các cặp đặc điểm tính cách cơ bản: hướng ngoại hay hướng nội; cảm giác hay trực giác; lý tính hay cảm tính; nguyên tắc hay linh hoạt.

Với hơn 60 năm phát triển, ngày nay MBTI đang trở nên phổ biến, được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới và được sử dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp cũng như nhiều trường học ở Mỹ, Anh, Singapore như một phương pháp phân loại tính cách chính xác, giúp con người hiểu rõ bản thân và nhữngngười xung quanh hoặc tìm được công việc phù hợp.