Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Công bố Quy chế mới - Thầy trò đều phấn khởi

Cập nhật 23/12/2014 - 09:24:19 AM (GMT+7)

Đó là khẳng định của hầu hết các cán bộ quản lý, các nhà giáo khi trao đổi với chúng tôi về Dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và Dự thảo Quy chế Tuyển sinh ĐH, CĐ vừa được Bộ GD&ĐT công bố để lấy ý kiến công luận. 

Không chỉ hợp lý về thời gian ban hành, các dự thảo sẽ là căn cứ bước đầu để ngành GD các địa phương, các cơ sở GD, giáo viên và học sinh có sự chuẩn bị chu đáo cho Kỳ thi sắp tới.

Đề thi mở, có tính kế thừa

Lật từng trang Dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và Dự thảo Quy chế Tuyển sinh ĐH, CĐ do Bộ GD&ĐT công bố chiều 18/12 vừa được in ra từ website của Bộ, thầy Ninh Thành Viên - Phó GĐ Sở GD&ĐT Kiên Giang – hồ hởi cho biết:

Qua quá trình theo dõi có thể thấy việc tổ chức cho Kỳ thi THPT quốc gia có sự chuẩn bị từ rất sớm, thông tin được cập nhật, lấy ý kiến rộng rãi từ địa phương đến Trung ương. Từ đó công tác chuẩn bị, tập hợp ý kiến, ổn định tâm lý GV và HS, tập trung học, ôn tập cũng thuận lợi hơn.

Đặc biệt, ngày thi được tổ chức vào đầu tháng 7/2015, đây sẽ tạo điều kiện cho thầy trò ôn tập, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Tham dự một kỳ thi nhưng các thí sinh có nguyện vọng vào ĐH thì các em hoàn toàn vẫn có cơ hội vì hiện nay các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo đề án riêng, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập ở phổ thông.

Điều rất vui là được biết đề thi trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Đề thi tiếp tục ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Nghe tin này, cả thầy và trò đều nhẹ nhõm…

Qua nghiên cứu dự thảo có thể thấy rằng phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm nay là hoàn toàn hợp lý, bám sát thực tiễn. Đặc biệt là tổ chức nhiều cụm thi trong cả nước, nên thí sinh sẽ thuận lợi trong quá trình đi thi, không phải đi xa như các năm trước. Điều này thể hiện rõ ở Kiên Giang - một tỉnh có địa bàn rộng, có vùng hải đảo xa xôi. Trước kia các em phải lặn lội đi thi tốt nghiệp THPT rồi lại đi đến Cần Thơ, TP HCM để thi ĐH, CĐ. Giờ đây Kỳ thi quốc gia sẽ giảm bớt những khó khăn, trở ngại này.

Dự thảo cũng cho thấy việc hình thành cụm thi dựa trên cơ sở năng lực của trường ĐH và sức tải của địa phương. Để đảm bảo sự ổn định tại các cụm, về mặt quy tắc, các thí sinh sẽ dự thi ở các cụm thi được hoạch định từ trước, đây là việc sức quan trọng.

Thành công của Kỳ thi, sự nghiêm túc và kỷ cương sẽ được thể hiện ở việc tổ chức thi ở các cụm thi này. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ quyết định cụm thi tại một số Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và giao cho các trường ĐH chủ trì là hợp lý. Từ đây đã thể hiện rằng xã hội đã có lòng tin và giao trọng trách này cho các trường ĐH đảm nhiệm. Bộ GD&ĐT cũng tin tưởng, giao quyền tự chủ cho các trường ĐH. 

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá cao vì giảm áp lực cho các thí sinh, các em không phải thi nhiều kỳ thi như trước đây. Từ đó sẽ tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, công sức…

Tuy nhiên, với  việc tổ chức các cụm thi như nêu trên thì việc đi lại, sắp xếp chỗ ăn, ở, đảm bảo an toàn cho thí sinh làm điều cần chú ý. Đặc biệt là thí sinh từ các tỉnh khác tập trung đến thi tại cụm thi. Một lượng lớn thí sinh đến dự thi tại cụm thi thì việc đảm bảo chỗ ở là vấn đề không đơn giản… Việc này tôi nghĩ không chỉ riêng ngành GD mà toàn xã hội phải chung tay, tạo điều kiện và giúp đỡ để tổ chức thành công, an toàn.

Để có bước chuẩn bị, ngành GD Kiên Giang tập trung chỉ đạo, tuyên truyền về Kỳ thi THPT quốc gia từ rất sớm. Đối tượng chính là phụ huynh, GV và HS, để làm sao mọi người hiểu được và ủng hộ, tạo điều kiện tốt trong việc học, ôn tập và thi cử. Chúng tôi quán triệt rất cụ thể, trang bị kiến thức cho các em HS là quan trọng nhất, có kiến thức vững vàng, dù đi thi gần hay xa cũng không đáng ngại.

Giảm tốn kém cho xã hội

Trao đổi nhanh với chúng tôi sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và Dự thảo Quy chế Tuyển sinh ĐH, CĐ, thầy Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (TPHCM) cho biết:

Cũng như phần lớn cán bộ quản lý giáo dục và các cán bộ giáo viên trong ngành hay những người quan tâm tới ngành, tôi đã theo dõi rất kỹ trên phương tiện truyền thông về hai dự thảo vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến. Tôi cũng đã in ra ngay cả hai bản dự thảo này để nghiên cứu và có thể sẽ đóng góp ý kiến nếu cần thiết, để góp thêm tiếng nói cùng ngành hoàn thiện Quy chế, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho Kỳ thi.

Sau khi dành thời gian để đọc sơ lược các dự thảo, cảm nhận ban đầu của tôi là khá hài lòng. Các bản dự thảo đã khá hoàn chỉnh và cụ thể và nhất là việc Bộ GD&ĐT đã rất nỗ lực để đảm bảo lợi ích cho các em HS thông qua Dự thảo về kỳ thi chung. 

Ví dụ như lệ phí thi giữ nguyên. Tổ chức cụm thi để hạn chế bớt việc đi lại cũng như tốn kém cho các gia đình có con em đi thi hay như việc giảm thiểu được những rủi ro trong quá trình tham gia giao thông.

Việc tổ chức cụm thi cũng cho thấy được vai trò của các Sở GD&ĐT phối kết hợp với các trường CĐ, ĐH trên địa bàn. Tôi cũng nhất trí cao với việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20. Điều này sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

Đối với môn Ngoại ngữ, tôi cũng rất tán thành dự thảo liên quan đến môn thi này chỉ sử dụng những chứng chỉ theo quy định để công nhận kết quả tốt nghiệp.

Còn về 8 môn thi, trong đó, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi bốn môn (gọi là bốn môn tối thiểu), gồm ba môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn thi còn lại. Điều này cũng hướng cho các em ở các khóa sau tránh học lệch.

 

Mặc dù có sự chuẩn bị và nỗ lực thực hiện nhưng đây là năm đầu tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia nên sẽ có khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng cả xã hội và toàn ngành GD chung tay để hướng tới Kỳ thi thành công. Điều quan trọng là làm sao đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và đảm bảo chất lượng của Kỳ thi đang được mong đợi. Tuy đây chỉ mới là các dự thảo Quy chế, nhưng tôi cho rằng sự trách nhiệm và cầu thị của Bộ GD&ĐT chính là chìa khóa cho sự thành công của Kỳ thi”.
Thầy Ninh Thành Viên

 (Theo Báo GD&TĐ)