Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Tương phản trong tuyển sinh cao đẳng

Cập nhật 15/07/2014 - 09:07:08 AM (GMT+7)

Trong khi nhiều trường ĐH có tuyển sinh bậc CĐ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh thì một số trường CĐ có thương hiệu vẫn sống khỏe do thu hút được lượng thí sinh dồi dào.

 

 

 

Thí sinh đến chỉnh sửa giấy báo dự thi tại hội đồng thi Trường CĐ Kinh tế đối ngoại sáng 14-7


Nhiều trường ĐH tuyển sinh đồng thời cả hệ ĐH, CĐ không giấu rằng hệ tuyển sinh CĐ ngày càng teo tóp, khó khăn nhưng vẫn quyết không buông tay ngay hệ đào tạo này.

Trong tình hình khó khăn, các trường này bất chấp việc tuyển sinh không bảo đảm cơ cấu đào tạo thông thường, miễn là tuyển đủ số lượng.

Chỉ tiêu: 700, đến làm thủ tục thi: 27

Trường ĐH Điện lực năm 2013 vẫn tuyển đủ 900 chỉ tiêu CĐ theo số lượng đã đăng ký, nhưng việc tuyển sinh chỉ đảm bảo số lượng và trường chấp nhận sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu ngành nghề đào tạo.

“Ở hệ CĐ, thí sinh cũng chọn ngành hệ thống điện. Ngành quản lý năng lượng rất hiếm người chọn, còn ngành thủy điện hai năm nay không có một hồ sơ nào đăng ký” - ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết.

Trong khi đó năm 2014 Trường ĐH Sao Đỏ dù giảm 500 chỉ tiêu CĐ so với năm 2013 thì vẫn có đến 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh hệ CĐ trong tổng số 4.800 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ.

Một cán bộ tuyển sinh nhà trường cho hay tình hình thu nhận hồ sơ rất... ngán ngẩm, chỉ có 300 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) và số thí sinh thực tế đến làm thủ tục dự thi CĐ ngày 14-7 chỉ được 1/2 so với số ĐKDT.

Theo đó, dù năm 2013 trường chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng tiên lượng năm 2014 còn bi đát hơn nhiều.

Trong số các trường tại TP.HCM có tổ chức thi CĐ trong đợt 3 này, ĐH Hồng Bàng là trường có lượng thí sinh ĐKDT thấp nhất với 57 thí sinh. Theo ông Trịnh Hữu Chung - thành viên hội đồng tuyển sinh nhà trường, năm 2013 trường có đến 1.500 chỉ tiêu các ngành bậc CĐ nhưng chỉ có hơn 300 thí sinh ĐKDT nên năm nay trường cắt giảm chỉ tiêu CĐ xuống còn 700.

“Chỉ có 27 thí sinh đến làm thủ tục dự thi, không biết trong buổi thi chính thức có thêm thí sinh nào không. Nhà trường hoàn toàn bất ngờ với lượng thí sinh ĐKDT vào bậc CĐ của trường trong năm nay”- ông Chung nói.

Trong đợt thi này nhà trường tuyển năm khối (A, A1, B, C, D1), trong đó khối C chỉ có ba thí sinh ĐKDT nhưng không có thí sinh nào đến làm thủ tục dự thi. Để tổ chức đợt thi CĐ, nhà trường bố trí một điểm thi với ba phòng thi và tổng số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh lên đến 39 người.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm nay dù đã cắt giảm chỉ tiêu đào tạo bậc CĐ từ 4.500 xuống còn 2.000 nhưng chỉ có 3.010 thí sinh ĐKDT. “Chỉ có 1.584 thí sinh đến làm thủ tục dự thi, đạt tỉ lệ 52,6%. Chúng tôi đang lo không biết số thí sinh đến dự thi có tăng lên nổi không” - TS Trần Ái Cầm, phó hiệu trưởng nhà trường, lo lắng. Tương tự, năm nay Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng đã cắt giảm chỉ tiêu đào tạo bậc CĐ từ 2.100 của năm 2013 xuống còn 1.200. Tuy nhiên, số thí sinh ĐKDT bậc CĐ năm nay giảm còn gần 1.600, có 794 thí sinh làm thủ tục dự thi, tỉ lệ 47,1%.

Trường chất lượng không lo thiếu thí sinh

Trong kỳ thi tuyển sinh CĐ năm nay, Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng là trường có lượng thí sinh ĐKDT đông nhất trong số các trường có tổ chức thi tại TP.HCM với 18.820 thí sinh. Số thí sinh đến làm thủ tục dự thi đạt 61,8%.

Ông Lê Xuân Lâm, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết lượng hồ sơ ĐKDT vào trường năm nay giảm khoảng 500 so với năm 2013.

“Đa số thí sinh thi CĐ đã thi ĐH rồi nên các em đã biết các thủ tục và không đến làm thủ tục dự thi. So với năm trước tỉ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi năm nay cao hơn. Dự kiến tỉ lệ dự thi thực tế trên 70%” - ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, hiện nay người học đã tìm hiểu khá kỹ trước khi chọn trường thi. Những thí sinh chọn bậc CĐ thường quan tâm tới việc học được một nghề để đi làm. Thực tế cho thấy nếu trường nào duy trì được chất lượng đào tạo, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp cao sẽ được thí sinh lựa chọn.

Năm nay Trường CĐ Kinh tế đối ngoại (cơ sở tại TP.HCM) có 2.300 chỉ tiêu nhưng có đến 18.267 thí sinh ĐKDT. Sáng 14-7 có 9.714 thí sinh đến làm thủ tục dự thi (đạt tỉ lệ 53,18%). Theo ông Vũ Văn Hòa - trưởng phòng đào tạo nhà trường, lượng thí sinh ĐKDT vào trường năm nay giảm 100 so với năm ngoái. “Thực tế nhiều doanh nghiệp sẵn sàng từ chối một ứng viên tốt nghiệp ĐH để tuyển người có bằng tốt nghiệp từ một số trường CĐ có uy tín và chất lượng. Trường chúng tôi đã tạo dựng được thương hiệu, xã hội tin tưởng. Vì vậy nhà trường duy trì việc tổ chức thi để đảm bảo tuyển được thí sinh có chất lượng” - ông Hòa nói.

Vớt vát nguồn tuyển để tăng thu nhập

Ngày 14-7, ông Nguyễn Văn Áng, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT, cho hay thực tế nếu theo đúng tinh thần Luật giáo dục thì các trường ĐH sẽ phải tiến tới chấm dứt đào tạo CĐ. “Năm 2012, khi xây dựng thông tư 57 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cũng đã bàn đến việc này. Tuy nhiên, cuối cùng tại thời điểm đó, bộ mới chỉ khoanh vùng được việc các trường ĐH, CĐ phải tiến tới giảm rồi dừng hẳn đào tạo trung cấp chuyên nghiệp chậm nhất là năm 2016” - ông Áng nói. Dù đã được bàn tới nhưng bộ vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức nào về việc sẽ dừng tuyển sinh hệ CĐ trong các trường ĐH.

Thực tế, chưa có biện pháp siết đào tạo CĐ trong các trường ĐH nên hiện tại quy mô đào tạo CĐ trong các trường ĐH vẫn chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng quy mô đào tạo CĐ nói chung. Theo một cán bộ đào tạo, tình trạng này chủ yếu do trong một thời gian dài có quá nhiều trường CĐ được nâng cấp lên ĐH mà tiềm lực đào tạo hạn chế nên vẫn phải cố duy trì đào tạo hệ CĐ số lượng lớn để phù hợp với hiện trạng về điều kiện đội ngũ và cơ sở vật chất. “Quy định mở ngành của Bộ GD-ĐT lại cho phép các trường đủ điều kiện mở ngành đào tạo ĐH nào sẽ đồng thời được mở ngành đào tạo tương ứng ở hệ CĐ nên nhiều trường tận dụng để đào tạo cả hai trình độ, cố vớt vát nguồn tuyển cốt tăng thu nhập” - vị cán bộ đào tạo này phân tích.

27 cán bộ, 6 phòng thi

Đó là toàn bộ lực lượng phục vụ kỳ thi tuyển sinh 2014 của Trường CĐ Cộng đồng Hải Phòng. Quy mô tổ chức theo hướng tinh giản này được nhà trường cân nhắc rất kỹ sau khi tổng hợp số hồ sơ đăng ký dự thi chỉ vỏn vẹn 177 bộ, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 1.100! Tuy nhiên cuối ngày 14-7, ông Đồng Tố Thanh - hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Hải Phòng - cho biết số thí sinh đến dự thi thực tế còn thấp hơn nhiều lần, với 83 thí sinh, chưa đạt đến 50% số đăng ký. Tình trạng sụt giảm hồ sơ này cũng diễn ra ở hầu khắp các trường CĐ phía Bắc.

Thê thảm!

Ông Bùi Hồng Huế - hiệu trưởng Trường CĐ Xây dựng công trình đô thị - cho hay dù nhà trường dồn tổng lực đi tư vấn tuyển sinh tại nhiều trường THPT ở nhiều tỉnh với kinh phí khá lớn, nhưng kết quả vẫn vô cùng thê thảm. Trường có 1.600 chỉ tiêu, nhưng tổng số hồ sơ đăng ký dự thi chỉ là 700 hồ sơ. Con số này giảm đến 1/2 so với năm 2013. Song, nếu so với hai năm trước thì số hồ sơ năm nay thậm chí còn không bằng 1/10 (năm 2012, trường nhận 8.500 hồ sơ dự thi).

Đà Nẵng: tỉ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi đạt 64,09%

Sáng 14-7, theo ĐH Đà Nẵng, đợt thi CĐ năm nay, ĐH Đà Nẵng có hai địa điểm thi với tổng số 50 phòng thi. ĐH Đà Nẵng đã huy động tổng số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh là 191 người, tổng số sinh viên tình nguyện là 40. Kết thúc buổi tập trung làm thủ tục thi CĐ, trong tổng số 1.924 thí sinh đăng ký dự thi thì có 1.233 thí sinh đến dự thi với tỉ lệ 64,09%.

Khánh Hòa: 3 trường tổ chức thi tuyển

Tại Khánh Hòa có ba trường tổ chức thi tuyển sinh năm 2014 là CĐ Sư phạm Nha Trang, CĐ Sư phạm trung ương Nha Trang và CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Nha Trang. Riêng Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Nha Trang chỉ tổ chức thi tuyển các khối H, N, R, S, còn các khối thi A, A1, C, D trường tổ chức xét tuyển. Ngày 15-7, trường làm thủ tục đăng ký dự thi cho các thí sinh.

Trường CĐ Sư phạm Nha Trang có 6.545 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 2.616 thí sinh thi nhờ. Sáng 14-7, có 4.936 thí sinh làm thủ tục dự thi, đạt 75,4% và có khoảng 60 trường hợp đến chỉnh sửa các sai sót trên giấy báo dự thi.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)