Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Môn Hóa học “biến hóa” với ô chữ

Cập nhật 13/05/2014 - 09:38:24 AM (GMT+7)

GD&TĐ - Cô Trịnh Thị Tuyết - Giáo viên trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa) - cho rằng sử dụng trò chơi ô chữ trong giảng dạy Hóa học đặc biệt có hiệu quả trong các bài luyện tập chương.

Để thể hiện ô chữ trong bài học giáo viên có thể kết hợp các phương tiện dạy học là máy chiếu hắt hoặc máy chiếu đa năng tùy vào từng bài cụ thể.

Cô Tuyết cho biết: Chương trình hóa học lớp 10 có 7 chương, sau mỗi chương lại có một bài luyện tập. Cô thường sử dụng trò chơi ô chữ với tên gọi chung tìm ô chữ chìa khóa với các bài luyện tập này. Ô chữ dài hay ngắn phụ thuộc vào từng chương.

Cô Tuyết ví dụ: Với bài Luyện tập chương 1 (Nguyên tử), giáo viên sử dụng phương tiện dạy học là máy chiếu hắt; bảng trong và bút dạ.

Luật chơi: Ô chữ chìa khóa cần tìm là một hàng ngang có 8 chữ cái. Các chữ cái trong ô chữ chìa khóa sắp xếp chưa đúng trật tự, sau khi lật mở được các chữ cái trong ô chữ chìa khóa học sinh phải sắp xếp lại các chữ cái cho đúng trật tự để gọi tên cho đúng từ chìa khóa

Học sinh có hai sự lựa chọn: Lựa chọn 1: Đoán từ chìa khóa sau đó kiểm tra lại qua 7 dữ kiện (dùng phương pháp diễn giải)

Lựa chọn 2: giải 7 dữ kiện trước rồi tìm từ chìa khóa sau (Dùng phương pháp quy nạp)

Học sinh giải đúng ô chữ chìa khóa và đúng ô chữ dữ kiện được phần thưởng là 10 cây bút. Học sinh trả lời đúng chỉ một trong 2 ô chữ thì được một nửa phần thưởng

Ở ô chữ dữ kiện học sinh chỉ nhận được phần thưởng nếu trả lời đúng tất cả các từ hàng ngang ( tối đa là được 2 học sinh trả lời 1 dữ kiện). Ô chữ dữ kiện gồm có 7 dữ kiện hàng ngang

Cách tiến hành như sau:

Giáo viên là người dẫn chương trình, cử 1 học sinh lên làm thư kí để viết đáp án vào ô chữ chìa khóa và ô chữ dữ kiện.

Học sinh chọn dữ kiện nào thì giáo viên đọc dữ kiện đó và lật mở các chữ chìa khóa thông qua dữ kiện đó

7 dữ kiện trong ô chữ dữ kiện gồm:

- Trên một obitan chỉ có thể có nhiều nhất là hai electron và hai electron này chuyển động tự quay khác chiều nhau xung quanh trục riêng của mỗi electron. Đó là nội dung của nguyên lí …(Đáp án: Pau-li. Lật mở được ô số 3 là chữ U)

- Trong cùng một phân lớp, các electron sẽ phân bố trên các Obitan sao cho số electron độc thân là tối đa và các electron này phải có chiều tự quay giống nhau. Đó là nội dung của …Hun (Đáp án: Quy tắc - Lật mở được ô số 8 là chữ Y)

- Những nguyên tử của cùng một nguyên tố hóa học có cùng số proton nhưng khác nhau về số nơtron, do đó số khối A của chúng khác nhau được gọi là … (Đáp án: Đồng vị - Lật mở được ô 7 là chữ G)

- Sự phân bố các electron trong nguyên tử tuân theo…Pau-li,…vững bền và quy tắc Hun (Đáp án: Nguyên lí - Lật mở được ô số 5 là chữ Ê)

- Khu vực không gian xung quanh hạt nhân mà tại đó xác suất có mặt (xác suất tìm thấy) electron khoảng 90% được gọi là … nguyên tử (Đáp án: Obitan - Lật mở được ô số 2 chữ N và ô số 4 chữ N)

- Ở trạng thái cơ bản, trong nguyên tử các electron chiếm lần lượt những obitan có mức năng lượng từ thấp đến cao. Đó là nội dung của nguyên lí… (Đáp án: Vững bền - Lật mở được ô số 6 là chữ Ư)

- Trong nguyên tử hạt mang điện tích dương được gọi là hạt (Đáp án: Proton - Lật mở được ô số 1 là chữ T).

Ô chữ cần tìm là Nguyên tử

Cô Tuyết cho biết, với việc sử dụng trò chơi này trong các bài giảng Hóa học, học sinh đã có hứng thú thực sự đối với bộ môn Hóa. Sau mỗi tiết luyện tập chương các em lại hào hứng chờ đợi một chương học mới với một tâm trạng vui tươi hứng khởi; cùng đua nhau học tập để bài cuối chương được tham gia trò chơi, có cơ hội giành phần thưởng của cô.

“Tuy nhiên, để có thể áp dụng được rộng rãi đề tài này ở tất cả các lớp, mỗi phòng học nên có một bộ máy chiếu, máy tính để giáo tiện sử dụng hoặc mỗi trường học nên có một số phòng học chức năng riêng” - Cô Tuyết kiến nghị.