Có thể nói với việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT, đổi mới thi cử như hiện nay thì ngoài việc lựa chọn ngành học, trường dự thi theo sở thích nghề nghiệp, sức học... thí sinh cần hết sức lưu ý về sự cạnh tranh sẽ cao hơn so với kỳ thi tuyển sinh các năm trước.
Năm 2014, lần đầu tiên thí sinh cả nước chỉ thi bốn môn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó toán và ngữ văn là hai môn thi bắt buộc; ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học và sinh học là các môn tự chọn. Với đổi mới này sẽ giúp thí sinh có định hướng cũng như sự chuẩn bị kiến thức tốt hơn ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Học sinh ở thành phố lớn chuộng các khối thi có môn ngoại ngữ
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, tỉ lệ thí sinh dự thi theo các khối thi A - A1 - B - C - D1 lần lượt là 42,3% -11,2% - 21,9% - 6,2% - 18,4%, trong đó khối C ít thí sinh dự thi nhất.
Việc lựa chọn khối thi cũng khác nhau ở một số địa phương, đơn cử với khối A, hầu như ở các tỉnh đều có tỉ lệ khối A cao nhất, ngoại trừ TP.HCM tỉ lệ thí sinh chọn khối thi D1 là cao nhất. Nhìn chung, xu thế chọn khối thi có môn tiếng Anh đạt tỉ lệ trên 40% chỉ ở các tỉnh/thành phố lớn như Hà Nội (41,1%), TP.HCM (52,0%), Đà Nẵng (47,6%), một minh chứng về hệ thống giảng dạy ngoại ngữ ở các tỉnh/thành lớn hoàn thiện hơn các địa phương khác.
Học sinh khu vực Bắc-Tây Bắc chuộng khối C hơn
Nhiều chuyên gia lo ngại việc học sinh có xu hướng e ngại môn thi sử khi mà tỉ lệ thí sinh dự thi khối C chiếm tỉ lệ thấp nhất. Thực tế tuyển sinh cũng cho thấy khối C có ít thí sinh lựa chọn nhất. Lý giải việc này đã có nhiều nhận định, tuy nhiên không loại trừ có ít ngành học, trường học có tuyển sinh khối C, hay nói nôm na cơ hội lựa chọn ngành học ở khối C và chỉ tiêu tuyển sinh của khối thi này cũng ít hơn so với các khối thi khác.
Trong khi có đến 38 địa phương có tỉ lệ thí sinh chọn thi khối C là thấp nhất thì ở 25 địa phương còn lại, chủ yếu thuộc khu vực Bắc-Tây Bắc, tỉ lệ khối thi có ít thí sinh nhất là khối A1, trong đó có đến 10 địa phương có tỉ lệ thí sinh chọn khối C đứng vị trí thứ hai sau khối A như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình.
Toán, ngữ văn là hai môn thi bắt buộc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì vậy những học sinh dự định thi tuyển sinh ĐH khối C cần có sự chuẩn bị nhiều hơn về kiến thức và tâm lý vì thời gian làm bài thi sẽ dài hơn các môn khác.
Tỉ lệ thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 theo các khối - Đồ họa: V.Cường |
Thí sinh sẽ chuộng các môn thi tốt nghiệp gần với khối thi tuyển sinh
Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, qua thăm dò học sinh ở các địa phương đến tư vấn, đại đa số thí sinh sẽ ưu tiên lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT gần với khối thi tuyển sinh ĐH, CĐ với lý do quan trọng nhất là hai kỳ thi quá gần nhau, chỉ cách nhau một tháng.
Theo đó, thí sinh thi khối A, B sẽ có xu hướng chọn cặp lý-hóa, hóa-sinh; thí sinh thi khối A1, D1 sẽ có xu hướng chọn các môn lý - Anh; thí sinh thi khối C sẽ chọn các môn sử - địa. Như vậy, dự kiến tỉ lệ học sinh chọn các môn thi lý-hóa, lý-Anh, hóa-sinh, sử-địa lần lượt là: 35,7% - 16,4% - 35,7% - 12,2%. Tỉ lệ chọn hai môn tự chọn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ khác nhau theo từng địa phương tùy theo định hướng chọn khối thi tuyển sinh ĐH, CĐ của học sinh, tùy cơ cấu ngành nghề, chỉ tiêu đào tạo ở từng vùng, trong đó tỉ lệ học sinh khu vực Đông Nam bộ chọn các môn lý-Anh đạt 28,2% - cao so với các khu vực khác - chưa đến 20%, trong đó khu vực Bắc-Tây Bắc là 13,2%, khu vực ĐBSCL là 15,6%.
Cạnh tranh cao hơn
Với xu thế chọn môn thi tốt nghiệp THPT gần với môn thi tuyển sinh ĐH, dự kiến ở kỳ thi tuyển sinh năm 2014, số thí sinh đạt điểm bình quân ba môn thi tuyển sinh ĐH sẽ cao hơn so với năm 2013, nghĩa là sự cạnh tranh để có một vé vào ĐH sẽ cao hơn, đặc biệt ở các ngành tuyển sinh khối A, D.
Ngoài sự cạnh tranh về sức học, điểm mới của quy chế tuyển sinh là sự thay đổi đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên, nhiều khả năng thí sinh thuộc diện được ưu tiên ở năm 2013 sẽ không thuộc diện ưu tiên hoặc ưu tiên thấp hơn ở kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, sẽ dẫn đến việc cạnh tranh điểm số cao hơn năm 2013.
Có thể nói việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT, đổi mới thi cử như hiện nay, thì ngoài việc lựa chọn ngành học, trường dự thi theo sở thích nghề nghiệp, sức học, thì năm nay thí sinh cần đặc biệt lưu ý sự cạnh tranh sẽ cao hơn về điểm số, vì vậy cần tham khảo kỹ thông tin tuyển sinh của các trường để có sự lựa chọn tốt nhất.
Một số sửa đổi, bổ sung các đối tượng, khu vực thuộc nhóm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 (trích TT 06/2014/TT-BGDĐT): 1. Về đối tượng: 1.1. Đối tượng 01: Công dân VN là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 được quy định tại quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19-9-2013 của bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 1-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015”. 1.2. Đối tượng 06: + Công dân VN là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú ở ngoài khu vực đã quy định thuộc nhóm ưu tiên 1. + Con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động dưới 81%. + Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 81%. 2. Về khu vực 2.1. Khu vực 1 gồm: các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 theo quy định hiện hành. 2.2. Khu vực 2 gồm: các thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã; các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc khu vực 1)”. |
(Theo Tuổi Trẻ)