Liên quan tới chủ đề “tự chủ” trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 sắp tới, Báo điện tử GDVN nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, những quan điểm khác nhau.
Để có cái nhìn khác về “tự chủ” tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn bài viết của TS. Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng trường ĐH FPT.
“Chung” vẫn là tốt…
Hiện nay có nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi về phương án tuyển sinh đại học tự chủ 2014, đặc biệt là từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp cho báo chí tóm tắt dự thảo phương án kết hợp thi chung với thi riêng.
Theo dự thảo này, trong năm 2014, các trường có nguyện vọng tuyển sinh riêng cần xây dựng và trình dự án, nếu Bộ phê duyệt thì được tiến hành, còn nếu chưa được duyệt – hoặc chưa có phương án thi riêng - thì vẫn tuyển sinh theo phương thức thi “3 chung” như các năm trước. Bộ cũng cho biết dự kiến sẽ duy trì kỳ thi “3 chung” thêm 3 năm nữa đến 2017.
TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT. Ảnh Xuân Trung |
Phương ánh thi đại học chung hay riêng – thực chất là đang xoay quanh việc làm thế nào thực hiện quyền tự chủ của các trường đại học được ghi trong Luật Giáo dục Đại học (có hiệu lực từ 1/1/2013), và được nhấn mạnh trong Nghị quyết 29/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 8 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Hiện nay là đa số các trường công lập vẫn bằng lòng với thi “3 chung” – và do các trường công lập chiếm tới hơn 80% tổng số 400 trường đại học- cao đẳng hiện nay – cho nên có thể nói đa số các trường đại học cao đẳng hiện nay đều đang bằng lòng với thi “3 chung” và không có nhu cầu thay đổi.
…Còn nếu “riêng” thì phải “chất”
Bộ Giáo dục và Đào tạo thể hiện rõ mong muốn nếu thi riêng thì phải yên tâm về chất lượng. Điều này cũng dễ hiểu vì Bộ chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng của các trường, Quốc hội có chất vấn thì chất vấn Bộ trưởng chứ chẳng có hiệu trưởng trường nào bị chất vấn cả.
Dự thảo của Bộ yêu cầu các dự án thi riêng của các trường phải xây dựng theo mẫu gồm 11 phần – từ mục tiêu đến nguyên tắc, phương thức, lịch trình, lộ trình, tổ chức, chính sách, nguồn lực, giải pháp đảm bảo chất lượng, lịch sử quá khứ… - và thực thi theo phương án góp ý “3 vòng”: vòng 1 xin ý kiến góp ý của sinh viên, cán bộ , giảng viên nhà trường, vòng 2 xin ý kiến góp ý của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, vòng 3 xin ý kiến góp ý của xã hội. Nếu được đồng thuận thì Bộ sẽ phê duyệt cho thực hiện.
Dự thảo cũng nêu lên các nguyên tắc mà các trường khi tổ chức thi riêng phải tuân thủ, trong đó có việc đảm bảo “3 không”: không luyện thi, không tiêu cực, và không theo số lượng – tức không được tuyển theo cách lấy cho đủ chỉ tiêu mà phải có ngưỡng chất lượng được xác định trước. Ngoài ra còn 3 cái “không được”: các trường thi riêng không được sử dụng kết quả thi 3 chung, không được sử dụng kết quả thi riêng của trường khác, không được tự ấn định ngày thi.
Lãnh đạo Bộ cũng nói rõ ích lợi của thi riêng: “Cách thi mới sẽ tập trung vào việc đánh giá năng lực học sinh phù hợp với yêu cầu của từng ngành nghề đào tạo ở bậc ĐH, CĐ. Sử dụng kết quả của một kỳ thi kiểm tra kiến thức chung để lựa chọn thí sinh cho tất cả các ngành nghề về lâu dài không còn phù hợp”. Tuy nhiên với quy định phải xây dựng dự án 11 phần, “góp ý 3 vòng”, “3 không” và “3 không được” – dù vẫn biết rằng đều xuất phát từ mong muốn nâng cao chất lượng – các trường nhìn mà oải.
Tự chủ: vẫn phải dựa vào thi chung
Nghị quyết 29/NQ-TW nêu rõ “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo”. Theo tinh thần nghị quyết 29/NQ-TW, phương án khả thi sẽ là:
Thứ nhất, Bộ giao cho Cục Khảo thí tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông toàn quốc. Có thể cho thí sinh tự chọn 5-6 môn để thi tốt nghiệp trong đó một số môn là bắt buộc (chẳng hạn Toán, Văn hoặc Ngoại ngữ), còn lại là tự chọn (chẳng hạn trong các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa). Kỳ thi này Bộ phải chỉ đạo thực hiện thật tốt. Nếu mọi năm Cục Khảo thí phải lo tổ chức cả thi tốt nghiệp phổ thông, thi đại học và thi cao đẳng thì năm 2014 chỉ lo cho 1 kỳ thi, giảm đi 2 kỳ thi. Nếu mỗi năm Cục Khảo thí phải lo soạn đề thi cho gần 30 môn thi và lần thi (tốt nghiệp, thi đại học, cao đẳng các khối A, B, C, D…) thì năm nay chỉ tập trung làm đề thi cho 8 môn (giảm 2/3).
Thứ hai, các trường đại học cao đẳng sẽ tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Các tiêu chí xét tuyển (và kết hợp thi tuyển nếu có) của các trường cho từng ngành cần được công bố trước. Chẳng hạn ĐH Bách khoa sẽ công bố ngành Cơ khí sẽ xét tuyển dựa trên kết quả thi 3 môn Toán, Lý, Hóa, trong đó môn Toán và Lý tính hệ số 2.
Thứ ba, thí sinh sau khi tốt nghiệp có thể nộp kết quả đăng ký vào nhiều trường, và các trường cũng có thể tuyển sinh theo nhiều đợt nếu chưa đủ thí sinh.
Phương án này có thể thực hiện ngay trong năm 2014. Tháng 6/2014 sẽ thi tốt nghiệp theo phương thức mới, các trường Đại học cao đẳng tuyển sinh từ tháng 7 đến tháng 10.
Ngưỡng chất lượng
Một vấn đề quan trọng cần bàn là có cần quy định của Bộ về một ngưỡng sàn về chất lượng khi xét tuyển theo kết quả thi phổ thông hay không? Hay nói một cách khác, nên xem tiêu chuẩn tốt nghiệp là sàn hay ấn định một sàn cao hơn, chấp nhận một bộ phận thí sinh tốt nghiệp phổ thông nhưng không được phép học đại học như hiện nay?
Phương án “đóng” là sẽ có quy định điểm sàn đại học. Bộ có thể phân các ngành đào tạo đại học ra thành các nhóm “Kỹ thuật Công nghệ”, “Kinh tế Tài chính”, “Đồ họa Kiến trúc”, “Khoa học xã hội”, “Chăm sóc sức khỏe”. Mỗi nhóm sẽ có điểm sàn riêng, chẳng hạn nhóm “Kỹ thuật Công nghệ” có điểm tổng 3 môn (Toán. Lý, Hóa), (Toán, Hóa, Sinh) hoặc (Toán, Văn , Ngoại ngữ) không thấp hơn 15, và tương tự cho các nhóm khác. Các trường có thể xét tuyển, có thể kết hợp với thi tuyển theo yêu cầu của mình, nhưng không được phép tuyển thí sinh dưới điểm sàn quy định.
Phương án “mở” không quy định điểm sàn. Mọi thí sinh tốt nghiệp phổ thông thì đều có quyền đăng ký học đại học. Chất lượng đầu vào sẽ được quyết định bởi chỉ tiêu và chính sách tuyển sinh của từng trường đại học. Bộ sẽ quản lý chặt chỉ tiêu các trường và quản lý chất lượng đầu vào chủ yếu thông qua chỉ tiêu chứ không phải thông qua kết quả thi cử của từng thí sinh. Hiện nay chỉ tiêu của các trường đang xác định thông qua số lượng giảng viên và cơ sở vật chất.
Để tăng chất lượng, có thể đưa thêm tiêu chí xuất đầu tư trên đầu sinh viên - chẳng hạn đầu tư 100 triệu đồng/sinh viên không bao gồm chi phí sử dụng đất. Tiêu chí này bằng 2/3 tiêu chí quy định cho đầu tư giáo dục đại học có yếu tố nước ngoài tại Việt nam ban hành theo nghị định 73/2012/NĐ-CP. Trường đại học có vốn đầu tư và tài sản 250 tỷ (tiêu chí tối thiểu cho một trường đại học hiện nay theo quy định 64/2013/QĐ-TTg có hiệu lực từ 1/1/2014) chỉ được đào tạo tối đa 2500 sinh viên, tức trung bình mỗi năm tuyển khoảng 650-700 sinh viên mới.