Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Có thể đổi mới toàn diện nền giáo dục ‘phẳng’ của Việt Nam?

Cập nhật 21/10/2013 - 09:10:15 AM (GMT+7)

"Có phải nền giáo dục của chúng ta cũng đang hội nhập theo trào lưu “phẳng” của thế giới? Đâu là những yếu tố đặc trưng tạo nên sự “phẳng” của giáo dục của giáo dục Việt Nam?"

Thomas L. Freedmantác giả cuốn sách nổi tiếng “Thế giới phẳng” (The world is flat) cho rằng thế giới ngày nay đang dần bị “san phẳng”. Sự “san phẳng” được hiểu không phải là theo nghĩa cơ học, địa chất mà là trên bình diện kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, các chuẩn mực giao thiệp quốc tế… 

Các quốc gia, dân tộc đang ngày càng bình đẳng bơn, sự khác biệt về dân trí đang được thu hẹp, không gian sống của con người được mở rộng trên phạm vi toàn cầu. Cuộc cánh mạng Công nghệ Thông tin đã xóa nhòa biên giới quốc gia, những “mấp mô” về địa lý, chế độ chính trị không thể cản trở giao lưu tư tưởng của nhân loại…

Có phải nền giáo dục của chúng ta cũng đang hội nhập theo trào lưu “phẳng” của thế giới? Đâu là những yếu tố đặc trưng tạo nên sự “phẳng” của giáo dục của giáo dục Việt Nam?

Thứ nhất trình độ của đội ngũ giáo viên. Hầu hết những người vào học Sư phạm trình độ đầu vào đều xấp xỉ như nhau, điểm thi tuyển sinh CĐ-ĐH đều quanh quẩn điểm sàn. Trình độ giáo sinh sau ba bốn năm học tập chỉ là một mớ lý thuyết, nhiều giáo viên đi dạy vẫn không biết làm thí nghiệm. 

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn (tổ Vật lý đại cương, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết là ngay ở trường ông, nơi đào tạo ra các giáo viên, việc thí nghiệm cũng được coi là chuyện xa xỉ. TS Nguyển Văn Khải (Hội Vật lý Việt Nam) còn đau đầu hơn nữa khi “60 giáo viên mắc một biến trở với nguồn 2 pin nối tiếp mà không xong, cứ tranh luận um lên như chợ vỡ”. [1] 

Ở bậc đại học, thực chất trình độ giảng viên cũng chỉ là “cá mè thạc sĩ”, đại bộ phận giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ không làm việc trong ngành giáo dục. Không phải là không có những con người tâm huyết, tự thân vận động, tự khẳng định trình độ và năng lực của mình, song họ chỉ là một thiểu số đơn độc, giống như hạt cát trên sa mạc. 

Tại các nước tiên tiến, phần lớn giáo sư, tiến sĩ làm việc trong các trường, học viện hoặc trung tâm nghiên cứu chỉ một số ít làm việc trong ngành quản lí, ở Việt Nam thì ngược lại. Trình độ chuẩn của giảng viên theo quy định chỉ là thạc sĩ, một phần không nhỏ trong số đó là thạc sĩ theo kiểu “phổ cập”, chỉ khoảng 20% giảng viên ĐH có trình độ tiến sĩ. Chính sự “đồng đều” về trình độ chuyên môn là yếu tố quyết định tạo nên sự “phẳng” của giáo dục ĐH Việt Nam. 

Thứ hai trình độ đội ngũ quản lý. Phần lớn những người làm công tác quản lý đều có xuất phát điểm là thầy cô giáo tại các cơ sở giáo dục đào tạo. Có thể họ là những giáo viên giỏi về chuyên môn nhưng hầu như tất cả đều không được đào tạo về kỹ năng quản lý cùng các kiến thức luật pháp cơ bản, đặc biệt là về kỹ năng soạn thảo các văn bản pháp luật? 

Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Hiện tượng “khoán trắng” cho tư pháp, pháp chế ở một số Bộ, ngành, địa phương cơ bản đã chấm dứt” [2] chỉ thể hiện một điều là cho đến tận bây giờ lãnh đạo cấp Bộ vẫn ngại động chạm đến các vấn đề pháp lý. 

Những người quản lý các cấp trong ngành giáo dục mới chỉ thực hiện việc “quản” chứ chưa hoàn toàn “quản theo lý”. Chính sự mơ hồ về pháp luật dẫn đến việc ban hành các văn bản kiểu “vừa quản, vừa không quản” như Thông tư TT-57-BGDDT/ 02-12-2011 hay chuyện nửa khóc nửa cười như quyết định cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học. Sự “đồng đều” về trình độ quản lý nhà nước cả ở lãnh đạo lẫn chuyên viên chính là tiêu chí thứ hai tạo nên sự “phẳng” của giáo dục Việt Nam.

Thứ ba nhận thức của học sinh, sinh viên. Điều này không nói thì thiếu nhưng nói ra thì thừa vì đã được đề cập quá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có lẽ đã đến lúc phải xem lại nhận định vốn ăn sâu vào tiềm thức người Việt rằng, dân tộc ta có truyền thống hiếu học. Lịch sử có thể đúng là như vây nhưng ngày nay thì không hẳn. “Học sinh phổ thông bây giờ “lười toàn tập” là tít một bài viết trên Tinmoi.vn ngày 7/1/2011. 

Không phải chỉ học sinh phổ thông mà cả sinh viên CĐ-ĐH cũng vậy. Đến giảng đường, sinh viên không cần giấy bút, cũng chẳng cần nghe thầy giảng miễn là không mất trật tự để bị mời ra ngoài, cuối mỗi tiết học chỉ cần giơ điện thoại di động lên chụp ảnh những gì thầy viết trên bảng là xong. 

Nhiều học sinh nói thẳng, dù có đoạt giải nhất quốc tế thì phần thưởng cũng chỉ có thể so với thù lao một xuất diễn của ca sĩ hạng xoàng, chưa bằng cái móng tay nếu nói co với ca sĩ loại “top”. Dù có là thủ khoa khi ra trường thì cũng phải có từ vài chục đến vài trăm triệu mới kiếm được việc làm trong cơ quan nhà nước. Bao nhiêu thủ khoa được may mắn như thủ khoa ĐH Giao thông khi được đích thân Bộ trưởng Thăng tìm việc cho?

Trên Youtube có tin: “Nữ sinh gốc Việt bị xử tù vì vắng học gây phẫn nộ dư luận Mỹ” nói về chuyện cô bé người Mỹ gốc Việt Diane Trần, 17 tuổi, học giỏi và đảm đang, một mình chèo chống cả gia đình sau khi bố mẹ ly dị nhưng bị tòa án phạt giam 24 giờ vì nghỉ học nhiều ngày”. 

Không cần thiết phải bình luận về khía cạnh tình và lý của vụ việc, chỉ cần nhìn vào đó để thấy nước Mỹ, nơi tự do cá nhân và quyền con người được triệt để tôn trọng, lười biếng, cụ thể là lười học bị xem là tội và có thể bị bỏ tù. Liệu đến bao giờ ngành giáo dục và pháp luật nước ta mới có chế tài đủ mạnh đối với nạn lười biếng của học sinh, sinh viên như hiện nay?

Lười biếng không còn là sự cá biệt, tuy chưa đến mức nâng cấp báo động thành “quốc nạn” như tham nhũng nhưng thực sự đang làm đảo lộn những giá trị truyền thống, và liệu sự lười biếng của thế hệ học trò hôm nay có dẫn tới sự dốt nát của thế hệ mai sau? Sự lười biếng “phổ cập” trên bình diện quốc gia chính là yếu tố thứ ba góp phần tạo nên sự “phẳng” của giáo dục.

Thứ tư cơ sở vật chất giáo dục phổ thông. Sự khác nhau cơ bản là những ngôi trường xây gạch ở thành phố, thị trấn và ngững ngôi trường tranh tre vùng sâu vùng xa. Dẫu vậy hầu hết các ngôi trường đều thiếu, thậm chí là không có các cơ sở giáo dục thể chất, vui chơi cho trẻ em. Việc phải cho học sinh tập thể dục trên vỉa hè, bài giảng thể chất được thực hiện giữa sân trường, ngày mưa thì đành nghỉ không phải là truyện hiếm. 

Các phòng thí nghiệm Vật lý, Hóa học, Sinh học… chỉ lèo tèo vài ba dụng cụ, phòng học Tin học không có người đủ trình độ bảo trì nên sau vài năm cũng trở thành giáo cụ trực quan. Sự “nghèo đều” của các trường lý giải vì sao học sinh thành phố cũng không hơn gì học sinh nông thôn bởi sách giáo khoa là phương tiện học tập duy nhất và thống nhất toàn quốc. 

Thứ năm chủ trương chính sách. Có thể thấy rằng quy định trong Hiến pháp “giáo dục là quốc sách hàng đầu” mới chỉ dừng ở mức khẩu hiệu. Các quyết chính sách được thực thi mấy chục năm qua không giúp giáo dục phát triển mà còn kiến giáo dục tụt hậu khá xa so với khu vực chứ chưa thể so với các nước tiên tiến. 

Sáu mươi năm, tính từ 1954, nghĩa là hai thế hệ giáo viên đã nghỉ hưu và hiện tại là thế hệ thứ ba, vẫn không có thêm bất kỳ chính sách mới nào để thu hút người tài vào ngành sư phạm ngoại trừ việc không thu học phí. Không những thế chính sách sử dụng giáo viên sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm cũng bị “thả cỏ” khiến cho nhiều người phải xin việc bằng phong bì. nếu có thi tuyển dụng vào ngành thì cũng trăm đắng ngàn cay như chuyện xảy ra ở Vĩnh Phúc mới rồi.  

“Nghề cao quý”  không phải là món ăn có thể bày lên mâm góp phần cải thiện bữa ăn đạm bạc của đa số giáo viên. Một vài sự ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục lại mang đến sự phản cảm, thể hiện sự thiếu công bằng hơn là sự động viên khích lệ, chẳng hạn giảng viên môn học này được phụ cấp cao hơn giảng viên các môn khác, con em một bộ phận cán bộ, hạ sĩ quan, sinh viên theo học một ngành nào đó được miễn giảm học phí chẳng dựa trên bất kỳ điều luật nào…

Việc ban hành các chủ trương dường như vẫn chưa vượt qua được rào cản “lợi ích nhóm”, ngành nào cũng chỉ chăm chú cho lợi ích của mình khiến cho lương giáo sư dạy đại học chỉ bằng (thậm chí chưa chắc đã bằng) lương một công nhân ngành điện. Việc chia phần, dàn đều các trường cho các đơn vị không có chức năng giáo dục đào tạo cũng là một cách để làm “phẳng” giáo dục, dường như ai cũng muốn “hoa thơm, mỗi nơi hưởng một tí”. 

Chủ trương “nương nhẹ” trong các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (trừ năm 2007) đã dẫn tới kết quả tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc đều xấp xỉ 99%. Nếu vẽ đồ thị chúng ta sẽ được một đường gần ngang tuyệt đối. Đó là một sự “phẳng” có thể coi là “kỳ diệu” nhất của giáo dục Việt Nam.  

Chính sách thi đua khen thưởng cũng vậy, cuối năm học các khoa, bộ môn nhận được quy định chỉ được bầu bao nhiêu phần trăm xuất sắc, còn lại đại trà là lao động tiên tiến. Số lao động tiên tiến chiếm vào khoảng 80% ấy sẽ có một cái giấy khen và một ít tiền, cầm nó chẳng biết nên vui hay nên buồn, thôi thì ai cũng như nhau, cần gì phải phấn đấu. Vậy là lại một lần nữa thấy cái “phẳng” của giáo dục nước nhà.

Người Việt có câu “nhìn xa trông rộng” chứ chẳng ai chữa lại thành “nhìn cao trông rộng”, hóa ra tầm nhìn của bậc trí giả cũng vẫn chỉ là tầm nhìn “phẳng”. Có lẽ vì thế nên không có gì khó hiểu khi nền giáo dục  nước ta là một nền “giáo dục phẳng”. Hy vọng rồi thì cái nền phẳng ấy sẽ trở thành mấp mô, sẽ xuất hiện các cột cờ, có điều là khi nào?
 
Tài liệu tham khảo
[1] http://vietbao.vn/Xa-hoi/Giao-vien-vat-ly-khong-biet-lam-thi-nghiem/10746367/157/
[2] Pháp luật VN - 02/08/2013
(GDVN)