Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Thí sinh lo “chọi”, trường lo “ảo”

Cập nhật 07/09/2013 - 09:14:55 AM (GMT+7)

Nắm trong tay hàng ngàn hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung nhưng các trường ĐH vẫn phập phồng lo… “ảo”! Trong khi đó, thí sinh lại sốt sắng chuyện phải “chọi” nhiều vì thực chất có những ngành lượng hồ sơ đăng ký cao gấp hàng chục lần chỉ tiêu.

Ngày 10-9, tức trong 4 ngày nữa, các trường ĐH-CĐ chính thức “chốt” hạn xét tuyển NV bổ sung đợt đầu tiên.
1 “chọi” gần… 50
Với 18,5 điểm khối B, thí sinh Nguyễn Thị Tường Vy (Đắk Lắk) chọn NV bổ sung lần lượt tại ngành dược, hệ CĐ của Trường ĐH Y dược TP.HCM, ngành dược hệ ĐH tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và một ngành sư phạm tại Trường ĐH Tây Nguyên. NV lớn nhất của em là được học ngành dược hệ ĐH, thế nhưng thí sinh này tỏ ra lo lắng bởi lượng hồ sơ đăng ký vào ngành dược tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hiện đã rất đông. Điều này đồng nghĩa, để tranh được suất vào ĐH, em phải trải qua một cuộc “chọi” cực kỳ căng thẳng.
Phải “chọi” đông là điều… hiển nhiên đối với những thí sinh trót nộp vào các ngành có lượng hồ sơ đăng ký lớn. Thống kê sơ bộ, thời điểm này, Trường ĐH Tài chính - Marketing đã nhận được khoảng 2.500 hồ sơ trong khi tổng chỉ tiêu chỉ có 200.
Ở từng ngành, chỉ tiêu chỉ khoảng 20 hoặc 30, duy nhất một ngành cao nhất lấy 40. Như vậy, để đậu vào, thí sinh phải “chọi” khá vất vả. Chẳng hạn, ngành quản trị nhà hàng dẫn đầu lượng hồ sơ đăng ký với gần 1.000 bộ, trong khi chỉ tiêu chỉ có 20. Như vậy, mỗi thí sinh phải “chọi” khoảng… 50. Tương tự, ngành thuế cũng lấy 20 chỉ tiêu nhưng có đến 243 hồ sơ đăng ký (1 “chọi” hơn 12); ngành tài chính công có số chỉ tiêu cao nhất là 40 thì đã có đến 261 hồ sơ (1 “chọi” gần 7).
Tất cả những ngành còn lại, lượng đăng ký đều vượt nhiều lần chỉ tiêu, cụ thể, ngành quản lý kinh tế nhận được 220 hồ sơ, tin học kế toán 245 hồ sơ, tài chính bảo hiểm và đầu tư 208 hồ sơ, quản lý dự án 156 hồ sơ, thẩm định giá 183 hồ sơ.
Tại Trường ĐH Hoa Sen, ngành công nghệ thông tin cũng chỉ lấy 20 chỉ tiêu nhưng lượng đăng ký đã gấp 10 lần. Trường chỉ xét tuyển bổ sung 1.780 chỉ tiêu nhưng tổng mức nhận được đã trên 4.110 hồ sơ.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM  nhận được 7.000 hồ sơ cho riêng hệ ĐH, cao gấp 7 lần chỉ tiêu. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp thực phẩm, sinh học có lượng nộp cao gấp 4 lần chỉ tiêu. Nhóm ngành điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin thí sinh phải “chọi” nhiều.
Bắt đầu tuyển sinh thêm khối A1 nên năm nay, dù ở NV bổ sung Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng được rất đông thí sinh đăng ký với 6.500 hồ sơ. TS. Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo nhà trường) cho biết, ngay cả những ngành “khó tuyển” ở các năm trước như lâm nghiệp, nhóm ngành cơ khí, công nghệ… mặc dù điểm xét tuyển khá cao nhưng lượng thí sinh cũng “phất” lên đáng kể.
Ông Trần Kim Phước (quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định) cũng cho biết tương tự, nhóm ngành kinh tế từng “hot” vào thời điểm cách đây vài ba năm như tài chính ngân hàng, kế toán… năm nay lượng hồ sơ thưa thớt hẳn. Trong khi đó, ngành thuộc dạng “khó tuyển” hàng năm như ngôn ngữ Anh thì bắt đầu “có giá” trở lại, lượng đăng ký khá nhiều, người học phải “chọi” vất vả hơn.
Tại Trường ĐH Văn Hiến, nhóm ngành kinh tế, du lịch… có tỷ lệ “chọi” cao hẳn so với nhóm ngành khoa học xã hội. Tuyển sinh trở lại năm nay, trường hiện nhận được 1.500 hồ sơ cho cả hai hệ ĐH và CĐ.
Một thí sinh rải 3, 4 hồ sơ
Năm ngoái, mặc dù Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được nộp bản sao phiếu điểm khi xét tuyển NV bổ sung nhưng hầu hết các trường đều chỉ chấp nhận bản chính và xem đây là một trong những phương án “chống ảo” hữu hiệu. Năm nay, tối đa mỗi thí sinh đạt sàn khi tham gia đủ 3 đợt thi ĐH-CĐ có thể có đến 9 phiếu điểm. 9 phiếu điểm chỉ để chọn ra 1 NV học tập duy nhất, rõ ràng mức độ “ảo” năm nay khó kiểm soát.
Ngay trong một trường, đã có thí sinh nộp đến 3 thậm chí 4, 5 NV vào các ngành, gây “ảo” nhiều. Chưa nói, tâm lý chung, thí sinh bao giờ cũng muốn tận dụng hết mọi cơ hội bằng cách gửi phiếu điểm đi xét tuyển nhiều nơi. TS. Trần Đình Lý cho biết, lượng thí sinh nộp trên 3 phiếu điểm trong đợt này tại trường tương đối đông. Cũng theo ông Lý, năm nay, việc mỗi thí sinh được sở hữu nhiều giấy báo điểm trong khi đó, tổng số lượng đạt từ mức điểm sàn trở lên lớn là một trong những nguyên nhân gây “ảo” cao.
Ông Trần Kim Phước cũng cho rằng, lượng hồ sơ nộp vào là vậy, nhưng “rủi ro” vẫn còn nhiều, vì thí sinh vẫn còn được quyền rút hồ sơ chuyển đổi NV cho tới phút chót. Do đó, chỉ khi nào thí sinh đến nhập học mới chắc chắn “chốt” được số lượng thực tuyển.
Sức ép luôn nặng hơn đối với các trường ngoài công lập, bởi bao giờ đây cũng là tuyến trường thí sinh lựa chọn sau cùng. Đại diện một trường ĐH ngoài công lập nhìn nhận, nếu chỉ căn cứ trên việc mỗi thí sinh gửi đi 3 NV cho một đợt xét tuyển bổ sung thì cơ hội thực tuyển trường nắm được trên mỗi thí sinh cũng chỉ khoảng hơn 30%, mức độ “ảo” rất lớn.
Với nhiều trường, việc tuyển sinh không được đã gây lo lắng, nhưng cũng có những đơn vị dù “ngồi” trên đống hồ sơ chất chồng vẫn phập phồng lo chuyện… “ảo”!