Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Ôn thi tốt nghiệp THPT: Tan học lúc 10 giờ đêm

Cập nhật 22/05/2013 - 03:20:51 PM (GMT+7)

Chỉ hơn 10 ngày nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, cả thầy và trò tại nhiều trường đang “oằn mình” chạy đua ôn thi để đạt kết quả cao. Lịch học của học sinh cuối cấp của nhiều trường kéo dài đến tận 10 giờ đêm là chuyện thường.

Ngày thi cận kề, không khí học tập ở các trường THPT ở TPHCM càng “sôi nổi” hơn bao giờ hết, nhất là với các trường dân lập, tư thục. Ngay khi biết được môn thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đã lên lịch ôn thi kín mít, học sinh phải học khoảng 12 giờ mỗi ngày, thậm chí cả thứ bảy và chủ nhật.

Gần 22g học sinh trường dân lập Thăng Long mới kết thúc một ngày học tập của mình
Gần 22h, học sinh trường THPT dân lập Thăng Long (Q.5, TPHCM) mới kết thúc một ngày học tập của mình.

 

Gần 22h, khi nhà nhà, cửa hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông đã đóng cửa thì cổng trường THPT dân lập Thăng Long vẫn sáng đèn. Dưới ánh đèn đường đỏ rực, cũng như nhiều  phụ huynh có con học lớp 12 anh Phạm Hữu Hạnh vẫn đang chờ đón con ở đây. “Cứ 6 giờ sáng là tôi chở con tới trường và cả ngày học thêm đủ thứ môn trong trường, đến gần 22 giờ mới về tới nhà. Ăn uống tắm rửa xong gần 12 giờ khuya, con tôi mới được nghỉ ngơi và sáng ra lại phải tiếp tục”, anh Hạnh chia sẻ về sự học của con mình trong mùa thi.

Còn em Nguyễn Quốc Dân An, học sinh lớp 12A2 Trường THPT dân lập Thăng Long cho biết: “Sau khi biết kết quả các môn thi tốt nghiệp là em và các bạn ngày nào cũng phải ôn thi tại trường cho đến gần 22h mới về, kể cả thứ 7 cũng ôn tập để kịp cho kỳ thi sắp tới”.

Trong khi đó, chị Phạm Thị Diệu, phụ huynh có con học ở một trường dân lập cũng đang rất lo lắng về sức khỏe của con mình khi lịch thi cử dày đặc nhưng cũng không còn cách nào khác.

Gần 22g học sinh trường dân lập Thăng Long mới kết thúc một ngày học tập của mình
Đèn đường đã đỏ, đường phố đã thưa người nhưng phụ huynh vẫn chờ con tan học ở các trường.

 

So với nhiều trường tư thục khác, lịch học trên còn khá thoải mái. Một trường tư thục ở quận Tân Phú, lịch học của thầy trò cũng 4 ca nhưng bắt đầu sớm hơn và kết thúc cũng muộn hơn. Theo lời của một học sinh trường này thì “em học nội trú nên từ 5g30 sáng đã dậy chuẩn bị và có mặt ở lớp lúc 6g30 để truy bài. Ca học đầu tiên bắt đầu lúc 6g45 và kéo dài đên tận 11g trưa. Ăn uống, nghỉ trưa thì 13g30 lại bắt đầu ca hai đến gần 16g. 16g30 lại vào ca ba. Ca cuối cùng bắt đầu lúc 19g dành để học ôn, kết thúc lúc 10g30 đối với học sinh ngoại trú. Học sinh nội trú như em thì kết thúc lúc 23g30”.

Gần 22g học sinh trường dân lập Thăng Long mới kết thúc một ngày học tập của mình
Dưới ánh đèn sáng choang như ban ngày, học sinh một trường tư thục đang miệt mài ôn tập vào thời điểm gần 10g đêm.

 

Em Lê Nguyên Thái Bảo - học sinh lớp 12A2  của một trường dân lập cho biết: “ Học “đuối” lắm nhưng chỉ còn mấy ngày nữa là thi rồi, em cùng các bạn tự nhủ phải cố gắn nhồi được chữ nào hay chữ đó thôi. Tối về đến nhà là muốn lao vào ngủ ngay, nhưng bài vở chưa xong nên phải học thôi”.

Gần 22g học sinh trường dân lập Thăng Long mới kết thúc một ngày học tập của mình
Nhiều em học sinh cố gắng học ôn cho kỳ thi.

 

Vẫn biết là lịch học trái khoa học nhưng việc thi cử tại TPHCM thực hiện rất nghiêm túc, các thầy cô không đành để học trò lỡ bước ở kỳ thi tốt nghiệp mà vuột mất cơ hội vào ngưỡng cửa ĐH, CĐ nên cả thầy trò đều chịu vất vả. Ông Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, cho biết lịch học ôn ở trường cũng kéo dài đến 23h. “Biết học sinh học nhiều sẽ vất vả nhưng phụ huynh cũng yêu cầu giúp con em học tốt. Trước khi lên lịch ôn tập, trường đã họp và được sự thống nhất của phụ huynh”, ông Hiếu cho biết. Từ trước đó, cuối tuần trường vẫn thường tổ chức các buổi thi thử cho học sinh, em nào còn yếu kém sẽ được giáo viên tăng cường ôn luyện.

Còn hiệu trưởng một trường THPT tư thục ở quận Tân Phú chia sẻ thêm rằng tất cả các trường tư thục, dân lập đều tăng cường ôn tập cho học sinh. Không chỉ đối phó với kỳ thi tốt nghiệp mà còn ở cả kỳ thi ĐH, CĐ bởi học sinh của trường có thành tích tốt cũng sẽ ảnh hưởng đến chuyện “sống còn” của trường ngoài công lập. Trường nào có nhiều học sinh đậu ĐH, CĐ thì mới hi vọng tuyển sinh tốt.

Không “khốc liệt” bằng các trường ngoài công lập với lịch ôn kín mít, các trường công lập lại có những “chiêu” riêng để giúp học sinh ôn tập. Những lớp học nhỏ dành để phụ đạo thêm cho các em học yếu của từng lớp. Thậm chí, có em yếu quá thì phải có cách thức “một kèm một” cho đến khi nào các em hiểu và thuộc bài.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là là một kỳ thi kiểm tra, học gì thi nấy. Nhưng nhìn cảnh oằn mình ôn thi của thầy lẫn trò vừa thấy thương nhưng cũng thật buồn.

 (Theo dân Trí)