Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Giảm nhưng vẫn quá tải: Lúng túng cho cả thầy lẫn trò

Cập nhật 03/05/2013 - 08:56:34 AM (GMT+7)

Đưa ra chủ trương giảm tải giữa lúc dư luận bức xúc về chương trình dạy và học quá nặng dường như chỉ là biện pháp mang tính trấn an nhiều hơn khả thi.

Cho phép giảm nhưng giáo viên không dám

Nhiều giáo viên cho rằng việc bỏ một số bài chỉ làm nhẹ môn học nhưng lại phá vỡ tính hệ thống của kiến thức.

  Ông Vũ Khắc Ngọc, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, trực tiếp dạy ôn thi môn hóa cho học sinh lớp 12 nên có những nghiên cứu rất kỹ về tài liệu giảm tải. Ông Ngọc khẳng định: “Các nội dung giảm tải của Bộ, về mặt cơ học có vẻ nhiều nhưng trên thực tế phần lớn sự giảm tải đó là do trùng lặp. Điều ấy không có nghĩa là kiến thức đó sẽ bị cắt bỏ hoàn toàn và không xuất hiện trong đề thi”. Ông lấy ví dụ: “Hướng dẫn giảm tải bỏ bài Nhận biết các hợp chất vô cơ và Nhận biết các chất khí nhưng các chất đó đều đã nêu ở những bài học trước. Hướng dẫn có nói bỏ bài Đồng và hợp chất nhưng liệu có mấy người ra đề thi ĐH "dám" ra một đề thi mà hoàn toàn không có hợp chất nào của đồng?”.

Ở môn lịch sử cũng vậy, một giáo viên Trường THPT Ngô Sỹ Liên (Bắc Giang) cho hay: “Việc cắt xén một phần nội dung chương trình khiến giáo viên đau đầu vì không biết lý giải thế nào cho học sinh hiểu bản chất vấn đề. Ví dụ như ở bài Lênin và phong trào công nhân Nga đầu thế kỷ 20 (lớp 10), theo hướng dẫn giảm tải sẽ giảm phần Lênin, chỉ học phong trào công nhân Nga. Tuy nhiên như thế thì không thể làm nổi bật được vai trò của Lênin đối với phong trào công nhân Nga. Hoặc cắt bỏ bài Liên Xô và các nước Đông Âu từ năm 1975 đến 1991 khiến học sinh khó hình dung được Liên bang Nga sau này”.

Hướng dẫn giảm tải môn toán bỏ phần tìm điểm uốn (giải tích 12), nhưng giáo viên lo lắng nếu không dạy thì học sinh không thể vẽ đồ thị hàm bậc ba có đạo hàm vô nghiệm, nên bắt buộc giáo viên phải dạy. Trong khi nếu giảm tải nội dung tìm điểm uốn thì phải giảm tải khảo sát hàm bậc ba có đạo hàm vô nghiệm, nhưng sách giáo khoa không hề giảm tải phần này. Ở chương 2 của Hình học 10, tài liệu giảm tải đề nghị không dạy bài Xoắn 1 mà chỉ giới thiệu bảng lượng giác của các góc đặc biệt, nên học sinh không tính được hàm số lượng giác của các góc trên 900 ở các phần sau đó.

Cấu trúc chương trình không hợp lý

Theo nhiều giáo viên, do những bất hợp lý về kết cấu chương trình cũng như sự mơ hồ trong xác định mục tiêu dạy học, nên giảm tải như hiện nay không ăn nhằm gì.

Các giáo viên cho rằng ở tiểu học thì kiến thức lớp 4 là nặng nhất, khó nhất, còn lớp 2 ôm đồm nhất. “Một tiết chỉ 35 phút, vậy mà có những bài tập làm văn giáo viên phải ghi lên bảng chi chít mấy vấn đề liền. Với môn toán, học kỳ 1 học cộng trừ nhớ các số có hai chữ số xong thì quay sang nhân chia. Học sinh bắt đầu hiểu được nhân chia thì quay lại cộng trừ có nhớ 3 chữ số. Đang cộng trừ thì nhân chia. Đang nhân chia hơi thạo thạo lại quay về cộng trừ. Cứ loạn cả lên!”, giáo viên một trường tiểu học thuộc Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội nhận xét.

Môn vật lý là một ví dụ cho thấy có vấn đề trong thiết kế chương trình. Nội dung chương trình lớp 6, 7 đang khá nhẹ nhàng thì lên lớp 8 lại rất nặng, bài tập nhiều và thêm những bài lạ. Giáo viên lớp 8 chỉ có 1 tiết/tuần lên lớp mà toàn dạy bài mới, không có một tiết bài tập nào. Học kỳ 1 chỉ có một lần kiểm tra bài một tiết mà lại nằm ngay tiết thứ 7 - khi học sinh còn chưa hết sốc do kiến thức quá khó so với lớp 6, 7. “Chương trình thiết kế đồng tâm, nhưng lại tạo mấy vòng tròn khác nhau. Kiểu như lớp 6 - 8 - 10 xoáy một vòng, lớp 7 - 9 - 11 cũng đồng tâm, lớp 12 lại khác. Thành thử cứ cách một năm học sinh mới được quay lại cái vòng cũ nên các em quên hết, giáo viên phải mất thêm thời gian khôi phục kiến thức cho học sinh. Lẽ ra học phần cơ thì nên năm nào cũng có một chút phần này, học nhiệt thì năm nào cũng phải có một chút nhiệt. Đừng để lớp 6 học, lớp 7 bỏ rồi lớp 8 lại học như hiện nay”, một giáo viên Trường THCS Thăng Long (Hà Nội) góp ý.

Ở bậc THPT, cấu trúc chương trình không hợp lý trong môn ngữ văn khiến học sinh không thể tự hệ thống những nội dung đã được giáo viên hướng dẫn. Chẳng hạn trong chương trình ngữ văn lớp 11, sau bài khái quát văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, học sinh phải học ngay tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Sau đó học hết văn học từ 1930-1945 với một loạt tác giả như Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao. Đến học kỳ 2 mới quay ngược lại học về tác giả Phan Bội Châu. Trên thực tế tác giả Phan Bội Châu nằm ở giai đoạn từ đầu thế kỷ 20 đến 1930, Thạch Lam nằm ở giai đoạn thứ hai từ 1930-1945. Lẽ ra học sinh phải học Thạch Lam sau khi học Phan Bội Châu. Vì thế, để học sinh nắm rõ, sau khi dạy xong cả giai đoạn, giáo viên phải xây dựng và hệ thống lại kiến thức. Điều này cho thấy mục tiêu của những người biên soạn sách là hướng học sinh làm việc theo kiểu tự học gần như không thực hiện được.

Qua khảo sát thực tiễn về chương trình - sách giáo khoa phổ thông, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho biết: “Giải pháp tình thế của Bộ GD-ĐT nhằm giảm tải chương trình thông qua việc bỏ bớt một số mục, bài ảnh hưởng tới tính thống nhất, chặt chẽ, logic của sách giáo khoa. Điều này gây ra sự lúng túng cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình dạy, học”.

(Theo Thanh Niên)