Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Hướng Nghiệp

Những ngành “thất sủng” nhưng hấp dẫn

Cập nhật 18/04/2013 - 12:25:53 PM (GMT+7)

Nhóm ngành nông-lâm-ngư và khối ngành kỹ thuật có việc làm và thu nhập rất ổn định lại luôn trong tình trạng “khát” người học.

“Khát” người làm

Theo TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, chúng ta có thể vươn lên thành nước có sản lượng gạo, tiêu, điều, cao su… xuất khẩu cao nhưng quan trọng là chất lượng những sản phẩm xuất khẩu của ta như thế nào, là tinh hay thô? Vì vậy, tương lai nhóm ngành nông-lâm-ngư sẽ tạo ra cơ hội việc làm rất lớn.

Một nghiên cứu phân tích xu hướng và dự báo số lượng đăng ký thi ĐH theo bảy nhóm ngành học tại 11 trường ĐH trên địa bàn TP.HCM cũng cho thấy, hai nhóm ngành nông-lâm-ngư nghiệp và sư phạm - quản lý giáo dục có xu hướng giảm và sẽ tiếp tục xảy ra trong những năm tiếp theo nên nhu cầu nhân lực có trình độ ở những ngành này sẽ rất thiếu. Nhóm ngành nông-lâm-ngư nghiệp ở Việt Nam đang chiếm lực lượng lao động lớn nhất (xấp xỉ 50%) nhưng lại thiếu lao động có trình độ.

Nuôi cấy mô tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM.


Thực tế từ những buổi tư vấn hướng nghiệp: số lượng học sinh quan tâm đến nhóm ngành nông-lâm-ngư rất ít. Thậm chí, gia đình đang sinh sống bằng nghề nông cũng không hướng con chọn ngành học này. Các chuyên gia tư vấn nhóm ngành nông-lâm khẳng định: Việc học sinh quay lưng với những ngành học này do ngộ nhận đây là những nghề chân tay vất vả, thu nhập thấp…

Thế nhưng, đào tạo trình độ ĐH và sau ĐH là đào tạo nhân lực chất lượng cao, các bạn không cần phải ra đồng xuống ruộng mà có quyền lựa chọn ngồi trong phòng máy lạnh với những thiết bị thí nghiệm, chế biến hiện đại. Cơ hội việc làm cho nhóm ngành này là “bao la”, các bạn có thể công tác ở các viện cây trồng, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp. Hoặc muốn làm giàu, bạn vẫn có thể trở thành tỷ phú nuôi tôm, cá basa… với trình độ chuyên môn sẵn có.

Ngoài ra, bạn còn có thể công tác trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu nông-lâm-thủy hải sản. Việc ngày càng có nhiều tổ chức quốc tế đầu tư các dự án tại VN cũng là cơ hội để bạn làm việc trong môi trường quốc tế với thu nhập không hề thấp… Đứng bên ngoài, bạn có thể sẽ “chê” ngành này vất vả, phải làm việc ngoài trời, phải đi lấy mẫu để nghiên cứu… Nhưng việc được đi đây đi đó, được tiếp xúc với cái mới là niềm mơ ước của “dân văn phòng” với giờ giấc hành chính, gò bó.

Nhiều cơ hội

Những ngành cơ khí, điện-điện tử, kỹ thuật điều khiển tự động hóa, viễn thông… đang ngày càng khó tuyển sinh. Nhiều trường có đào tạo ngành này thường đầu tư kinh phí trang thiết bị rất lớn nhưng lại không tuyển đủ chỉ tiêu. Các trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM… thường tuyển không đủ chỉ tiêu nhóm ngành này. Nguyên nhân là do người học ngại làm việc với máy móc thiết bị “khô khan”.

Trong khi đó, những ngành này lại dễ tìm việc làm, doanh nghiệp thường “bắt người” ngay khi còn là sinh viên (SV). Thống kê cho thấy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có 80% SV ra trường làm kỹ sư ở các công ty; 15% làm quản lý đào tạo xí nghiệp, 5% đi dạy ở các trường TC-CĐ. Năm 2010, có đến 95% SV có việc làm sau ba tháng ra trường. Năm 2011, tỷ lệ này là 90%. Mức lương dao động từ 5-20 triệu tùy vào năng lực. Ngoài ra, những ngành này rất dễ có học bổng đi học lên cao ở nước ngoài. Một lượng lớn kỹ sư sau khi ra trường đã được sang Nhật, Hàn Quốc làm việc. Tương tự, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn có tỷ lệ SV ngành kỹ thuật sau tốt nghiệp một tháng có việc làm là 65%, trong khi tỷ lệ này ở khối ngành kinh tế là 35%.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, khi tuyển dụng, các doanh nghiệp thường đưa ra mức lương phổ biến cho các ngành kỹ thuật-công nghệ trung bình từ bốn-sáu triệu đồng/tháng đối với lao động có trình độ trung cấp-công nhân kỹ thuật và trên sáu triệu đồng/tháng đối với lao động có trình độ CĐ, ĐH. Nhu cầu nhân lực các ngành kỹ thuật - công nghệ ở mức cao nhưng nguồn cung luôn không đáp ứng được thị trường.

Thí sinh quan tâm đến nhóm ngành này cần học khá các môn tự nhiên vì các trường khối ngành này thường tuyển sinh bằng khối A, A1. Người phù hợp với ngành này thường thích “táy máy” khám phá máy móc thiết bị. Nếu đam mê công nghệ, bạn có thể rẽ sang hướng viết các chương trình điều khiển tự động, thiết kế robot... Ngoài ra, người học nhóm ngành này cũng có thể trở thành nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực này. Đặc biệt, để vào học lĩnh vực này, bạn không phải lo lắng về trường và điểm chuẩn đầu vào, bởi đây được đánh giá là nhóm ngành tương đối “dễ thở” vì có khá nhiều trường có đào tạo các ngành kỹ thuật bậc ĐH-CĐ gồm: ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM… Ngoài ra, người học có thể tham khảo thông tin ở một số trường CĐ, TCCN, TCN có đào tạo khối ngành này.

Theo Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam tới năm 2020, ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, giai đoạn 2011-2020, tập trung đào tạo cho các lĩnh vực mũi nhọn, chủ lực như: sản xuất, chế biến các loại nông, lâm sản, đặc sản chất lượng và giá trị kinh tế cao, công nghiệp khoáng sản, thủy điện, cơ khí, chế tạo và lắp ráp điện tử, công nghiệp vật liệu, du lịch...

Vùng Tây Nguyên tập trung đào tạo đủ nhân lực cho các lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn như: thủy điện, khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, nhân lực kỹ thuật cho phát triển ngành trồng cây công nghiệp, phát triển đào tạo nhân lực tại chỗ cho các ngành dịch vụ. Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung tập trung đào tạo nhân lực đủ số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng cho các ngành và lĩnh vực mũi nhọn, chủ lực: công nghiệp lọc, hóa dầu, cơ khí, chế tạo và lắp ráp thiết bị điện-điện tử, công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến thủy, hải sản xuất khẩu…

Vùng đồng bằng sông Cửu Long tập trung đào tạo nhân lực có chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực: công nghiệp chế biến nông lâm, thủy hải sản xuất khẩu, chế biến rau quả, chế biến thịt, cơ khí phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, cơ khí sửa chữa, điện, điện tử, công nghệ thông tin, hóa chất, dược phẩm, công nghiệp dệt may, da giày…