Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Bắt đầu chạy nước rút ôn thi tốt nghiệp

Cập nhật 17/04/2013 - 08:48:22 AM (GMT+7)

Tính đến chiều 15-4, hầu hết các trường THPT trên địa bàn TP.HCM đều đã hoàn thành kiểm tra học kỳ II các môn không thi tốt nghiệp để tập trung cho việc ôn tập sáu môn thi đã được công bố.

Cô Đỗ Thị Đan Thùy hướng dẫn học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.11, TP.HCM) ôn thi môn địa lý sáng 3-4


Tại Trường THPT Đa Phước (Bình Chánh), giáo viên cho biết đã căn cứ vào kết quả học tập trên lớp để lọc ra 86 HS yếu trong số hơn 300 HS khối 12 nhằm tập trung ôn tập trước kỳ thi tốt nghiệp. Những HS này sẽ được tăng cường kèm cặp, dò bài vào các buổi chiều còn trống của thời khóa biểu.

Ông Nguyễn Duy Tuyển, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Kết quả phân loại HS yếu cho thấy có 32 em vào dạng rất yếu, điểm trung bình sáu môn thi do giáo viên tính thử nằm dưới 20 điểm, khả năng rớt tốt nghiệp rất cao. Nhà trường đang cố gắng vực các em lên. Cụ thể tăng tiết các môn thi, như toán tăng thêm 4 tiết, văn thêm 3 tiết… để giúp đỡ những HS yếu. Tuy nhiên thời điểm này cũng không thể ép các em học quá nhiều vì sẽ gây căng thẳng cho HS”.

Cuối tháng 4, các trường THPT nội thành cũng sẽ hoàn thành kiểm tra học kỳ II sáu môn thi tốt nghiệp. “Sau khi kiểm tra học kỳ xong việc ôn tập sẽ tập trung cao điểm, đặc biệt tổ chức dò bài, kèm riêng, giải đề… cho HS có nguy cơ rớt tốt nghiệp và tăng thời lượng đáng kể cho ba môn thi mới được công bố là sinh, địa lý và hóa học” - giáo viên một trường THPT tại quận 10 cho biết.

Khối các trường tư thục cũng vào mùa dò bài từ sáng đến khuya. Với đặc thù tổ chức nội trú, nhiều trường có lịch ôn tập 3-4 ca/ngày để chạy đua với thời gian. Tuy nhiên, theo một số giáo viên các trường này, lịch ôn tập không quá căng thẳng vì đã có… kinh nghiệm (tổ chức ôn tất cả các môn từ đầu năm).

Ông Phạm Thanh Tâm, hiệu trưởng Trường tư thục Hồng Đức (Bình Thạnh), cho hay: “Việc ôn tập được tiến hành từ đầu năm nên ở thời điểm này chỉ tăng tiết nhẹ các môn địa, sinh, hóa (thêm 1-2 tiết/môn/tuần). Quy trình như mọi năm là rà soát HS yếu và tổ chức kèm cặp các em. Thời gian cuối thì thiên về các môn thuộc bài như địa, văn.

Thực tế dù không muốn, giáo viên vẫn phải hướng dẫn HS học thuộc rất nhiều ngoài những kỹ năng cơ bản. Đến nửa tháng trước kỳ thi thì hai môn toán và ngoại ngữ sẽ được cắt giảm bớt để dành đất cho các môn còn lại”.

M., HS lớp 12 Trường THPT Giồng Ông Tố, quận 2, cho biết: “Ngoài hai buổi học chính khóa (sáng học chính thức, chiều ôn tập) thì từ 17g chiều một số ngày thầy cô tổ chức phụ đạo thêm các môn thi cho các lớp còn yếu. Những phần thuộc lòng thì giáo viên cho cả lớp ngồi học thuộc rồi sau đó truy bài, mỗi bạn trả lời một câu cho đến khi thuộc bài đó.

Riêng môn địa lý nhiều bạn đoán không thi nên bây giờ mới học lại từ đầu. Chủ yếu là học thuộc và học các kỹ năng làm bài, sử dụng Atlat. Môn văn thì học theo kiểu hên xui, nghĩa là mỗi bạn chọn vài tác phẩm để học tủ, vì chương trình quá dài không nhớ hết được”.

Trong khi đó, N.Sang, HS lớp 12 tại quận 10, cho biết: “Toán, văn và ngoại ngữ đã được ôn xuyên suốt từ đầu năm, giờ nhà trường chủ yếu ôn ba môn còn lại. Nhiều bạn thi khối C, D rất áp lực vì phải học thêm hóa, sinh là hai môn khó và không nắm chắc kiến thức thì không giải bài tập được. Nên nói chung chúng em chỉ học những phần dễ học nhất sao cho thi tốt nghiệp mỗi môn này được trên 5 điểm là mừng rồi”.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)