Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Học ôn hiệu quả các môn

Cập nhật 30/03/2013 - 09:09:14 AM (GMT+7)

Tiếng Anh: Chú ý các thì của động từ

Nếu chỉ cần thi đỗ tốt nghiệp, HS cứ học theo đúng hướng dẫn của thầy cô và bám vào sách giáo khoa là đủ. Với những HS có ý thức, có mục tiêu học tập thì đạt điểm 6 - 7 môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp không có gì là khó. Từ nay đến khi thi, HS có lực học trung bình bắt buộc mỗi ngày phải dành cho môn này ít nhất một tiếng. HS cần chú tâm hơn vào việc ôn các thì của động từ vì nó liên quan rất nhiều tới các bài tập dạng khác như câu bị động, câu điều kiện, dạng bài viết lại câu, từ loại của từ...

Nguyễn Tố Tâm
(Giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội)

Hóa: Chú trọng phần lý thuyết và bài tập cơ bản

Đối với môn hóa, đề thi tốt nghiệp không quá khó, các dạng bài tập chỉ cần tính một bước là ra. Do vậy, để đạt kết quả tốt, HS nên chú trọng học kỹ phần lý thuyết trong sách giáo khoa và giải các dạng bài tập cơ bản. Ở chương trình lớp 12, phần hóa vô cơ khó hơn hữu cơ, nên HS cũng cần dành thêm thời gian học kỹ phần này.

 Nguyễn Thị Bé Sáu 
(Tổ trưởng môn hóa Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM)

Văn: Nắm yêu cầu đề và trình bày đủ ý

Thông thường đề thi có hai phần chung và riêng (phần tự chọn). Phần chung: Đối với lý thuyết (câu 2 điểm), để đạt điểm tối đa khi làm bài, HS cần đọc kỹ đề, nắm yêu cầu đề, trình bày đủ các ý, có thể dùng các gạch đầu dòng để nêu cụ thể ý, không nên viết lan man, dài dòng mất thời gian. Câu 3 điểm là vận dụng kiến thức xã hội để làm một bài văn ngắn, cần trình bày theo kết cấu của một bài văn có 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài, mỗi phần cần phải làm rõ yêu cầu của đề đặt ra. Làm câu này HS phải chú ý không sử dụng gạch đầu dòng. Phần riêng (5 điểm) HS chỉ chọn một trong 2 đề, nếu làm hai đề cùng lúc sẽ mất số điểm.

Huỳnh Ngọc Toàn 
(Giáo viên Trường THPT Lê Thành Phương, Phú Yên)

Sinh: Làm lý thuyết trước

HS cần học thuộc bài nhưng tránh học thuộc lòng từng câu chữ. Các em nên tập làm quen với các câu hỏi trắc nghiệm, sau đó dò lại kết quả. Những câu nào chọn sai, sẽ ôn lại kiến thức ở phần đó. Còn đối với bài tập, HS nên căn cứ vào dữ kiện của câu hỏi, từ đó suy luận và tìm ra kết quả. Khi làm bài cần làm những câu lý thuyết trước, sau đó mới đến bài tập.

Dương Thị Kim Loan 
(Giáo viên Trường tư thục Nhân Việt, TP.HCM)

Địa: Học qua Atlat

HS biết cách học qua Atlat sẽ đỡ vất vả. Ở trường, giáo viên bộ môn đều có hướng dẫn kỹ về phần này. HS nên chăm chú việc vẽ biểu đồ, những em nào vẽ cẩu thả, thường bị trừ điểm rất oan.

Trần Văn Quang 
(Giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM)

Lý: Cần giải nhanh và chính xác  

HS cần thuộc công thức, định lý, định luật, đồng thời phải hệ thống hóa kiến thức và các dạng bài tập. Đề thi trong những năm gần đây cho thấy HS muốn đạt điểm cao cần phải giải nhanh và đạt độ chính xác cao. Thường chỉ có khoảng 20 - 25% câu hỏi là HS có thể nhìn thấy ngay kết quả, phần còn lại đòi hỏi phải hiểu bài theo tính chiều sâu thì mới có thể làm được.

Lê Thị Thúy Hồng
(Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM)

Toán: Không nên sa đà các dạng lạ

Vì ôn thi tốt nghiệp nên HS cần nắm vững những kiến thức rất phổ thông, cần bám sát sách giáo khoa để ôn tập. Cái gì không rõ thì hỏi ngay cho bằng được. Nên chăm chỉ học những dạng toán chiếm nhiều điểm và đã có sẵn đường giải. Không nên sa đà với các dạng toán lạ.

 Phạm Văn Hoan 
(Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, Q.Ba Đình, Hà Nội)