Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Học sinh “đặt hàng” lãnh đạo

Cập nhật 25/03/2013 - 09:22:00 AM (GMT+7)

Sáng 22-3, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo sở (cùng đại diện một số ban, ngành, đoàn thể của TP) với 150 học sinh THPT tiêu biểu.

Bạn Hà Nam Khánh Giao, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đặt câu hỏi cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM tại buổi đối thoại


Lê Bội Sang, học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, phản ảnh: “Hiện chúng em phải học quá nhiều môn, từ 12-13 môn. Trong đó có môn em không biết học rồi sau này giúp ích được gì cho mình. Ví dụ con gái như em mà phải học môn công nghệ, lắp ráp xe máy (cả hội trường cười ồ). Mỗi người có một đam mê, năng khiếu, sở thích khác nhau mà cứ bắt buộc tất cả chúng em phải học cả hóa, lý, địa, sinh... Trong trường, chúng em đã học 2 buổi/ngày. Buổi tối, có bạn còn phải đi học thêm đến 21g30 mới về nhà. Nói chung chương trình học hiện nay quá nặng so với chúng em”.

Sang đề xuất: “Em mong ước học sinh chỉ học tập trung một số môn nhất định chứ không học tràn lan như hiện nay. Thêm vào đó, cái chúng em cần hiện nay là kỹ năng sống”.

Mệt mỏi với... học

Tương tự, Phạm Quỳnh Bảo Như - Trường THPT Hùng Vương  - phát biểu: “Em thấy Nhà văn hóa Thanh niên có tổ chức nhiều lớp kỹ năng sống rất hay nhưng không phải bạn nào cũng có điều kiện đi học. Chúng em mong mỏi những hoạt động ấy đến với trường học để chúng em rèn luyện, áp dụng ngay vào cuộc sống của mình”.

Tự nhìn nhận rằng nhiều trường ở VN cũng đã quan tâm đến việc mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác dạy,  học, thế nhưng Minh Quân, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, đánh giá: “Mình vẫn chưa thể làm được điều mà các trường ở nước ngoài đang làm: cho học sinh thực hành theo những gì lý thuyết đã học. Điều này khiến sự yêu thích học tập của chúng em giảm đi. Thời gian dành cho thực hành, thí nghiệm không nhiều trong khi thời gian học lý thuyết, làm bài tập lại chiếm số lượng lớn khiến thời gian dành cho việc sinh hoạt rèn luyện kỹ năng và phát triển các mối quan hệ xã hội của học sinh bị hạn chế”.

Ngay sau ý kiến của đại diện học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh (phản ảnh về tình trạng học vẹt), ông Nguyễn Hoài Chương - phó giám đốc sở - nói ngay: “Sở GD-ĐT TP.HCM không có chỉ đạo nào mà tình trạng học vẹt TP.HCM cũng đã bỏ từ lâu. Không thể chỉ dạy lý thuyết mà không thực hành. Có hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn An Ninh ở đây không?” (Rất tiếc hiệu trưởng trường này không có mặt tại buổi đối thoại - PV).

Trong khi đó, một học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân bức xúc: “Việc học thêm có sự tác động từ giáo viên chứ không chỉ do học sinh. Vì không phải học sinh nào cũng có tiền đi học thêm. Nhưng thật sự thầy cô giảng chúng em không hiểu, mặc dù đã rất chú tâm. Nếu không đi học thêm thì việc học của chúng em sẽ bị trì trệ. Các cô chú lãnh đạo có thể giải thích cho chúng em tại sao cũng là giáo viên nhưng có thầy cô dạy dễ hiểu, còn có thầy cô dạy không hiểu gì?”.

Trước sự bức xúc của nhiều học sinh, ông Nguyễn Tiến Đạt - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - hỏi: “Ở trường của các em hiệu trưởng có gặp gỡ và lắng nghe tâm tư cán bộ Đoàn, cán bộ lớp thường xuyên không?”. Chỉ lác đác vài cánh tay đưa lên. Ông Đạt lại hỏi: “Hiệu trưởng có gặp gỡ mỗi năm một lần?”. Thêm vài cánh tay nữa đưa lên. Ông Đạt kết luận: “Như vậy là chưa tới 50% số trường có thực hiện. Chúng tôi xin lỗi các em, sở đã chỉ đạo hiệu trưởng phải gặp gỡ, lắng nghe cán bộ Đoàn mỗi học kỳ/lần mà như vậy chứng tỏ các trường chưa thực hiện triệt để. Xin lỗi các em, sở sẽ chấn chỉnh tình trạng này”.

“Đơn đặt hàng”

Học sinh Trần Huỳnh Ý Siêu, Trường THPT Lê Thánh Tôn, nói: “Công tác hướng nghiệp có vẻ chung chung quá khiến một số bạn không chọn được nghề đúng với khả năng của mình”. Một học sinh lớp 10 Trường THPT Phạm Văn Sáng kể rất thật thà: “Chúng em chưa được hướng nghiệp nên thật sự đến bây giờ vẫn không biết khối A, B là gì. Trường đại học thì dạy như thế nào?”. Học sinh Nguyễn Lê Ngọc Khanh, Trường THPT Phú Hòa, đặt hàng: “Có bạn học lớp 12 nhưng vẫn chưa chọn được ngành học cho mình sau này. Chúng em rất cần có những buổi đối thoại như hôm nay và nói về hướng nghiệp”.

Trong khi đó, học sinh Nguyễn Thị Hồng Vân - Trường THPT Phạm Văn Sáng - bày tỏ sự lo lắng về an ninh, an toàn ngoài cổng trường: “Trường chúng em ở vùng ngoại thành, khá vắng vẻ, đường từ nhà đến trường khá xa mà chỉ có hai tuyến xe buýt nên nhiều bạn bị trễ học. Tình trạng giật cặp của học sinh diễn ra cũng khá nhiều, không chỉ mất những món đồ giá trị mà có bạn đã bị tai nạn. Chưa kể nhiều hiện tượng xấu ảnh hưởng đến tâm lý chúng em: giờ ra chơi nhìn ra cổng trường là thấy ngay cảnh người ta hút chích ma túy. Chúng em có nguyện vọng được mang balô đi học chứ không phải cặp sách, vừa không bị giật giữa đường vừa không bị nghiêng vai qua một bên vì quá nặng. Chúng em muốn đưa môn giáo dục giới tính vào chương trình giảng dạy chính khóa để hiểu, biết và phòng tránh các tệ nạn xã hội”.

Cuối buổi đối thoại vẫn có nhiều cánh tay đưa lên xin phát biểu, ông Nguyễn Hoài Chương đã yêu cầu các học sinh ghi ý kiến của mình trên giấy và gửi cho ban tổ chức: “Các em có thể ghi tên hay không ghi tên, cái chính là chúng tôi muốn nắm hết tâm tư của các em”.

Cầu nối thông tin

Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết: “Suy nghĩ của các em học sinh khá chín chắn, nội dung phát biểu là những vấn đề thiết thực, gần gũi với đời sống các em. Buổi đối thoại hôm nay như một cầu nối thông tin giúp hai bên học tập lẫn nhau. Sau đó, sở sẽ làm việc với các hiệu trưởng trường THPT để giải quyết các vấn đề mà học sinh đang trăn trở, bức xúc. Tóm lại là làm sao để học sinh TP được học tập trong môi trường tốt nhất, có điều kiện để phát triển khả năng của mình”.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)