Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Đào tạo đại học theo hình thức tín chỉ - Cần cải cách toàn diện

Cập nhật 19/12/2012 - 09:03:33 AM (GMT+7)
Quy định của Bộ GD-ĐT, từ năm 2013 các trường ĐH, CĐ trên cả nước đào tạo theo hình thức tín chỉ. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của Viện Nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM, hiện chỉ có 60% trường ĐH và 30% CĐ trên cả nước thực hiện đào tạo theo hình thức này. Thời gian quy định đã cận kề nhưng xem ra các trường còn rất nhiều lúng túng trong công tác triển khai cũng như kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.
Chậm chất lượng đào tạo?

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM, bày tỏ lo lắng: “ĐH Bách khoa TPHCM là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện đào tạo tín chỉ từ năm 1993. Thời gian đầu nhận được phản hồi rất tốt nhưng sau không phát triển nữa và hiện chỉ còn cố gắng duy trì. Tính đến nay đã được 20 năm nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao, sinh viên vẫn còn học tập trong môi trường rất thụ động…”.

Khi được hỏi về tiêu chí lựa chọn giảng viên/lớp học phù hợp, phần đông sinh viên đều cho rằng phương pháp giảng dạy không quan trọng bằng việc thầy cô có cho điểm cao hay không, đề cương ôn tập trước mỗi kỳ thi cụ thể, rõ ràng. Từ đó, vị này kết luận đào tạo theo tín chỉ nếu thực hiện không tốt có nguy cơ làm giảm chất lượng đào tạo chứ không phải tăng chất lượng như mong muốn lúc đầu của những người thực hiện.

Sinh viên khoa CNTT Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm trong giờ học lý thuyết.

TS Tô Minh Thanh, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM nêu lên một số kết quả thống kê khiến nhiều nhà quản lý giáo dục phải suy ngẫm. Trong số 1.691 sinh viên được khảo sát, chỉ có 17% hài lòng với phương pháp và hiệu quả học tập của hình thức đào tạo tín chỉ, 64,5% tạm hài lòng và 18,5% muốn được đào tạo theo hình thức khác.

Ngoài ra, nếu đào tạo theo tín chỉ, các trường phải thu xếp lịch học cho sinh viên hợp lý, tránh tình trạng thay đổi thời khóa biểu thường xuyên, tổ chức thi kiểm tra ngay khi kết thúc học phần, không dồn nhiều môn thi cùng lúc gây áp lực nặng nề cho sinh viên. Đó là chưa kể số giờ lên lớp phải rải đều trong tuần, kéo dài trong suốt học phần để sinh viên có đủ thời gian tự học, đào sâu kiến thức, tránh tình trạng học dồn vào mỗi đầu học kỳ như cách làm của nhiều trường hiện nay. Trường học phải xây dựng hệ thống phòng tự học dành cho sinh viên, thư viện thường xuyên được cải tiến, đáp ứng nhu cầu tự nghiên cứu của sinh viên. Tuy nhiên, để làm được những điều đó, đòi hỏi các trường phải có đủ nhân lực, tài lực và vật lực, điều mà không phải nơi nào cũng đáp ứng được.

Thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá

Quan chức từ chức ở Bộ Giáo dục:

Quan chức từ chức ở Bộ Giáo dục: "Học sinh kém do nền giáo dục kém"

"Học sinh Thủ đô dốt hơn học sinh nông thôn?"

 Theo PGS-TS Lê Đức Ngọc, Giám đốc Trung tâm Đo lường và Đánh giá giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, đào tạo theo tín chỉ là hình thức đào tạo lấy người học làm trung tâm, đào tạo theo nhu cầu người học. Do đó, phương pháp kiểm tra, đánh giá phải thay đổi sao cho phát huy tốt nhất năng lực tự học và sáng tạo của sinh viên.

TS Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, nêu ý kiến: “Đào tạo ĐH từ trước đến nay chủ yếu dựa vào kết quả kiểm tra, đánh giá cuối kỳ mà bỏ qua quá trình học tập, tự rèn luyện của sinh viên. Bên cạnh đó, hình thức kiểm tra bài theo lối học thuộc lòng hoặc trắc nghiệm chỉ mang tính chất may rủi, không phát huy được hết khả năng tư duy và sáng tạo của sinh viên”. Đó là chưa kể chính cách học, thi cử đó đã góp phần khuyến khích lối học tủ, quay cóp tài liệu, điểm số cao nhưng kiến thức của sinh viên không thật.

Từ đó, vị này kiến nghị các trường nên tổ chức thêm cột điểm đánh giá quá trình (chiếm từ 20% - 50% kết quả học tập), tránh dựa quá nhiều vào điểm kiểm tra cuối kỳ, tạo áp lực nặng nề cho sinh viên. Bên cạnh đó, việc tăng tần suất tổ chức các bài thi, kiểm tra dưới nhiều hình thức cũng góp phần tạo thêm động lực cho người học tự tìm tòi, nắm vững tri thức. 

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng mỗi môn học cần có một hình thức kiểm tra, đánh giá khác nhau, không nên đồng nhất, cứng nhắc theo cùng một hệ số. Thời gian làm bài thi nên kéo dài hơn 3 giờ để sinh viên có đủ điều kiện thể hiện hết khả năng sáng tạo và năng lực hội lĩnh tri thức. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi những nhà quản lý và tổ chức giáo dục phải có thêm thời gian chuẩn bị, cũng như đóng góp của xã hội về nhân lực, tài chính. 

Nói tóm lại, đào tạo theo tín chỉ là hình thức đào tạo đã và đang cần những nhà quản lý có trái tim nóng và cái đầu lạnh chứ không phải những người có trái tim lạnh và cái đầu nóng, đòi hỏi một sự thay đổi, chuyển biến toàn diện quá trình dạy và học hiện nay.

(Theo SGGP)


Tin Nổi Bật