Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Vì sao nhiều trường gặp khó trong tuyển sinh năm 2012?

Cập nhật 04/12/2012 - 03:58:52 PM (GMT+7)

Năm nay việc nhiều trường tuyển sinh gặp nhiều khó khăn chưa hẳn là do cơ cấu ngành nghề mà cần phải xem xét lại vấn đề vĩ mô đối với những thay đổi của Bộ GD-ĐT. Đó là nhận định của GS Trần Hồng Quân -Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.

Vì sao cả trường tư lẫn công đều gặp khó?

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã đưa ra những quy định mới để tạo điều kiện cho các trường tuyển đủ chỉ tiêu nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Sự “hỗn loạn” trong tuyển sinh khiến nhiều trường ngoài công lập (NCL) đành “ngậm đắng nuốt cay” tạm thời ngừng mở nhiều ngành, thậm chí có trường có số lượng sinh viên trong cả đợt xét tuyển không đủ mở một lớp như ĐH Phan Châu Trinh.  

 

“Theo quan điểm của tôi thì có rất nhiều lý do dẫn đến việc các trường gặp khó trong tuyển sinh. Một là có thể trường chưa đủ uy tín để hút được thí sinh. Hai là những ngành nghề đào tạo của các trường này không phải là ngành “nóng” nữa. Ba là trong tình hình kinh tế các gia đình cũng khó khăn nên việc cho con đi học vào những ngành mà dự kiến sau này cảm thấy khó tìm được việc làm nên họ chần chừ và cân nhắc. Một vấn đề quan trọng khác là các thông tin về tuyển dụng trong thời gian qua cũng gây tác động tâm lý nhất định đến gia đình thí sinh” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Giải thích về “nghịch lý” này, GS Trần Hữu Nghị - hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng phân tích: “Tôi có thể khẳng định việc nhiều trường không tuyển được như các năm về trước xuất phát từ nguyên nhân Bộ GD-ĐT thay đổi một quy định trong xét tuyển. Ở đây là do nguồn tuyển không có nên việc kéo dài cũng không giải quyết được vấn đề. Việc nguồn tuyển không đáp ứng được cho các trường là do khâu xác định điểm sàn chưa sát với thực tế”.

GS Nghị cũng cho rằng, nếu như trước kia việc Bộ GD-ĐT quy định điểm chuẩn nguyện vọng (NV) sau không được thấp hơn so với NV trước nên tạo hành lang pháp lý để trường công lập không thể “lấn sân” về phía sau. Tuy nhiên, với việc năm nay bỏ quy định này, cho phép trường công lập hạ điểm chuẩn thấp hơn NV trước thậm chí là sát sàn để “vớt” thí sinh thì điều này hẳn nhiên sẽ gây khó khăn cho các trường tốp dưới, đặc biệt là trường NCL.

“Không cần phân tích thì ai cũng hiểu lợi thế của trường công. Với mức chi phí đào tạo thấp hơn cùng với những lợi ích đi kèm thì hẳn nhiên khi có cơ hội các em đều cố gắng tìm đến trường công. Với việc tạo cơ hội cho trường công lấy đủ hoặc dư chỉ tiêu nên có hiện tượng nhiều em đã nhập học trường tốp dưới hoặc NCL nhưng khi trường tốp trên hạ điểm chuẩn thì rút hồ sơ về nhập học” - GS Nghị nói.

Cũng theo GS Nghị, một trong những yếu tố gây “rối loạn” trong khâu xét tuyển năm nay là Bộ GD-ĐT không giới hạn thời gian xét tuyển từng đợt, lại “mở cửa” cho việc làm hồ sơ xét tuyển bằng cách có thể nộp bản sao vào nhiều trường.

Một cán bộ tuyển sinh của Trường ĐH Thành Đô cho biết: “Nỗ lực nhiều mặt nhà trường mới cố gắng tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu đề ra. So với các năm trước thì năm nay gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu nhận hồ sơ xét tuyển không có bản gốc. Có lúc nhận hàng trăm hồ sơ xét tuyển gửi về nhưng số thực tế đến nhập học thì lại quá ít”.

Cán bộ này cũng phân tích thêm: Nếu mọi năm thống nhất về thời gian xét tuyển nên thí sinh có cơ hội nhìn tổng quát được các trường còn thiếu chỉ tiêu. Năm nay mỗi trường quy định mỗi kiểu nên mạnh ai người ấy làm khiến cho công tác tuyển sinh xáo trộn.
 
 
 
Thí sinh thi tuyển sinh đại học năm 2012. (Ảnh: Khánh Hiền)

Đồng quan điểm này, GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL phân tích thêm, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng là do cơ cấu ngành nghề bất cập nên dẫn đến hiện tượng không tuyển được thí sinh nhưng nếu nhìn tổng quan thì không hẳn vậy. Không đơn thuần là các ngành khối Kinh tế gặp khó khăn trong việc “hút” thí sinh mà nhiều ngành khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Như vậy ở đây cần phải phân tích đánh giá lại các thay đổi của Bộ GD-ĐT trong năm vừa qua. Riêng về vấn đề điểm sàn cần phải xác định lại bởi khâu xây dựng hiện nay có nhiều điểm bất hợp lý.

Khống chế điểm sàn phải ở mức hợp lý

GS Trần Hữu Nghị phân tích: Tại sao điểm sàn cứ phải dao động trong phạm vi 13-15 điểm? Tôi nghĩ điểm sàn có thể cao hoặc thấp hơn tùy vào mức độ khó của đề thi. Nhiều em dự thi ĐH không đạt được mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT nhưng khi đi du học vẫn học tập có kết quả tốt. Qua đó cho thấy việc đánh giá qua thi cử của chúng ta là chưa phù hợp.

“Chúng tôi đang thử hỏi là tại sao Bộ GD-ĐT khi xây dựng điểm sàn không lấy độ dôi lớn so với chỉ tiêu để tạo điều kiện cho các trường tuyển đủ. Việc lấy dôi ra không có gì ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh bởi các trường vẫn xét tuyển theo nguyên tắc từ cao xuống thấp” - GS Nghị đặt vấn đề.

GS Trần Hồng Quân bộc bạch thêm: “Trên thực tế, dù số lượng thí sinh đạt trên điểm sàn nhiều hơn tổng chỉ tiêu tuyển sinh, song do sự phân bố không đồng đều giữa các vùng miền, nhiều địa phương khó khăn vẫn không đủ nguồn tuyển, ảnh hưởng tới việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Cũng theo GS Quân thì kiến nghị cách đây 2 năm của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL rõ ràng là hợp lý vào thời điểm hiện tại nên thời gian tới khối này sẽ họp bàn để xem xét lại các vấn đề sau đó làm việc với Bộ GD-ĐT để tìm phương án giải quyết. Nếu cứ kéo dài tình trạng này như hiện nay thì chắc chắn các trường NCL sẽ khó tồn tại trong thời gian tới.

Một cán bộ tuyển sinh lâu năm cũng cho rằng không nên “quy chụp” do chất lượng đào tạo chưa tốt dẫn đến không tuyển được thí sinh. Ở đây phải thẳng thắn nhìn vào sự thật đó là các trường NCL không nhận được sự hỗ trợ của nhà nước do đó muốn có sự bền vững thì cần phải có thời gian. Chính vì thế Bộ GD-ĐT cần có cơ chế để hỗ trợ cho các trường gặp khó khăn.

“Tôi cũng đã khảo sát một số trường NCL mà tuyển sinh năm nào cũng tốt và nhận thấy rằng sở dĩ họ làm được điều này là do có nền tảng đội ngũ giảng viên tốt do hình thành từ việc nâng cấp từ CĐ lên ĐH. Bên cạnh đó, họ chú trọng khâu đầu ra để đảm bảo sinh viên có việc làm. Yếu tố cuối cùng mới là cơ sở vật chất. Tuy nhiên ở đây không phải trường nào làm được việc này bởi xuất phát điểm của có là xây dựng ĐH ngay” - cán bộ tuyển sinh này cho biết.

(Theo Dân Trí)


Tin Nổi Bật