Mã Trường

Mã Trường

Nghiên Cứu Khoa Học

Kinh tế xanh cho công viên khoa học

Cập nhật 26/10/2012 - 02:47:17 PM (GMT+7)

Hội nghị thường niên Hiệp hội các khu công viên khoa học châu Á lần thứ 16 diễn ra tại TP.HCM với chủ đề “Công viên khoa học và kinh tế xanh” trong hai ngày 25 và 26-10.

Đông đảo bạn trẻ tham quan sản phẩm được giới thiệu, trưng bày tại triển lãm sản phẩm công nghệ cao khai mạc chiều 25-10 tại Nhà văn hóa Thanh niên, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Đây là sự kiện lớn nhất hằng năm của Hiệp hội các khu công viên khoa học châu Á. Hội nghị năm nay do VN đăng cai tổ chức và có 144 nhà khoa học, nhà quản lý đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự.

TS Nguyễn Quân, bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, cho biết hội nghị sẽ tập trung thảo luận các vấn đề như vai trò chính quyền địa phương trong quản lý, hỗ trợ sự phát triển các khu công nghệ cao; cơ chế tài chính đặc biệt cho việc thành lập và phát triển bền vững các công viên khoa học quốc gia, địa phương; liên kết hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, nghiên cứu và phát triển giữa các doanh nghiệp; ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có GDP xanh; sự hài hòa nhân lực trong sự nghiệp phát triển công nghệ cao và tạo môi trường sinh sống tốt nhất cho lao động tại khu công nghệ cao, công viên khoa học.

Theo giáo sư Tim Turpin, ĐH Western Sydney (Úc), chiến lược phát triển khoa học của các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay là các vấn đề về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Tuy nhiên những vấn đề này lại bị chi phối bởi ba yếu tố là các chính sách công, năng lực nghiên cứu và năng lực sản xuất. Để phát triển “xanh”, các quốc gia phải phối hợp hài hòa các yếu tố trên. Các khu công viên khoa học và công nghệ sẽ đóng vai trò trung gian tạo sự giao thoa giữa khoa học, thị trường, xã hội và chính phủ nhằm hướng đến sự sáng tạo bền vững.

Sự giao thoa này được GS Jaehoon Rhee, ĐH Yeungnam, Hàn Quốc gọi là mô hình vòng xoắn bộ ba, trong đó khu công viên khoa học sẽ giữ vai trò kết nối.

Tuy nhiên, GS Jaehoon Rhee cho biết tại nhiều quốc gia, chính phủ giữ vai trò quyết định trong khu công viên khoa học, chính quyền địa phương thành lập và sử dụng mô hình công viên khoa học như một phương tiện tăng cường lợi thế cạnh tranh của địa phương nên nhiều khu công viên khoa học đang mất đi khả năng tự chủ và sức mạnh chính mình.

Dù không thể phủ nhận vai trò quan trọng của nhà nước trong sự phát triển của các khu công viên khoa học tại các nước đang phát triển, nhưng theo giáo sư, cần hài hòa để nơi này nhận sự hỗ trợ phù hợp từ chính phủ mà không trở thành một bộ phận của chính phủ.

Nhiều quốc gia đang phát triển nhận thấy sự cần thiết phải thông qua những chiến lược kinh tế dài hạn, qua đó chuyển trọng tâm của đất nước sang thúc đẩy nền kinh tế tri thức.

Theo ông Nabaz T. Khayyat, Trường đại học Kỹ thuật, ĐH Seoul, Hàn Quốc, để có chiến lược này cần một kế hoạch mang tầm quốc gia với sự đầu tư các nguồn lực quốc gia về khoa học, công nghệ và giáo dục theo nhu cầu, nhằm kích thích doanh nghiệp và chính phủ tận dụng nguồn tri thức và xây dựng thành giá trị thương mại và cơ hội lớn nhất của sự thành công là hợp tác giữa ba nhóm liên quan gồm chính phủ - giáo dục bậc cao - kinh doanh. Các quốc gia đang phát triển phải đổi mới sáng tạo.

Hôm nay 26-10, hội nghị vẫn tiếp tục bàn thảo về các vấn đề khác liên quan đến phát triển các khu công viên khoa học.


Tin Nổi Bật