Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Chung tay đổi mới giáo dục

Cập nhật 25/10/2012 - 11:02:21 AM (GMT+7)

Gần 100 công trình nghiên cứu, bài viết, ý kiến đã được gửi về diễn đàn “Đổi mới giáo dục - đòi hỏi cấp thiết”, đóng góp nhiều giải pháp đổi mới từ những vấn đề cụ thể đến toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Học sinh Trường tiểu học Võ Trường Toản (Q.10, TP.HCM) trong ngày khai trường


Thạc sĩ Võ Anh Tuấn gây ấn tượng mạnh với những người tổ chức diễn đàn bằng một loạt bảy bài viết. Dẫn lại những câu chuyện thực tế và vận dụng những lý thuyết khoa học phù hợp, ông Tuấn phân tích một cách sinh động hiện trạng giáo dục công lập nước nhà trong thế so sánh với triết lý giáo dục khai phóng. Qua đó, tác giả Võ Anh Tuấn đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể mà tác giả cho rằng có thể thực hiện trong thời gian ngắn với chi phí thấp nhất.

Thay đổi tận gốc

Ủng hộ triết lý giáo dục khai phóng, trong bài viết của mình, tác giả Nguyễn Trọng Bình khẳng định: “Có thể thấy triết lý “khai phóng” trong giáo dục sẽ giúp chúng ta cùng lúc giải quyết rất nhiều vấn đề. Bởi lẽ muốn có “sản phẩm giáo dục” theo tinh thần khai phóng, đương nhiên chúng ta phải xây dựng một đội ngũ giáo viên - những người trực tiếp đào tạo - phải có tinh thần khai phóng. Mà muốn có đội ngũ giáo viên có tinh thần khai phóng nhất định phải có đội ngũ quản lý điều hành nền giáo dục có tinh thần khai phóng. Như thế tất cả mọi vấn đề của công cuộc đổi mới giáo dục đều phải bắt đầu từ vấn đề con người, phải đổi mới từ vấn đề con người”.

Cùng quan tâm sâu sắc đến triết lý giáo dục, giảng viên Lê Minh Tiến khẳng định: “để đổi mới giáo dục trước tiên phải đổi mới lại triết lý giáo dục hướng theo mục tiêu dân chủ, công bằng và văn minh mà đất nước đang hướng tới, cũng như xu hướng giáo dục thế kỷ 21 trên thế giới”. Theo ông Tiến, từ triết lý này sẽ dẫn tới những thay đổi trong cách điều hành nền giáo dục, cách đối xử với người dạy, người học, nội dung và phương pháp giáo dục cũng như việc đầu tư cho cơ sở vật chất trong nền giáo dục quốc dân.

Trong khi đó, thầy giáo Trần Xuân Khoa (Đắk Lắk) đề nghị một nền giáo dục hiện đại cần được kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông và phát triển mang tính nhân bản - dân tộc - khoa học và hội nhập.

Nhiều giải pháp

Nói về chương trình, tác giả Huỳnh Anh cho rằng ngành giáo dục muốn học sinh phải được đào tạo toàn diện. Đó là ý tưởng rất tốt nhưng liệu ý tưởng ấy có thành hiện thực hay không? Rèn luyện một học sinh từ không biết gì về ca hát, vẽ, may vá thêu thùa, trong khi các học sinh ấy không có kỹ năng và không thích học để trở thành những học sinh biết hát hay, vẽ đẹp và may vá thêu thùa khéo thì cần phải có một thời gian rất dài và rất kiên trì mới được.

Tác giả Phan Thị Mỹ Phương đề nghị cải tiến nội dung sách giáo khoa bằng cách chỉ đưa vào đó những kiến thức căn bản, không nên đưa những phần dẫn giải đặt vấn đề dài dòng. TS Trần Thượng Tuấn cho rằng chương trình giáo dục các cấp cần định hướng lại những gì cần dạy và cách dạy, còn người học cần định hướng lại cách học và những gì cần học.

Cô giáo Trần Thị Thúy Hằng đề nghị phải thay đổi cách đánh giá học sinh. Cô giáo Hằng viết: “Nếu chúng ta muốn có một thế hệ học sinh giỏi thật sự, cần phải bàn bạc lại việc soạn thảo sách giáo khoa như thế nào cho hợp lý, việc phân phối chương trình thế nào cho phù hợp, việc đánh giá học sinh sao cho không có trường hợp ngồi nhầm lớp, chứ theo kiểu đánh giá như hiện nay tôi thấy không ổn!”.

Thầy giáo Lê Vũ Nguyên gửi một “bản kiến nghị” các vấn đề cần giải quyết từ cơ chế quản lý, chính sách tuyển chọn giáo viên đến tiền lương, chương trình - sách giáo khoa, chủ trương phân ban. Và thầy giáo Nguyên cũng đề nghị ngành giáo dục có một chủ trương ổn định, đi đến giảm bớt số môn học trong từng cấp học, bậc học”.

Trong khi đó, TS Lê Vinh Quốc khẳng định trong hàng loạt vấn đề hiện nay của giáo dục, đổi mới cơ chế quản lý điều hành là vấn đề cơ bản và then chốt nhất, có vai trò quyết định thành bại của toàn bộ công cuộc đổi mới. Từ đó, ông đề nghị cơ chế quan liêu bao cấp phải được xóa bỏ để thay thế bằng cơ chế quản lý dân chủ - khoa học.

Theo đó, cần bãi bỏ những mệnh lệnh hành chính với những chỉ tiêu chủ quan áp đặt từ trên xuống, đưa thi đua vào đúng thực chất của việc dạy tốt học tốt với chất lượng thật sự, trả lại vai trò chủ thể giáo dục cho các nhà giáo và nhà trường ở cơ sở. Khi ấy, Bộ GD-ĐT cùng các sở trực thuộc sẽ quản lý giáo dục bằng luật pháp và chương trình học, mọi vấn đề thuộc về chuyên môn học thuật và thành quả giáo dục thuộc quyền các nhà giáo và nhà trường ở cơ sở.

Với cơ chế quản lý dân chủ - khoa học được xác lập, một nền giáo dục trung thực với vai trò chủ động sáng tạo của giáo viên sẽ được đảm bảo, để làm cơ sở tiến hành thành công mọi sự đổi mới theo khoa học giáo dục hiện đại.

 

"Khi đã có thầy cô giỏi, được tôn trọng và đãi ngộ tốt cộng với chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy tốt, cũng cần một môi trường để các thầy cô làm việc, cần một cơ chế để phát huy hiệu quả"

TS Hà Văn Sơn

(Theo Báo Tuổi Trẻ)


Tin Nổi Bật