Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

"Giáo dục đang đi lạc đường!"

Cập nhật 01/10/2012 - 10:54:49 AM (GMT+7)

“Giáo dục đang đi lạc đường!” là ý kiến của GS Hoàng Tụy tại hội thảo góp ý đổi mới giáo dục do Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Hà Nội tổ chức ngày 29-9 tại thủ đô Hà Nội.

Nhiều chuyên gia giáo dục, nhà khoa học đã có ý kiến phản biện và kiến nghị về nhiều vấn đề của giáo dục trong bối cảnh Bộ GD-ĐT và Ban Tuyên giáo T.Ư đang xây dựng đề án “Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện”.

Hơn 20 tham luận và nhiều ý kiến trực tiếp tại hội thảo trên tiếp tục phân tích và tranh luận về nhiều vấn đề của giáo dục hiện nay. GS Hoàng Tụy, một trong những cây đại thụ của ngành giáo dục VN, cho rằng giáo dục đang lạc đường khi “triết lý giáo dục bao cấp” được hiển hiện ở tất cả các khâu của giáo dục hiện nay: chương trình, phương pháp giảng dạy, cách thức thi cử đến tổ chức giáo dục, chính sách tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ…

Cần Ủy ban cải cách giáo dục quốc gia

GS Chu Hảo điểm lại nhiều ý kiến đề xuất của các nhóm trí thức trong và ngoài nước kêu gọi cải cách giáo dục, từ ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến kiến nghị của 24 nhà khoa học do GS Hoàng Tụy chủ biên. Nhiều kiến nghị khác đến từ các nhà khoa học VN ở nước ngoài, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN, nhóm các nhà giáo dục do nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đại diện.

GS Hảo cho rằng cần có một cuộc tổng điều tra để có thể biết rõ nền giáo dục chúng ta yếu kém nhất ở những khâu nào, yếu kém đến mức độ nào bởi "nếu không có một cuộc tổng điều tra đó thì mọi kiến nghị cải cách chỉ mang tính gợi ý chứ không thể tạo ra các chương trình hành động khả thi”.

GS Phạm Thị Trân Châu nêu ý kiến cần phải nghiên cứu và làm rõ về những tác động tiêu cực của xã hội hiện nay đến giáo dục như tình trạng “chạy tiền để mua việc trong vấn đề tuyển dụng nhân lực” và rất nhiều tiêu cực khác đang trở nên phổ biến.

Trong khi đó, GS Nguyễn Minh Đường liệt kê tới sáu cái “không thực hiện” của nền giáo dục hiện nay, trong đó có vấn đề phân luồng sau THCS và THPT, liên thông giữa các trình độ đào tạo, ngành nghề, chuẩn hóa hệ thống đào tạo và xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo hợp lý.

Theo các chuyên gia giáo dục, với thực trạng giáo dục “nhìn đâu cũng thấy bất ổn” như hiện nay thì cần phải thành lập một Ủy ban giáo dục quốc gia thật sự có quyền lực giúp Đảng và Chính phủ điều phối toàn bộ công cuộc đổi mới nền giáo dục. Một vài ý kiến cho rằng nên thành lập Ủy ban cải cách giáo dục vì “Ủy ban giáo dục quốc gia đã từng được thành lập nhưng trên thực tế tiếng nói không được coi trọng”.

Đầu tư nhân lực

PGS Khổng Doãn Điền khẳng định: “Phải đi từ yếu tố con người, đó là xây dựng lại tiêu chuẩn đạo đức của lớp thầy cô giáo sao cho bằng được ngày xưa. Chỉ khi xây dựng được đội ngũ nhà giáo có tâm huyết, có lương tâm trong sạch mới nên nghĩ đến việc làm các bước tiếp theo".

GS Nguyễn Xuân Hãn cho biết "lương giáo viên hiện nay quá thấp là một nguyên do khiến giáo viên không yên tâm với nghề và người giỏi không chọn ngành sư phạm”. PGS Khổng Doãn Điền lại cho rằng: “Giáo viên không gắn bó với nghề không hẳn do đãi ngộ mà là “đãi ngộ như thế đã công bằng chưa?”.

Có chung quan điểm trong việc đầu tư số 1 cho “con người”, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đề xuất từ năm học 2013-2014 nên chấm dứt tuyển sinh đào tạo giáo viên phổ thông trình độ trung cấp và cao đẳng, tính toán cân đối giữa đào tạo và tuyển dụng giáo viên đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông sau năm 2015. Bà Bình cho biết theo điều tra mới nhất, có một tỉ lệ khá lớn giáo viên phổ thông không đáp ứng được yêu cầu của chương trình - sách giáo khoa hiện hành. Bà cho rằng phải đặc biệt chú trọng phát triển phẩm chất nhà giáo và năng lực giảng dạy. Đồng thời có chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.

GS Vũ Hoan, chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, kiến nghị tách lương giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp trong việc cải cách lương sắp tới. Trước mắt, phải cho giáo viên nghỉ hưu trước ngày 1-1-1994 đến 1-5-2011 được hưởng phụ cấp thâm niên để công bằng.

“Dạy chữ” hay “dạy người” trước?

GS Hoàng Tụy cho rằng “nền giáo dục của ta phải đề cao tính nhân văn, rèn luyện nhân cách, phẩm chất trí tuệ, năng lực cảm thụ, ý thức cộng đồng”. Nói một cách khác, phải có định hướng lại cách dạy cho thanh thiếu niên VN thành người như thế nào chứ không chỉ nhồi nhét kiến thức để chạy theo các kỳ thi, chạy theo bằng cấp để rồi thiếu hụt những kỹ năng cần thiết cho công việc và cho cuộc sống.

GS Phạm Minh Hạc cho rằng bên cạnh việc dành ưu tiên cho việc dạy trẻ con kỹ năng sống cần thiết và những phẩm chất cần có để bước vào cuộc sống, nội dung giáo dục phải có tính phân luồng mạnh hơn và hiệu quả hơn.

Hội thảo không có đại diện Bộ GD-ĐT đến dự.

(Tuổi Trẻ)


Tin Nổi Bật