Trong tuần này, những người yêu thiên văn sẽ có cơ hội ngắm “sao quỷ” Algol trên bầu trời.
Thuộc chòm sao Tráng Sĩ (Perseus), Algol được gọi là “sao quỷ” từ thời cổ đại. Tên gọi của sao Algol có nguồn gốc từ chữ al-ghul, nghĩa là “ma nữ” trong tiếng Arab. Nhưng trái với suy nghĩ của nhiều người, tên này không ám chỉ hoạt động của ngôi sao, mà liên quan tới cái đầu của con quỷ Gorgon Medusa trong thần thoại Hy Lạp. Trong thần thoại Hy Lạp, Medusa là nữ quỷ với cặp mắt có thể biến mọi sinh vật sống thành đá.
Algol là một trong những biến tinh (ngôi sao có độ sáng thay đổi) mà nhiều người biết nhất và cũng là biến tinh được phát hiện từ rất sớm. Đây là ví dụ điển hình của mô hình hai ngôi sao cùng quay quanh một tâm, với thời gian sáng và tối đan xen nhau đều đặn.
Hình minh họa sao Algol (màu xanh) và ngôi sao đồng hành với nó trong chòm sao Tráng Sĩ.
Thời gian để Algol thay đổi từ trạng thái sáng chói sang sáng mờ rồi trở lại độ sáng bình thường chỉ là gần 10 giờ. Người yêu thiên văn có thể quan sát toàn bộ hoạt động của ngôi sao này trong một đêm nếu gặp đúng dịp.
Người đầu tiên chú ý tới chu kỳ sáng tối của sao Algol là nhà thiên văn học sống ở thế kỷ 17 Geminiano Montanari ở thành phố Bologna (Italia), trang Space cho biết.
Tới năm 1667, giới thiên văn mới chỉ biết một biến tinh duy nhất. Đó là Mira, ngôi sao thuộc chòm sao Cá Voi (Cetus). Tuy nhiên, ánh sáng mà Mira phát ra thay đổi theo chu kỳ nhiều tháng, trong khi Algol biến đổi chỉ sau vài giờ. Đó có lẽ là lý do một số nhà thiên văn học thời đó rất chú ý tới phát hiện của Montarani.
Sự biến đổi độ sáng của Algol được tái phát hiện vào năm 1782 bởi John Goodgricke, nhà thiên văn học khiếm thính nghiệp dư người Anh. Googdrike quan sát ngôi sao một cách hệ thống và cuối cùng đã xác định được chu kỳ của nó. Cũng chính Goodricke đã đưa ra lời giải thích cho hiện tượng biến đổi này. Độ sáng của Mira thay đổi khi nó co lại và phình ra. Một thiên thể lớn có độ sáng thấp quay quanh Algol và thiên thể này chặn ánh sáng từ ngôi sao theo chu kỳ.
Algol cách trái đất khoảng 93 năm ánh sáng và có độ sáng gấp mặt trời 90 lần. Vật thể quay quanh, gọi là Algol B, tuy tối hơn Algol nhưng cũng sáng gấp ba lần mặt trời. Nếu quan sát từ trái đất, chúng ta có thể thấy hiện tượng Algol bị Algol B che lấp hoàn toàn (giống như nhật thực hay nguyệt thực) trong một khoảng thời gian.
Không chỉ thế, một vật thể khác là Algol C quay quanh cặp sao kia với khoảng cách lớn hơn theo chu kỳ 1,86 năm, nhưng không liên quan tới hiện tượng sao Algol B che lấp Algol.
Như đã nói ở trên, độ sáng của Algol biến đổi theo chu kỳ vài giờ. Qua nhiều năm, các nhà thiên văn học khẳng định chu kỳ của Algol chỉ sai lệch vài giây. Dù sự thay đổi đó không đáng kể, nhưng qua nhiều năm thì mức thay đổi tích tụ khiến chu kỳ của Algol đến sớm hoặc muộn hơn vài phút.
Theo VNE, Space