Đào tạo theo nhu cầu xã hội là yêu cầu cấp thiết đối với giáo dục chuyên nghiệp ở nước ta hiện nay. Khi nền kinh tế Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì điều này có ý nghĩa sống còn đối với ngành giáo dục chuyên nghiệp. Yêu cầu này thể hiện ở các nội dung đào tạo như chương trình, phương pháp, kết quả đào tạo. Đặc biệt, với đặc thù là đô thị kinh tế phát triển năng động nhất Việt Nam, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Hồ Chí Minh đòi hỏi ngành giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phải tự nâng cao cả về chất và lượng. Với đội ngũ những nhà giáo, nhà lãnh đạo đầy tâm huyết, Trường Đại học Công Nghệ Sài Gòn (STU) trải qua 15 năm hình thành và phát triển đã và đang khẳng định là một địa chỉ đào tạo uy tín theo nhu cầu xã hội.
15 năm hình thành và phát triển
Tiền thân của Trường Đại học Công nghệ Sài gòn là Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dân Lập Tp. Hồ Chí Minh (SEC). SEC được thành lập theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 24/09/1997 của Thủ tướng Chính phủ. SEC là trường cao đẳng ngoài công lập đầu tiên của nước ta đào tạo chủ yếu theo các ngành kỹ thuật, công nghệ. Tháng 04/2004, trên cơ sở năng lực và thành tích đào tạo của trường, Chính phủ ra Quyết định số 57/2004/QĐ-TTg nâng cấp SEC lên đào tạo bậc đại học và lấy tên là Trường Đại học Dân Lập Kỹ nghệ Tp. HCM (SEU). Đến tháng 03/2005, theo Quyết định số 52/2005/QĐ-TTg, trường được đổi tên thành Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn (gọi tắt là Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn). Ngoài hệ chính quy, với sự đánh giá tốt về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, nhà trường còn được Bộ giáo dục và đào tạo cho phép đào tạo hệ ngoài chính quy và được đào tạo hệ hoàn chỉnh đại học (nay gọi là hệ liên thông đại học). Bằng tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân của trường thuộc hệ thống văn bằng quốc gia và có giá trị trong cả nước. Hiện nay, STU có chức năng đào tạo từ bậc trung học chuyên nghiệp đến bậc đại học và nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực: Điện – Điện tử, Cơ – Điện tử, Điện tử Viễn thông, Công nghệ Thông tin, Công nghệ Thực phẩm, Kỹ thuật Công trình, Quản trị Kinh doanh và Mỹ thuật công nghiệp (Design). Chất lượng giáo dục của STU thể hiện rõ nét ở số lượng sinh viên theo học ngày càng tăng cao. Từ chỗ số sinh viên khóa 1 là 800 em đến nay, hàng năm nhà trường tuyển vào khoảng 3000 – 3500 sinh viên mới. Số lượng sinh viên hiện đang theo học tại trường là gần 11.000. Với các bậc đào tạo: trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học chính quy, hệ ngoài chính quy và hệ liên thông đại học, STU đã trở thành một trường đào tạo liên thông uyển chuyển, toàn diện. Với đội ngũ gần 300 cán bộ, giảng viên, STU đang phấn đầu nâng cao chất lượng đội ngũ thầy giáo, cô giáo, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cấp các phòng thí nghiệm để mở các khóa đào tạo sau đại học (Thạc sĩ và sau đó là Tiến sĩ). STU còn có chương trình liên kết đào tạo toàn phần với TROY University (Hoa Kỳ) với 2 ngành Khoa học máy tính và Quản trị kinh doanh. Chương trình có thời lượng 8 học kỳ (4 năm) và dạy bằng tiếng Anh. Bằng tốt nghiệp của chương trình có giá trị quốc tế. Trường Đại học Công Nghệ Sài Gòn còn tự hào khi có một vị hiệu trưởng có tên tuổi và tâm huyết với nghề - GS, TS. Đào Văn Lượng. Nguyên là Giáo sư Trường Đại học Bách Khoa thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh.
Đào tạo theo nhu cầu xã hội
Với Slogan “Sức trẻ - Trí tuệ - Ước vọng”, STU tự đặt ra cho mình yêu cầu cao về chất lượng giáo dục để các cử nhân,kỹ sư được đào tạo theo diện rộng, tạo điều kiện cho người tốt nghiệp thích nghi được với các công việc rất đa dạng, giúp họ phát triển tính năng động và khả năng đào tạo nâng cao về sau. Chính vì vậy, chương trình đào tạo của trường bao gồm khối kiến thức hoàn chỉnh, đề cập đến tất cả các phần của ngành nghề… Trường không ngừng nâng cao tỷ lệ thực hành, thực tập so với lý thuyết. Từ đó, STU đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng công nghệ, có phẩm chất đạo đức tốt, có văn hóa, ngoại ngữ và chuyên môn nghiệp vụ giỏi phù hợp ngày càng cao nhu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội, của đất nước, của cộng đồng và nhu cầu học tập của nhân dân.
Về các cơ sở thực hành trong trường: Nhà trường rất cố gắng trang bị để đảm bảo tính chất “công nghệ” của nhà trường. Trừ Khoa Quản trị Kinh doanh, lấy thư viện và các phần mềm tin học làm nguồn tư liệu khoa học chính yếu, các Khoa khác đều có phòng thí nghiệm, xưởng thực tập hoặc phòng máy tính chuyên ngành. Trung tâm Điện toán của trường với gần 600 máy tính nối mạng nội bộ, mạng Internet và mạng wiles tốc độ cao, được trang bị đường truyền cable quang, phòng chuyên đề đồ họa & Studio.
Ngay từ khi thành lập trường, lãnh đạo nhà trường đã xác định công tác đối ngoại là công tác rất quan trọng và đã xây dựng chiến lược lâu dài cho công tác đối ngoại của trường. Lãnh đạo nhà trường luôn lắng nghe ý kiến của xã hội, luôn chú trọng trong việc quan hệ chủ động đối với doanh nghiệp, các trường bạn trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường. Đặc biệt, mở rộng mối quan hệ của trường để ngày một nâng cao vị thế của nhà trường trong cộng đồng các trường đại học trong nước và quốc tế.
Phong trào Đoàn thanh niên tại trường kể từ khi thành lập đã có nhiều hoạt động hết sức sôi nổi, tạo nên dấu ấn về Đoàn trường - một điểm son trong phong trào Đoàn - Hội của Thành đoàn Tp.HCM và nhiều năm liền đạt danh hiệu xuất sắc.
Sự nỗ lực lao động hết mình của tập thể ban lãnh đạo, giảng viên và sinh viên Trường đại học Công Nghệ Sài Gòn đã gặt hái được những trái ngọt đầu mùa. Sinh viên STU là những người có kiến thức hiện đại, có kỹ năng thực hành nghề nghiệp vững chắc, có khả năng lao động sáng tạo, có tư duy độc lập và nhạy bén, có năng lực giải quyết các vấn đề về kinh tế, kỹ thuật, thuộc lĩnh vực được đào tạo, có khả năng thích ứng cao với những biến động của thị trường lao động, có khả năng sử dụng tiếng Anh trong học tập, nghiên cứu, làm việc, và có khả năng học tập tiếp lên bậc cao hơn. Sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Công Nghệ Sài Gòn tùy theo lĩnh vực được đào tạo, có thể làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quản lý, nghiên cứu, đào tạo… thuộc các lĩnh vực và thành phần kinh tế tương ứng.
Theo Báo Giáo dục Tp. HCM