Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Kinh nghiệm làm bài thi của thủ khoa

Cập nhật 16/06/2012 - 03:06:21 PM (GMT+7)
Cách làm bài thi của các thủ khoa sẽ là những kinh nghiệm hữu ích, thiết thực nhất dành cho thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới.

Để có một bài văn ấn tượng

Cao Ngô Hoàng Vũ - thủ khoa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM năm 2011, chia sẻ: “Một bài văn muốn đạt điểm tốt, trước hết phải có đầy đủ ý cần thiết và đúng bố cục. Tuy nhiên, một bài văn ấn tượng với người đọc còn phải lạ thông qua nội dung dẫn dắt hoặc cách diễn đạt riêng của mình”. Vũ dẫn chứng: “Trong bài thi ĐH năm ngoái về truyện ngắn của Thạch Lam, sau khi suy nghĩ mình đã mạnh dạn đưa vào bài viết phong cách diễn đạt nhẹ nhàng và thêm chút lãng mạn đúng như phong cách truyện của tác giả. Mình nghĩ, cái riêng đó đã ít nhiều tạo được cảm xúc với giám khảo chấm bài”.

Cũng theo Vũ, một bài văn thông thường sẽ có bố cục 3 phần, trong đó phần mở đầu và kết bài luôn là cơ hội để người viết bài gây ấn tượng với người đọc. Do vậy, khi làm văn mình thường đầu tư kỹ vào hai phần này nhằm dẫn dắt vào bài hoặc khép lại bài theo cách riêng. Chẳng hạn với phần mở đầu, có thể vào đề bằng một câu danh ngôn, một vài câu thơ… phù hợp với hoàn cảnh cũng hiệu quả hơn nhiều.

“Mình để ý cách ra đề thi môn văn ở những kỳ thi lớn gần đây, câu nghị luận xã hội thường có xu hướng mở. Với dạng câu này, để có thể lấy điểm cao,  thí sinh phải thể hiện được chính kiến của mình trước những vấn đề đặt ra. Nếu có liên hệ được với các vấn đề xã hội đã diễn ra trong thực tế cuộc sống để phân tích sẽ thuyết phục hơn rất nhiều”, Vũ gợi ý.

Giải toán cần đủ bước

Với điểm 10 tròn trịa môn toán trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2011, Cù Gia Huy - thủ khoa Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, khuyên: “Khi giải toán, nếu không thực sự chắc chắn về một cách giải mới, sáng tạo thì không nên quá mạo hiểm. Đặc biệt thí sinh không nên giải tắt các bước của một bài toán. Bởi lẽ, việc chấm bài sẽ được thực hiện theo đúng ba rem, nếu bỏ bước hoặc quá sáng tạo sẽ dễ bị mất điểm, ngay cả những câu dễ nhất”. Từ điểm trên, Huy lưu ý thêm: “Riêng với môn toán, việc thí sinh nên làm là tham khảo các bộ đề thi và đáp án mà Bộ GD-ĐT đã công bố các năm trước. Qua đó, thí sinh sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm để đạt điểm cao”.

“Trong khi bài thi tự luận phải chú trọng từng chi tiết, thì bài thi trắc nghiệm cần thao tác nhanh để biết chắc đáp án đúng. Do vậy, ngoài việc nắm chắc kiến thức thì thí sinh cũng cần rèn luyện các kỹ thuật làm bài trắc nghiệm thì mới mong đạt được điểm tốt. Cách vẫn được nhiều thí sinh áp dụng là tính toán trên máy tính để cho ra kết quả thật nhanh”, Huy chia sẻ. Cũng ở dạng bài thi trắc nghiệm, Huy cho rằng sự phân bổ thời gian hợp lý là rất quan trọng. Huy nói: “Trong một đề thi trắc nghiệm 90 phút với khoảng 50 câu, thí sinh chỉ nên dành cho mỗi câu khoảng 1 phút rưỡi. Nếu qua khoảng thời gian đã định này mà vẫn chưa tìm ra được đáp án, thì nên bỏ qua câu này để làm sang câu khác, nhất quyết không nên quá đeo bám một bài toán khó mà bỏ qua những câu dễ ăn điểm khác. Đặc biệt, nên dành một khoảng thời gian cuối cùng để kiểm tra lại bài, vì tính toán rất dễ có sai sót ngay cả những phần dễ nhất. Thời gian cuối cùng, thay vì tập trung để giải một bài khó không hy vọng tìm ra lời giải thì nên tập trung rà soát lỗi ở những câu đã làm”.

Sáng tạo cần dựa trên kỹ thuật

Đó là chia sẻ của Nguyễn Minh Trang - thủ khoa khối H Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM năm 2011 về kinh nghiệm làm bài thi các môn năng khiếu nói chung, trong đó có môn vẽ. Riêng với môn vẽ, Trang cho biết: “Để không bị rơi vào tình trạng bối rối khi bước vào phòng thi, thí sinh trước hết phải chuẩn bị đầy đủ những dụng cụ cần thiết”.

Về cách làm bài thi vẽ, Trang chia sẻ: “Trước hết, để có bài thi tốt, thí sinh cần phải nắm vững các kỹ thuật vẽ cơ bản để có thể tạo ra một tác phẩm đúng. Khi đó, người vẽ cần chú ý đến yếu tố bố cục, màu sắc, họa tiết, ánh sáng… Tuy nhiên, vẽ là một môn nghệ thuật nên cần có sự sáng tạo, cách điệu nghệ thuật theo cách riêng để truyền tải được điều mình muốn nói”. Trang còn lưu ý thêm: “Việc nhận dạng đề ban đầu cũng rất quan trọng để tránh lạc đề. Với môn vẽ dù thời gian thi khá dài, nhưng cũng cần chú ý phân chia thời gian để có thể hoàn thành bài thi. Bởi lẽ, trong bài thi vẽ điều tối kỵ nhất chính là để khoảng trắng”.

(Theo Báo Thanh Niên)


Tin Nổi Bật