Trao đổi với Tuổi Trẻ về dự án đã được thai nghén hơn một năm qua, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM Quách Hải Đạt cho biết:
- Để có cơ sở chắc chắn cho việc triển khai dự án, trung tâm đã thực hiện cuộc khảo sát với sinh viên một số trường ĐH, CĐ khu vực nội và ngoại thành TP để nắm rõ nhu cầu thực tế về việc sử dụng thẻ của các bạn. Từ đó, trung tâm chính thức phát hành thẻ tiện ích với mong muốn có thể hỗ trợ tốt hơn nữa cho đời sống sinh viên...
* Anh có thể giải thích về việc sử dụng thẻ tiện ích?
- Có hai hình thức sử dụng thẻ tiện ích:
- Hình thức 1: Nếu thanh toán bằng tiền mặt, sinh viên chỉ cần đưa thẻ tiện ích cho những nơi chấp nhận thẻ và sẽ được hưởng ưu đãi (chiết khấu, giảm giá...) khi sử dụng dịch vụ ở những nơi đó.
- Hình thức 2: Nếu chủ thẻ nạp tiền vào tài khoản của thẻ thì thẻ tiện ích sẽ hoạt động như một thẻ ATM (có thể rút tiền tại các điểm cho rút tiền của ngân hàng) và thẻ Visa (có thể sử dụng trong thanh toán quốc tế, với chức năng nhận chuyển, giữ, rút tiền, mua hàng qua Internet, mua sắm...). Thẻ tiện ích dùng mã vạch, có mã pin bảo vệ và tại các đơn vị tham gia dự án sẽ đặt thiết bị đọc thẻ.
Sử dụng thẻ tiện ích sinh viên sẽ được giảm giá 10-30% khi đến các nhà sách. Trong ảnh: sinh viên mua sách giảm giá tại một hội sách - Ảnh: Gia Tiến |
* Thẻ tiện ích sinh viên có gì khác những chiếc thẻ ngân hàng?
- Điểm khác của thẻ tiện ích so với các thẻ ngân hàng khác chính là thẻ này có thể hoạt động mà không cần phải có số dư tối thiểu trong thẻ, sinh viên không cần chứng minh thu nhập, không cần tài khoản ngân hàng (nếu thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt). Trong thời gian năm năm học tập tại TP.HCM, sinh viên không phải trả bất kỳ khoản phí nào để duy trì việc sử dụng thẻ. Khi hết thời hạn ấy, nếu sử dụng tiếp thẻ thì phải đóng phí và chuyển đổi hình thức sử dụng.
* Sinh viên sẽ được gì khi có trong tay chiếc thẻ tiện ích này?
- Như tên gọi, chiếc thẻ sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Chủ thẻ sẽ được giảm giá 10-50% khi tham gia chương trình ưu đãi dành cho chủ thẻ của Sacombank (ngân hàng phát hành thẻ), mà theo tính toán có khoảng 200 điểm, đơn vị chuyên về dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, mua sắm... chấp nhận thẻ.
Ngoài ra, trung tâm cũng đã liên hệ với gần 50 đầu mối khác nữa và các bạn sẽ được giảm giá 10% - 30% khi đăng ký học ngoại ngữ, tin học, các chuyên đề kỹ năng sống, các dịch vụ giải trí (cà phê, cửa hàng ăn uống), các cửa hàng mua bán thiết bị tin học, một số nhà sách... Chẳng hạn khi mua sách tại Nhà xuất bản Trẻ, các bạn sẽ được giảm 30% trên giá bìa.
Chúng tôi cũng đang làm việc với một số siêu thị, các hãng xe, các điểm luyện tập thể dục thể thao trong TP, các dịch vụ, khóa huấn luyện tại Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Sinh viên để có thêm những ưu đãi cho sinh viên khi sử dụng thẻ tiện ích này. Có một điều cần lưu ý là để đúng đối tượng, khi sử dụng dịch vụ tại một số nơi các bạn cần xuất trình thêm thẻ sinh viên cùng với thẻ tiện ích này.
* Muốn làm thẻ tiện ích, sinh viên phải chuẩn bị gì, liên hệ ở đâu và chi phí ra sao, thưa anh?
- Chi phí làm thẻ 30.000 đồng, trong đó chi phí chiếc thẻ 15.000 đồng. Số tiền còn lại chúng tôi trích 5.000 đồng/thẻ làm quỹ hoạt động cho hội sinh viên của trường có sinh viên làm thẻ, 5.000 đồng/thẻ cho đội ngũ phát hành thẻ và 5.000 đồng còn lại là phí thực hiện dự án của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.
Sẽ không giới hạn số lượng thẻ phát hành, nên nếu có nhu cầu, các bạn liên hệ trực tiếp với hội sinh viên các trường đang theo học, cung cấp thông tin cá nhân, mã số sinh viên, tên trường, niên khóa đào tạo và đóng lệ phí. Với những trường chưa (hoặc không) tham gia dự án, các bạn có thể liên hệ trực tiếp với Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP.HCM (33 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) để làm thẻ.
(Theo Tuổi Trẻ)