Trong 5 năm qua (2006-2010), ngành giáo dục - đào tạo của TP.HCM chỉ xét duyệt 23 đề tài nghiên cứu khoa học với tổng kinh phí là 4,865 tỉ đồng. Với lực lượng hơn 75.000 cán bộ quản lý và giáo viên với 42 tiến sĩ, 667 thạc sĩ và nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh, số lượng công trình nghiên cứu cấp thành phố ở mức thấp nhất so với các ngành khác (9 công trình).
"Chiều hướng sụt giảm của hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này cho thấy sự thiếu quan tâm đầu tư từ các đơn vị có liên quan trực tiếp" - ông Phan Minh Tân - Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM cho biết tại Hội nghị Tổng kết và phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học lĩnh vực giáo dục đào tạo giai đoạn 2006-2010, tổ chức ngày 27-5-2011.
"Chiều hướng sụt giảm của hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này cho thấy sự thiếu quan tâm đầu tư từ các đơn vị có liên quan trực tiếp" - ông Phan Minh Tân
|
Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT cũng công nhận: so với thực lực và yêu cầu của thực tế, số lượng các công trình đã có là quá ít, chưa tương xứng với khả năng. Nguyên nhân là do chưa đánh thức được tiềm năng, chưa tạo động lực, khuyến khích các cá nhân, tập thể tham gia chương trình. Thông tin, tuyên truyền và nhận thức về nghiên cứu khoa học trong toàn ngành chưa đầy đủ, nhiều cán bộ giáo viên không biết có hoạt động nghiên cứu khoa học này.
TS Hồ Thiệu Hùng cho rằng nhiều giáo viên muốn tham gia NCKH nhưng không có thời gian và sức lực bởi giáo viên phải thức đêm chấm bài, chất xám và thời gian đã bị vắt kiệt. Đồng thời ông cũng cho rằng với số tiền 4,8 tỉ đồng chia cho 23 công trình nghiên cứu, trừ chi phí cần thiết thì số tiền đến tay mỗi cán bộ nghiên cứu chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng/tháng. Trong khi đó, nếu đi dạy thêm, giáo viên có thể thu nhập hơn chục triệu đồng.
Ông Huỳnh Công Minh, cho biết Sở GD-ĐT sẽ cải tiến thủ tục hồ sơ đăng ký nghiên cứu khoa học, hướng dẫn tận tình và tạo điều kiện tốt về thời gian, về chế độ cho người nghiên cứu.
(Theo VietnamNet)