Các phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) đều phải được chấm bằng máy và phần mềm chuyên dụng. Phần mềm chấm phải có chức năng dò kiểm và xác định được các lỗi làm phần riêng của thí sinh để chấm đúng theo Quy chế.
Thành phần tổ xử lý bài trắc nghiệm gồm tổ trưởng là lãnh đạo Ban chấm thi, các thành viên là cán bộ và kỹ thuật viên. Bộ phận giám sát gồm thanh tra do thủ trưởng đơn vị phân công và cán bộ công an.
Bộ GDĐT yêu cầu các đơn vị, trong quá trình chấm thi trắc nghiệm phải bố trí bộ phận giám sát trực tiếp và liên tục từ khi mở niêm phong túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm đến khi kết thúc chấm thi.
Các thành viên tham gia xử lý phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN) tuyệt đối không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu TLTN của thí sinh với bất kỳ lí do gì. Mọi hiện tượng bất thường đều phải báo cáo ngay cho Bộ phận giám sát và Tổ trưởng để cùng xác nhận và ghi vào biên bản. Sau khi quét, tất cả phiếu TLTN và phiếu thu bài thi được niêm phong, lưu giữ và bảo mật tại đơn vị.
Đặc biệt, sau khi quét phải tiến hành kiểm dò để đối chiếu hết lỗi logic và sửa các lỗi kĩ thuật (nếu có) ở quá trình quét. Đối với những môn đề thi có hai phần (phần chung và phần riêng), phải sử dụng chức năng của phần mềm chấm thi lọc ra tất cả các bài thi sinh làm cả hai phần riêng và kiểm dò thật kỹ để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Điểm bài thi trắc nghiệm được quy đổi bằng máy tính từ thang điểm 100 sang thang điểm 10 (điểm lẻ đến 0,25) cho từng bài thi.
Nếu thí sinh có nhu cầu phúc khảo bài thi trắc nghiệm, tổ phúc khảo bài thi trắc nghiệm (nằm trong ban phúc khảo) có thành phần tương tự như tổ xử lý bài trắc nghiệm. Điểm chấm lại của tổ phúc khảo bài thi trắc nghiệm là điểm thi chính thức của thí sinh trong kỳ thi.
(Theo laodong.com)