Ngày 25/5, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập (NCL) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Mô hình đại học tư thục ở Việt Nam” với mục đích có cái nhìn đa chiều về mô hình đại học tư thục mà các nhà tâm huyết giáo dục đã cố gắng thực hiện thí điểm cho ra đời và hoạt động gần 20 năm qua. Hiện nay ĐH tư thục tồn tại và phát triển như thế nào?
“Vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận” đang là vấn đề tranh cãi tại các trường ĐH tư thục.
“Miếng phó mát có nhiều lỗ thủng”
Việc hoạt động của các trường ĐH NCL, đặc biệt là mô hình hoạt động của các trường ĐH dân lập sang hoạt động theo Quy chế tổ chức, hoạt động của các ĐH trường tư thục đang nảy sinh nhiều vấn đề.
GS Hoàng Xuân Sính - Trường ĐH Thăng Long cho biết: “Theo quy chế 61 (Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2009) quyền lực nằm ở Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị (HĐQT), họ là những nhà đầu tư, chủ sở hữu. Còn các nhà giáo dục là đội ngũ giảng viên và một phần trong HĐQT nhưng thường nhà giáo dục không có vốn lớn nên tiếng nói theo quy chế đại học tư thục đều không lớn. Mâu thuẫn tiềm năng nằm ở HĐQT, nơi có nhà giáo dục và nhà đầu tư có quyền lực trường. Mâu thuẫn vẫn là mâu thuẫn phát triển trường, nhà giáo dục thì làm sao cho giáo dục và khoa học phát triển tốt trong trường, đội ngũ giảng viên ngày càng được củng cố… còn nhà đầu tư thì phải xem hầu bao có còn hay đã vơi vì tiền tỷ bỏ ra mà lãi không thấy đâu”.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng: trường ĐH NCL là “miếng phó mát có nhiều lỗ thủng” vì trước pháp luật nhà nước ban đầu chưa nghĩ ra cho nó một quy chế làm nền tảng pháp lý. Do đó, nó tự đặt ra một luật lệ riêng và không ngạc nhiên khi có trường đưa cả vợ con vào HĐQT để làm việc; các trường không có quyền tự chủ; gần đây chuyển đổi từ hệ thống dân lập sang tư thục để ổn định loại hình thì sự tranh chấp quyền lợi, quyền lực “đã lên như quả mìn nổ chậm”.
Còn theo TS Đặng Văn Định - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Chu Văn An, nguyên nhân của tình trạng này là do một số quy định pháp lý xung đột lẫn nhau. Chẳng hạn điều 20 của Luật Giáo dục quy định “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích lợi nhuận”, nhưng một số văn bản dưới luật lại vô tình làm cho quy định này không đi vào cuộc sống”.
GS Sính đề nghị: “Không nên coi ĐH như một công ty theo nghĩa thông thường mà là một công ty tri thức vì nếu nói có lãi trong giáo dục thì đó là những con người mà giáo dục đào tạo cho xã hội. Nhà nước cần giúp đỡ các đại học tư thục nhất là trong 10 năm đầu mới thành lập. Ở Trung Quốc đã có rất nhiều trường ĐH dân lập và tư thục ra đời sau khi ở Việt Nam có thí điểm mô hình dân lập nhưng giờ dây hầu như các trường đó cũng không còn nữa vì các trường công lập đã được đầu tư rất nhiều. Họ chỉ còn 1 ít trường tư thục, đó là những trường tư thục rất lớn do Hoa Kiều đầu tư”.
“vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận”
Né tránh khái niệm “vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận” trong GD nói chung dường như đã góp phần cho gần 20 năm nay việc triển khai mô hình ĐH NCL luôn gặp trở ngại.
GS Phạm Phụ - Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã chỉ rõ cơ chế vì lợi nhuận, phi lợi nhuận trong giáo dục với “khuyết tật” của nó. GS Phụ cho rằng: “Đặc trưng cơ bản của một tổ chức phi lợi nhuận là không được chia lợi nhuận cho một ai và không có chủ sở hữu, không có nhà đầu tư. Tài sản ở đây là thuộc sở hữu cộng đồng. Còn các ĐH “vì lợi nhuận” thì luôn ở thế của 1 công ty. Nhưng nói đến lợi nhuận thì buộc phải coi GD ĐH là một hàng hóa, một hàng hóa đặc biệt. Do vậy, nó vẫn còn nhiều “khuyết tật”. ĐH NCL đã phát triển hơn 20 năm nhưng dường như chúng ta vẫn chưa có cơ chế “không vì lợi nhuận” và càng sợ hãi cụm từ “vì lợi nhuận”.
Chỉ ra “kẽ hở” trong quản lý trường ĐH tư thục, GS Phụ cho biết: “Nghị quyết 05 về xã hội hóa vẫn viết: Theo cơ chế phi lợi nhuận thì ngoài phần được dùng để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư… lợi nhuận chủ yếu được dùng để đầu tư phát triển”. Tôi cho rằng, đây là 1 “kẽ hở”. Đã phi lợi nhuận thì không có nhà đầu tư và tài sản được “đầu tư phát triển” bằng lợi nhuận vẫn là sở hữu của một ai đó thì vẫn không thể nói là phi lợi nhuận. Trong khi đó, ngày nay sự phân biệt giữa “vì lợi nhuận” và “không vì lợi nhuận” còn quan trọng hơn là phân biệt giữa trường công và trường tư. Có lẽ vì vậy mà nhiều trường NCL hiện nay vẫn khăng khăng cho rằng mình hoạt động “phi lợi nhuận”.
Theo GS Phụ, ĐH tư thục “nửa vì lợi nhuận” là mô hình phù hợp hiện nay. Do Việt Nam chưa có truyền thống cho tặng cho GD ĐH nên ĐH tư không vì lợi nhuận có lẽ chỉ có trong một số trường hợp riêng. Vì vậy cần khuyến khích phát triển các ĐH tư thục “nửa vì lợi nhuận”. Tất nhiên, vẫn có thể có cơ sở ĐH tư là “vì lợi nhuận” nhưng khi đó chính sách của nhà nước sẽ khác so với loại “nửa vì lợi nhuận”. Các ĐH “vì lợi nhuận” đều ở trạng thái của một công ty, ngay cả với chính sách đất đai và thuế, dù có ưu đãi. Với một ít các cơ sở ĐH “không vì lợi nhuận” thì nhà nước cần có tài trợ và ưu đãi.
Tuy nhiên, GS. Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, lại có quan điểm khác, ông cho rằng: “Nguyên tắc phi lợi nhuận bảo đảm được sự hài hòa của 4 lợi ích: người góp vốn, lợi ích SV, cán bộ nhân viên và giảng viên làm việc cho trường và lợi ích lâu dài của trường”.
Ông Phương dẫn giải, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phải là một công ty trách nhiệm hữu hạn, cũng không phải là một công ty cổ phần mà là một tổ chức hợp tác (hay hợp tác xã) của những người lao động tự nguyện góp vốn xây dựng trường chứ không phải vì mục tiêu lợi nhuận. Trường chúng tôi là trường có chủ, những người chủ của trường được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ và tập trung dân chủ, vừa đảm bảo được tính dân chủ rộng rãi, vừa đảm bảo được quyền lực và kỷ cương trong quản lý. Với đặc trưng “hợp tác xã” và phi lợi nhuận, trường không thuộc phạm trù “kinh tế tư nhân” mà thuộc phạm trù “kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa”.
Được biết, sau cuộc hội thảo khoa học này, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tiếp tục tổ chức hội thảo nữa dể có cái nhìn đúng đắn hơn, chính xác hơn về vai trò, về mô hình ĐH tư thục ở Việt Nam.
Trường ĐH tư thục hiện nay chia thành 2 loại, xét theo tiêu chí lợi nhuận và phi lợi nhuận.
Trường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận có thể do một người hoặc một gia đình thành lập và thu lợi, nó giống như một doanh nghiệp tư nhân. Loại trường này cũng có thể do một nhóm người thành lập và thu lợi. Trong trường hợp này, nó giống như một công ty trách nhiệm hữu hạn. Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các trường này được quy định bằng 10% lợi nhuận.
Loại thứ hai là trường phi lợi nhuận. Loại trường này nếu có “lợi nhuận” thì không đem chia cho người góp vốn mà dùng để tái đầu tư vào sự nghiệp giáo dục đào tạo. Theo chính sách nhà nước thì loại trường này không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
(Theo Dân Trí)