Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Xa rời thực tế!

Cập nhật 20/04/2011 - 09:02:57 AM (GMT+7)
(Dân trí) - Dự thảo Luật giáo dục đại học còn quá chung chung xa rời thực tế, chưa cụ thể; cần xóa bỏ thi đại học như hiện nay, bỏ chỉ tiêu tuyển sinh, bỏ quy định về xin mở mã ngành, chuyên ngành; tự chủ đại học…

Đó là những vấn đề mà nhiều đại biểu đưa ra góp ý tại hội thảo lấy ý kiến về việc xây dựng Luật Giáo dục đại học do Ủy ban VH GD TNTN& NĐ của Quốc hội tổ chức hôm nay 19/4 tại Hà Nội.

Dự thảo quá chung chung

Tại buổi góp ý, hầu hết các đại biểu cho rằng ban hành Luật Giáo dục đại học hiện nay là rất cần thiết trong tiến trình hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động giáo dục Việt Nam.

Đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo số 2 nhưng GS.TS Trần Ngọc Đường, Viện nghiên cứu Lập pháp, cho rằng: “Dự thảo vẫn còn quy định chung chung, chưa đủ cụ thể để điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội trong tổ chức và hoạt động giáo dục đại học. Nhìn tổng thể của dự thảo luật chưa tìm thấy được các điều luật thể hiện sâu đậm chỉ đạo việc xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học. Đặc biệt là các quan điểm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục… chưa được thể hiện rõ nét. Đặc biệt, trong quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, chưa làm rõ nội dung vai trò của quy hoạch và nguyên tắc quy hoạch, viết như một câu khẩu hiệu không có ý nghĩa điều chỉnh".

GS Đường dẫn giải thêm, trong mục hoạt động của sở giáo dục đại học, gồm 5 điều nhưng có đến 4 điều giao cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Thủ tướng quy định nên thiếu cụ thể và có tác dụng điều chỉnh trực tiếp. Các vấn đề tuyển sinh, chương trình đào tạo và giải trình cần phải qui định cụ thể hơn. Hoạt động giáo dục đại học mở ra rất nhiều hình thức nhưng dự thảo luật mới chỉ có các quy định về hoạt động giáo dục theo hình thức Chính phủ. Các hình thức giáo dục khác như: tại chức, mở rộng, học từ xa phải bao nhiêu năm, chính sách tuyển sinh… chưa thấy có sự điều chỉnh trong luật này.

 

Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội cho hay, ban hành Luật giáo dục đại học phải được quy định cụ thể, tránh tối đa việc ban hành những văn bản dưới luật như Nghị định, thông tư. Mặt khác, Luật Giáo dục đại học phải có những chế tài cụ thể tạo cơ sở pháp lý cho việc khắc phục những tồn tại hiện nay như công tác tuyển sinh, chất lượng thấp của giáo dục thường xuyên, nhất là ở trình độ thạc sỹ, tiến sỹ thiếu tương ứng trong quản lý, những hiện tượng học vì bằng cấp mà không tích lũy kiến thức đang là những bức xúc của xã hội mà nhiều năm qua chưa tạo được chuyển biến cơ bản.

GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, đọc qua nội dung trình bày trong dự thảo, người đọc có cảm giác đây là một Luật quản lý hành chính trường đại học hơn là Luật giáo dục đại học.

GS Bành chứng minh: Nếu là một luật quản lý nhà trường đại học thì đâu còn thiếu các điều luật về tính chất trường, cơ cấu trường, loại trường, tổ chức nhà trường, Hội đồng khoa học, vai trò Hiệu trưởng, Viện trưởng, Chủ nhiệm khoa và đặc biệt là Chủ nhiệm bộ môn - một nhân tố trong đào tạo đại học, Viện nghiên cứu, Doanh nghiệp trong nhà trường. Nếu là Luật giáo dục ĐH thì chưa thấy tính chất nguyên lý giáo dục, yêu cầu nội dung phương pháp giáo dục, phát triển giáo dục đại học, chưa thấy hình bóng của giáo dục mở, học tập suốt đời, xã hội hóa giáo dục.

Xóa bỏ ngay 3 “rào cản” quyền tự chủ đại học

Ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, hiện quản lý Trường ĐH Thành Tây cho rằng, vấn đề “cốt lõi” nhất phải được xác lập trong Luật là phải xóa bỏ ngay 3 “rào cản” quyền tự chủ đại học. Thứ nhất, xóa bỏ thi đại học như hiện nay. Hiện nay, trên thế giới, rất nhiều nước không tổ chức thi đại học mà vẫn đảm bảo chất lượng, còn ở nước ta, hàng chục năm nay vẫn áp dụng cơ chế thi tuyển rất nặng nề nhưng chất lượng giáo dục đại học vẫn yếu kém. Một cơ chế quá lạc hậu, tốn kém và đầy rẫy tiêu cực. Cần bỏ ngay cách thi đại học kiểu này mà sử dụng cách tuyển chọn đơn giản dựa vào kết quả học tập phổ thông để xét tuyển.

Thứ hai, bỏ chỉ tiêu tuyển sinh; Thứ ba, bỏ quy định về xin mở mã ngành, chuyên ngành. Việc cho phép về mã ngành, chuyên ngành hiện nay là cơ chế “xin -cho” tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh, phát triển.

Bãi bỏ “3 rào cản” trên đây, không cần phải thử nghiệm, không cần phải đầu tư, được xã hội đồng tình. Thể chế tự chủ trong giáo dục đại học Việt Nam đã có bước tiến nhảy vọt.
 
Một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ thi đại học.

Cùng góp ý về vấn đề tự chủ, GS Hoàng Xuân Sính, ĐH Thăng Long cho hay: “Ở Pháp khi một ĐH muốn hợp tác đào tạo liên kết với một ĐH nước ngoài, họ chỉ cần viết trên văn bản hợp tác của hai bên là theo Nghị định số nào, ngày nào của Bộ GD, hiệu trưởng của họ và hiệu trưởng của trường đối tác quyết định hợp tác về các mặt giảng dạy và nghiên cứu hay như ở Mỹ, họ đòi hỏi đối tác phải đưa ra văn bản chứng nhận của cơ quan làm accreditation cho các ngành mà mình muốn hợp tác, đưa ra rồi thì hai bên ký văn bản hợp tác, gọn nhẹ chỉ có vậy. Còn ở Việt Nam, Bộ GD-ĐT đưa ra một đống giấy tờ, trong đó ông hiệu trưởng của phương trời xa phải điền vào đó vốn của đại học là bao nhiêu, nhân viên có bao nhiêu, giáo sư thế nào, các ngành dạy có bao nhiêu, chương trình thế nào và làm đơn xin Bộ Giáo dục Việt Nam làm đối tác với trường ở bên này. Có lẽ vấn đề này phải được nghiên cứu nghiêm chỉnh, vì việc liên kết đại học với nước ngoài là một yếu tốt không thể thiếu được cho các trường ĐH Việt Nam”.

Nói về tự chủ tài chính, theo GS Sính, với các trường ĐH công thì phải rút kinh nghiệm tự chủ tài chính của các trường tư vì sự tự chủ tài chính của trường tư dẫn tới nhiều khi đường lối giáo dục và khoa học không được bảo đảm vì nhà đầu tư muốn có lợi ích trước mắt. Nếu để trường công tự chủ càng ngày càng nhiều về tài chính sẽ dẫn đến tư nhân hóa, việc đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản sẽ không được bảo đảm vì lợi ích trước mắt.

(Theo Dân Trí)

 


Tin Nổi Bật