Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Fukushima và tinh thần quả cảm của bao người

Cập nhật 18/03/2011 - 09:10:25 AM (GMT+7)
(Dân trí) - Khi nín thở cập nhật thông tin từ Fukushima, thế giới thể hiện lòng kính phục với những người đang nỗ lực với tinh thần cao nhất tránh cho thế giới một thảm họa. Họ là công nhân, binh sĩ, là chính người dân và quan chức nhiều ngày đêm bám hiện trường.

Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) trưa hôm qua cho biết lượng phóng xạ đo được tại khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima I vẫn không thay đổi nhiều sau khi lò phản ứng số 3 được làm mát từ trên không. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã tiến hành đổ nước từ máy bay trực thăng xuống lò phản ứng số 3 tổng cộng bốn lần trong thời gian 48 phút, từ 9 giờ. Chiều cùng ngày, SDF mượn máy bơm của lực lượng quân đội Mỹ tại Nhật Bản và phối hợp với lực lượng cảnh sát để bắt đầu phun nước bằng xe vòi rồng nhằm tiếp tục làm mát các lò phản ứng.

Chiến dịch trên không được tiếp diễn với tinh thần cao nhất của những người lính thuộc SDF. Cũng tại ngay tại nhà máy hạt nhân lớn nhất thế giới này, lính quyết tử chống thảm họa hạt nhân - những vị anh hùng chấp nhận hy sinh, là chính những công nhân, nhân viên trong nhà máy.

Bình thường, tại nhà máy Fukushima có đến 800 nhân viên làm việc. Nhưng hiện tại tình hình quá nguy kịch, hầu hết tất cả đã được sơ tán, chỉ còn 50 người “chiến đấu”. Gạt qua một bên những lo ngại về an nguy của cá nhân, họ dồn mọi nỗ lực để ngăn vụ nóng chảy các thanh nhiên liệu khiến có thể gây ra một vụ rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng. Nhiệm vụ cụ thể của họ là bơm nước để làm nguội lò phản ứng. Họ phải làm việc trong điều kiện hết sức nguy hiểm với khả năng phơi nhiễm phóng xạ rất cao. Trong vụ Chernobyl, hàng chục người ở lại cứu lò đã bị chết một tháng sau đó.

Hôm qua, đánh giá về nguy cơ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cho rằng tình hình “rất nghiêm trọng”. Theo người đứng đầu IAEA, nguy cơ rò rỉ phóng xạ rất lớn do vỏ lò phản ứng hạt nhân số 2 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I có thể đã thủng trong ngày 15/3. Hiện 70% số thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng ở các lò phản ứng hạt nhân số 1 và 3 có thể đã bị nóng chảy do nhiệt độ tại các bể chứa tăng cao, còn nhiệt độ tại bồn chứa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại các lò phản ứng hạt nhân số 5 và 6 cũng đã tăng lên.

Trong khi đó, Ủy ban Điều tiết Hạt Nhân (NRC) của Mỹ cảnh báo rằng hiện nguồn nước dự trữ trong hệ thống làm mát của lò phản ứng số 4 đã hết và điều này sẽ khiến cho “lượng phóng xạ gia tăng ở mức cực kì cao”. Các quan chức Mỹ cũng cho biết mức độ phóng xạ ở những khu vực xung quanh nhà máy có thể khiến cho các nhân viên cứu hộ bị nhiễm độc và tử vong trong một khoảng thời gian ngắn.

Tối 15/3, trong phòng điều hành của lò phản ứng số 4, hàm lượng phóng xạ đã cao đến mức các kỹ sư hầu như không thể làm việc được. Theo đánh gia của các chuyên gia, độ phóng xạ ở đây đã rất cao, sợ rằng các nhân viên sẽ không thể tiếp tục bám trụ.

Những người đang làm việc tại cơ sở có chất phóng xạ được phép phơi nhiễm với mức độ 50 millisievert mỗi năm. Mỗi người làm việc tại nhà máy điện hạt nhân này đều được trang bị một máy đo nồng độ phóng xạ. Họ có thể giám sát được mức độ mà họ bị phơi nhiễm ra sao, để chắc rằng họ có an toàn hay không. Nếu lượng phóng xạ xung quanh lò phản ứng vẫn còn cao thì khó có thể tiếp tục các hoạt động xử lý khẩn cấp tại đây. Nếu bị nhiễm phóng xạ ở mức từ 500 millisievert/giờ trở lên thì lượng bạch cầu trong cơ thể con người có thể sẽ bị giảm tạm thời. Vì thế, nồng độ 400 millisievert đo được ở xung quanh lò phản ứng số 3 và nồng độ 100 millisievert đo được ở lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số I là đủ ảnh hưởng tới sức khoẻ con người nếu không có quần áo bảo hộ.
 
Trong nghịch cảnh, người dân bắt đầu hiểu thêm về vị nguyên thủ của mình

Cả thế giới đang dõi theo từng “hơi thở” của nhà máy hạt nhân Fukushima Nhật Bản. Nếu điều bất trắc xảy ra, những đám mây phóng xạ không phân biệt được ranh giới quốc gia, mà sẽ đe dọa rất nhiều nước. Trong cả thảm kịch kinh hãi này, dân Nhật có cho chúng ta một tấm gương. Họ cũng sợ hãi như mọi dân tộc khác và nơi này nơi kia có tích trữ nhu yếu phẩm để phòng xa. Nhưng họ có tinh thần tự chế và liên đới rất cao, không xô đẩy giẫm đạp, không cướp bóc như có thể đã thấy tại nhiều nơi khác. Họ tin tưởng vào nhà nước và nghiêm minh chấp hành kỷ luật. Mà nhà nước cũng đã chứng tỏ khả năng qua rất nhiều thử thách nên mới được tin tưởng như vậy.

Trong tình hình nước sôi lửa bỏng, Thủ tướng Naoto Kan đã tỏ rõ mình. Những ngày qua, ông Naoto Kan thường xuyên có mặt ở những vùng bị thiên tai trong bộ đồng phục công nhân màu xanh và liên tiếp tổ chức những cuộc họp về thảm họa. Ông đã nổi giận và lớn tiếng trách tập đoàn Tepco, tập đoàn điều hành nhà máy hạt nhân Fukushima, khi tập đoàn này chậm cung cấp thông tin diễn biến tại hiện trường. Trong nghịch cảnh, người dân bắt đầu hiểu thêm về vị nguyên thủ của mình.

(Theo Dân Trí)


Tin Nổi Bật