Theo thông lệ, hằng năm vào thời điểm này, hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ đã được tổ chức để cung cấp những thông tin quan trọng cho thí sinh nhưng năm nay, mọi thông tin đang được giữ kín
Tháng 10-2010, trong các cuộc họp chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011, Bộ GD-ĐT đã dự kiến một số thay đổi để lấy ý kiến của các chuyên gia về tuyển sinh.
Chỉ sửa về “kỹ thuật”?
Sau các cuộc họp đó, nhiều nội dung dự kiến đã được Bộ GD-ĐT cung cấp, như thay vì tổ chức thi riêng cho hệ CĐ thì sẽ thi CĐ chung (chung đề, chung đợt) với hai đợt thi ĐH để tránh thí sinh đăng ký dự thi ảo cả ĐH và CĐ, giảm thiểu chi phí đi lại cho thí sinh cũng như đỡ tốn kém cho các trường trong khâu tổ chức. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn xác định điểm sàn riêng cho ĐH và CĐ.
Một nội dung nữa được dự kiến thay đổi là đề thi chỉ có phần chung, không có phần riêng; nội dung đề thi được ra trong phần giao thoa kiến thức giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Cũng theo dự kiến, các trường thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật, thể dục thể thao (thi các khối H, M, T, R, S...) sẽ chịu trách nhiệm trong các khâu ra đề, tổ chức thi, coi thi, chấm thi, xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển.
Ngoài ra, về đối tượng dự thi, dự kiến bổ sung lưu học sinh nước ngoài với điều kiện có đủ trình độ tiếng Việt để theo học, đạt yêu cầu kiểm tra kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định...
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội:
Nên công bố sớm
Cách đây ít lâu, tôi đọc báo thấy Bộ GD-ĐT dự kiến một thay đổi quan trọng, đó là đề thi chỉ có phần chung, không có phần riêng, nội dung đề thi được ra trong phần giao thoa kiến thức giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Nhưng sau đó, tôi đi hỏi mãi và đến tận bây giờ chưa ai có câu trả lời chính thức là chỉ có phần chung hay không? Đây là thông tin quan trọng, một thay đổi lớn đối với thí sinh nên các em rất quan tâm. Tôi nghĩ, với những thông tin như thế này, Bộ GD-ĐT nên công bố sớm để các em yên tâm trước kỳ thi.
Vừa rồi, Trung Quốc công bố một năm có thể tổ chức thi ĐH 2 lần, đây cũng là một phương án mà chúng ta có thể nghiên cứu. Theo tôi, tốt nhất bộ nên để các sở GD-ĐT tự chủ kỳ thi tốt nghiệp, còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì để các trường tự chủ. Tuy nhiên, để có những cải cách như trên, cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ càng chứ không thể nóng vội.
|
Cho đến tận ngày 13-1, Bộ GD-ĐT vẫn chưa “chốt” được ngày tổ chức hội nghị tuyển sinh mà theo dự kiến ban đầu là đầu tháng 1-2011.
Cân nhắc kỹ
Một điều rất bất ngờ trước mùa tuyển sinh 2011 là Bộ GD-ĐT đã “âm thầm” có công văn gửi 6 trường ĐH (gồm hai ĐH quốc gia Hà Nội và TPHCM, ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa, ĐH Y Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội), nêu rõ “Bộ GD-ĐT dự kiến trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011 giao một số trường ĐH trọng điểm, đủ năng lực và kinh nghiệm quản lý tốt chịu trách nhiệm toàn diện tất cả các khâu của công tác tuyển sinh: ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi, phúc khảo, xét tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển và giải quyết các khiếu nại tố cáo có liên quan”.
Để có căn cứ giao nhiệm vụ, Bộ GD-ĐT yêu cầu 6 trường nói trên “xây dựng phương án tự chủ tuyển sinh, trong đó làm rõ thời gian, địa điểm, các điều kiện bảo đảm cho việc ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi, sử dụng kết quả thi ĐH của thí sinh để xét tuyển...”. Công văn này ngay lập tức gây xôn xao trong dư luận vì nó đồng nghĩa với việc các trường quay trở lại thời kỳ mạnh ai nấy tuyển trước “ba chung”.
Khi dư luận lên tiếng phản ứng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã phủ nhận ngay việc giao cho các trường “tự chủ tuyển sinh”. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định đó là một sự hiểu nhầm nhưng nhiều ý kiến trong dư luận cho đó chính là một cách “chữa cháy” của Bộ GD-ĐT.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ luôn được xem là kỳ thi quan trọng nhất của các thí sinh và vì thế, bất cứ thay đổi nào cũng nhận được sự quan tâm của hàng triệu thí sinh, phụ huynh.
Chính vì là thông tin nhạy cảm, liên quan đến số đông nên những chủ trương, thay đổi trong tuyển sinh cần được thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.
Cải tiến để tuyển sinh thuận lợi cho các trường, bớt căng thẳng cho thí sinh là việc rất đáng hoan nghênh nhưng làm thế nào để hiệu quả như mong muốn, không gây “sốc” cho xã hội lại là việc không hề dễ.
(Theo NLD)