Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Chấm thi THPT quốc gia cụm thi ĐH: Điểm cao và rải đều

Cập nhật 08/09/2015 - 08:39:00 PM (GMT+7)

Kết quả chấm thi những ngày đầu cho thấy bài làm của thí sinh cụm ĐH chủ trì khá tốt. Tuy nhiên, theo nhiều giảng viên ĐH tham gia chấm thi, do phổ điểm rải đều nên các trường vẫn dễ tuyển.

Thí sinh thi môn toán ở cụm thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM

Thí sinh thi môn toán ở cụm thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM

Có điểm 10 toán và địa

Dù các trường ĐH chủ trì cụm thi mới bắt tay vào việc chấm thi các môn tự luận khoảng 3 - 4 ngày nhưng kết quả chấm ban đầu ở khu vực phía bắc cho thấy mặt bằng điểm thi năm nay khá khả quan. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bình, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Vinh, nhận xét: “Nếu chất lượng bài thi cứ như những ngày qua thì điểm thi của thí sinh năm nay tương đối cao so với mặt bằng kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm ngoái”. Ông Bình cho biết tại Hội đồng chấm thi Trường ĐH Vinh, đã có điểm 10 ở các môn toán, địa lý. Với 2 môn này, điểm từ 7 đến 9 tương đối nhiều. Lịch sử đã có điểm cao nhất là 9,75 và mức điểm thấp (dưới 4,5) cũng nhiều hơn những môn khác. Môn văn cao nhất hiện nay là 9, mức phổ biến là từ 4,5 đến 7 - 8. Phần viết luận môn ngoại ngữ (cả tiếng Anh và tiếng Nga) hiện đều có điểm tuyệt đối (2 điểm).              

Bà Bùi Minh Ngọc, Tổ trưởng tổ chấm thi môn văn, Hội đồng Trường ĐH Thủy lợi, cho biết bài làm môn văn tại cụm thi này nhìn chung khá tốt, tỷ lệ bài đạt điểm từ trung bình trở lên ước khoảng 70%. Có những bài thi điểm quá thấp nhưng không nhiều so với tổng thể những bài đã chấm. Bài điểm cao cũng đã xuất hiện nhưng ít, trong đó cao nhất là điểm 9. “Điểm 8 khá nhiều, điểm 9 thì hiếm hơn”, bà Ngọc cho biết. Cũng ở hội đồng này, ông Phạm Xuân Đồng, Tổ trưởng tổ toán, nhận xét: “Mức điểm phổ biến trong khoảng từ 5 đến 8”.

Tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, bà Đặng Thị Minh Tâm, Tổ trưởng tổ chấm môn tiếng Anh, cho biết mặt bằng điểm phần luận (2 điểm) môn này thấp hơn so với các cụm thi khác của Hà Nội. Với những bài đã chấm, mức điểm phổ biến là 1. Một số bài trên 1, lác đác bài gần đạt điểm tối đa (khoảng 1,8 - 1,9 điểm). Do phần luận là phần phân hóa thí sinh khá giỏi nên khá nhiều thí sinh bị 0 điểm phần này. Bà Ngô Thu Hương, Tổ trưởng tổ chấm văn, cho biết: “Điểm rải đều từ dưới 1 đến 8,5 điểm. Có em hầu như không viết được gì, hoặc chỉ viết được dăm bảy câu. Mức điểm phổ biến là 6”. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổ trưởng tổ bộ môn toán cơ bản và là tổ trưởng Tổ chấm toán, nhận xét: “Tuy cũng có điểm liệt (dưới 1) nhưng mức phổ biến vẫn là 5 - 6. Điểm 7 - 8 khá nhiều. Một số bài được 9 đến 9,5 điểm”.

Phù hợp với nhu cầu xét tuyển các trường ĐH

Trước tình hình khả năng nhiều thí sinh năm nay có điểm thi cao, GS-TS Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, nói: “Điểm thấp mới khó chọn, còn điểm cao chỉ giúp các trường xét tuyển dễ hơn”. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổ trưởng bộ môn toán cơ bản, Trường ĐH Công nghiệp, cho biết: “Phổ điểm năm nay qua những bài đã chấm cho thấy sự phân loại tương đối rõ. Điểm trung bình, trung bình khá (6, 7) là phổ biến, phù hợp với nhu cầu tuyển sinh của số đông trường ĐH. Vì có nhiều trường sẽ tuyển mức này nên những em có mức điểm đó cũng rất nhiều cơ hội để lựa chọn. Điểm 8 trở lên cũng nhiều, nhưng không đến mức tràn lan, điểm 9 - 10 càng ít, vì thế những trường tốp trên cũng sẽ có thí sinh điểm cao để mà chọn”.

PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, phân tích: “Nếu phổ điểm 5 đến 8 mà phổ biến thì đó là điều tốt, vì cả hai mục đích của kỳ thi đều thỏa mãn được: xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Đành rằng có những trường tốp cao, cần chọn thí sinh điểm cao hơn nhưng số trường này (và số chỉ tiêu) cũng không nhiều, nó tương ứng với số lượng thí sinh từ 8 điểm trở lên cũng thường rất thấp”.

Chấm 3 ca để kịp tiến độ

Lãnh đạo nhiều trường ĐH chủ trì cụm thi cho biết, để kịp tiến độ ngày 20.7 có điểm thi, các trường đều phải tổ chức làm phách cuốn chiếu, nghĩa là thi xong môn nào làm phách luôn môn đó. GS-TS Trịnh Minh Thụ cho biết dù chỉ có 15.000 thí sinh nhưng trường huy động đến 400 giám khảo. Chẳng hạn riêng tổ chấm văn là 90 người.

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Bình, với khoảng 37.000 bài thi, trường phải bố trí 3 ca chấm, trong đó ca tối đến 22 giờ. Nhưng đến nay toán mới chấm được khoảng 15.000 bài, chưa được một nửa số lượng bài. “Chấm đến đâu chúng tôi cho chấm kiểm tra đến đó. Văn, sử..., mỗi môn cũng mới chỉ chấm được khoảng 2.000 bài”, ông Bình nói.

(Theo Báo Thanh Niên)


Tin Nổi Bật