Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Thủ tướng yêu cầu sớm công bố phương án tối ưu kỳ thi quốc gia chung

Cập nhật 03/09/2014 - 10:44:05 AM (GMT+7)

"Bộ trưởng Bộ GD & ĐT chịu trách nhiệm về vấn đề này và sớm lựa chọn phương án để công bố. Bộ chọn phương án nào thì phải nêu rõ lý lẽ, giải thích cho dân...".

Chiều 26/8/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Đổi mới giáo dục và đào tạo đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban thảo luận về những nội dung lớn về đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân; chương trình, sách giáo khoa (SGK); phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT). Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban và các thành viên của Ủy ban.

Các phương án đổi mới hệ thống giáo dục

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo có nêu trước mắt giữ cơ bản hệ thống giáo dục nhưng có những vấn đề cần phải xem xem xét ngay vì liên quan đến đổi mới chương trình, SGK. Theo đó, đối với giáo dục phổ thông thì chương trình, SGK sẽ đổi mới  theo định hướng tích hợp ở dưới, phân hóa ở bên trên, sâu theo năng khiếu. Bậc giáo dục đại học (ĐH) thì có phân loại thành ĐH nghiên cứu, ứng dụng, thực hành, đáp ứng 2 yêu cầu, đó là tương thích quốc tế; đảm bảo tính liên thông mở để xây dựng xã hội học tập suốt đời.

Trong báo cáo định hướng đổi mới hệ thống giáo dục, Bộ GD & ĐT đề xuất và phân tích về những ưu điểm, hạn chế 2 phương án, là Phương án giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay (9 năm giáo dục cơ bản + 3 năm THPT); phương án thêm 1 năm ở bậc THCS (10 năm giáo dục cơ bản+2 năm THPT).

Đối với đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp và ĐH, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và thống nhất cơ bản về hệ thống giáo dục nghề nghiệp từ sơ cấp nghề đến trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Theo đó, sẽ tiến hành sáp nhập, tổ chức lại các trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp ở quận/huyện; các trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề; cao đẳng và cao đẳng nghề. Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển mô hình trường cao đẳng cộng đồng tại các địa phương, tổ chức đào tạo nhân lực ở các cấp trình độ sơ cấp nghề; trung học hề và cao đẳng nghề. Trong khi đó, hệ thống giáo dục đại học sẽ được phân loại theo 2 hướng: Nghiên cứu và nghề nghiệp, ứng dụng, thực hành; đồng thời sẽ hình thành một số trường ĐH triển khai cả chương trình đào tạo theo cả 2 hướng trên.

Đồng tình tách riêng chương trình và SGK

 

Góp ý về đổi mới chương trình và SGK để trình Quốc hội xem xét, các thành viên Ủy ban đồng tình với chủ trương tách riêng hai khâu này. Từ đó, cho phép một chương trình có thể có nhiều bộ SGK, còn chương trình là căn cứ kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục. Ngoài việc biên soạn chương trình chuẩn, Bộ GD & ĐT cũng xin ý kiến về phương án Bộ trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn; hoặc ngay từ đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thực hiện kiểm định chất lượng các bộ SGK được biên soạn. Tại phiên họp, nhiều thành viên bày tỏ sự quan tâm đối với chủ trương áp dụng triển khai bộ SGK mới đồng loạt ở các lớp học thay cho cách làm cuốn chiếu trước đây, mất nhiều thời gian hơn.

Về chương trình ở bậc giáo dục phổ thông, theo đề xuất của Bộ GD & ĐT, được tập trung đổi mới ở từng cấp học theo hướng tăng cường các môn và chủ đề tích hợp ở tiểu học và THCS; phân hóa mạnh với việc tăng các môn tự chọn, giảm số môn bắt buộc ở THPT. Số chủ đề và các hoạt động giáo dục trải nghiệm tự chọn được tăng lên nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tạo tiền đề để phân luồng sau THCS và THPT.

Xem xét phương án tổ chức kỳ thi phù hợp

 

Tại phiên họp, Bộ GD & ĐT đã lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban về những phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, kỳ thi quốc gia sẽ kế thừa những mặt mạnh, những thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như những ưu điểm của kỳ tuyển sinh Đại học, cao đẳng (CĐ) theo hình thức “ba chung”. Công tác tổ chức coi thi, chấm thi sẽ được tiến hành theo cụm do các trường ĐH, CĐ chủ trì. Đề thi gồm các câu hỏi ở 4 trình độ tư duy: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao với phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa năng lực học sinh.

Bên cạnh 3 phương án thi đã được Bộ GD & ĐT lấy ý kiến rộng rãi dư luận thời gian qua, Giám đốc ĐHQG TPHCM - ông Lê Thanh Bình cho rằng, có thể xem xét thêm phương án tổ chức kỳ thi với một bài thi tổng hợp để đánh giá trình độ học sinh với đề thi kiểm tra kiến thức, năng lực học sinh từ mức tốt nghiệp THPT đến tuyển sinh vào ĐH giống như phương án của ĐHQG Hà Nội.

Giám đốc ĐHQG Hà Nội - ông Phùng Xuân Nhạ cho biết trường đã xây dựng đề án tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương án 1 bài thi tổng hợp trong kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới.

“Ưu điểm của bài thi tổng hợp là đánh giá được toàn diện năng lực của học sinh, đồng thời, các em có thể thi nhiều lần, hoàn toàn trên máy tính. Chúng tôi cũng đang đề xuất để một nhóm các trường ĐH cùng sử dụng kết quả bài thi tổng hợp này”, ông Nhạ cho biết thêm.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, các trường ĐHQG có thể áp dụng phương án thi tiên tiến, đi trước và ĐHQG Hà Nội cũng có thể làm việc với các Cục, Vụ chức năng của Bộ này để có thể xem xét việc công nhận tốt nghiệp đối với những học sinh hoàn thành bài thi tổng hợp của ĐHQG Hà Nội ở mức độ nhất định.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết một nội dung lớn trong tổ chức kỳ thi và việc sử dụng kết quả kỳ thi chung là việc học sinh sau khi có kết quả thi mới đăng ký vào các trường ĐH, CĐ. Đây là đổi mới rất lớn, có ý nghĩa quan trọng trong kỳ thi quốc gia sắp tới. Theo đó, quan điểm được thống nhất về nguyên tắc là 1 kỳ thi quốc gia, đảm bảo trung thực, là cơ sở xét tuyển cho các trường ĐH.

Lựa chọn phương án tối ưu cho kỳ thi quốc gia chung

Phát biểu kết luận cuộc họp, về định hướng đổi mới hệ thống giáo dục, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng một số vấn đề liên quan đến giáo dục phổ thông như số năm học, tổ chức trường chuyên cần được nghiên cứu tiếp.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải được chuẩn hóa lại từ sơ cấp nghề đến trung cấp nghề, cao đẳng nghề theo hướng liên thông mở, có sự quản lý thống nhất giữa Bộ GD & ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hệ thống ĐH phân loại thành ĐH nghiên cứu và ĐH nghề nghiệp, ứng dụng, thực hành.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương biên soạn chương trình chuẩn, thống nhất, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các phương án biên soạn SGK để báo cáo Quốc hội.

Về kỳ thi quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc tổ chức một kỳ thi được sự đồng thuận xã hội, nổi rõ nhất là 2 yêu cầu là xét tốt nghiệp và làm cơ sở căn cứ xét tuyển vào ĐH. Đối với 3 phương án thi của Bộ GD & ĐT, Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục lắng nghe các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của người dân, các phương án của các đại biểu đưa ra tại phiên họp cũng như phương án do ĐHQG Hà Nội đề xuất, từ đó lựa chọn phương án tối ưu, căn bản tạo thuận lợi cho học sinh.

“Bộ trưởng Bộ GD & ĐT chịu trách nhiệm về vấn đề này và sớm lựa chọn phương án để công bố. Bộ chọn phương án nào thì phải nêu rõ lý lẽ, giải thích cho người dân, xã hội hiểu và ủng hộ” -  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

(Theo GDVN)


Tin Nổi Bật