Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được quy định tại Luật Giáo dục

Cập nhật 19/06/2014 - 09:17:05 AM (GMT+7)

“Đối với nước ta, kỳ thi tốt nghiệp THPT theo đề thi quốc gia vẫn là cần thiết”. Đó là quan điểm của ông Lê Quán Tần - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT).

Các nước đều áp dụng hình thức đánh giá nhất định công nhận tốt nghiệp GD phổ thông

Ông Lê Quán Tần cho rằng: Do tầm quan trọng của nó, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được quy định tại Luật Giáo dục. Trong quá trình dạy học, kỳ thi này là một động lực thúc đẩy cả người dạy và người học hoàn thành mục tiêu của cấp học.

Nhìn rộng ra trên thế giới, nước nào cũng áp dụng một hình thức đánh giá nhất định để công nhận tốt nghiệp giáo dục phổ thông. Trong đó, một số nước vẫn duy trì kỳ thi quốc gia để công nhận và cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Ngay một số nước đã thực hiện “phân quyền” và “tản quyền” trong quản lý giáo dục, giao cho các địa phương chịu trách nhiệm đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT từ lâu nhưng do hậu quả tác động tiêu cực đến chất lượng giáo dục phổ thông, nên gần đây cũng đang xem xét việc khôi phục kỳ thi quốc gia hoặc áp dụng chuẩn quốc gia thống nhất để đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT.

Việc cấp bằng tốt nghiệp THPT là công nhận trình độ học vấn để thanh niên tiếp tục học lên đại học, cao đẳng, học nghề hoặc tham gia lao động. Đối với mỗi thanh niên, tốt nghiệp THPT là một dấu mốc trưởng thành cả về học vấn và nhân cách để lập thân, lập nghiệp.

Không phải cứ thấy khó quản lý thì xóa bỏ

Có ý kiến cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT là không còn cần thiết, vì kết quả tốt nghiệp chưa phản ánh đúng chất lượng dạy học, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia tốn kém nhưng chỉ để không công nhận tốt nghiệp một số ít học sinh mà thôi.

Xét về yêu cầu quản lý, phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật, hiệu lực quản lý kỳ thi tốt nghiệp THPT, đổi mới cách đánh giá để tăng độ tin cậy, bảo đảm công bằng trong giáo dục, chứ không phải cứ thấy khó quản lý thì xóa bỏ nó.

Trong hoạt động giáo dục, có 2 cách tiến hành đánh giá: đánh giá ngoài và đánh giá trong. Đánh giá ngoài được thực hiện bởi chủ thể độc lập với chủ thể tiến hành dạy học. Khác với nó, đánh giá trong được thực hiện bởi chính chủ thể tiến hành dạy học.

Đánh giá ngoài có điều kiện để bảo đảm khách quan, chính xác hơn đánh giá trong. Tuy nhiên, đánh giá trong được áp dụng trong quá trình dạy học và áp dụng cho các kỳ thi với quy mô rộng lớn, khó có điều kiện áp dụng đánh giá ngoài. 

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều trường Junior College của Singapore đã ký hợp đồng lâu dài để ĐH Cambridge của Vương quốc Anh đánh giá định kỳ chất lượng dạy học và đánh giá tốt nghiệp.

Xét về cách thức tổ chức đánh giá, kỳ thi tốt nghiệp THPT của ta hiện nay là đánh giá “vừa ngoài vừa trong”. Do đề thi là của Bộ (một yếu tố của đánh giá ngoài) nhưng coi thi, chấm thi và công nhận tốt nghiệp do các Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm (các yếu tố của đánh giá trong).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo đề thi quốc gia vẫn là cần thiết

Ông Lê Quán Tần cho rằng, đối với nước ta, kỳ thi tốt nghiệp THPT theo đề thi quốc gia của Bộ GD&ĐT vẫn là cần thiết, vì đây là chuẩn đánh giá đầu ra của giáo dục phổ thông.

Đi đôi với tăng cường các giải pháp chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, đề cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên; khâu tổ chức kỳ thi, coi thi do quy mô kỳ thi quá rộng lớn cho nên vẫn có thể tiếp tục phân cấp cho các Sở GD&ĐT như hiện nay, nhưng cần áp dụng giải pháp hoán đổi ngẫu nhiên giám thị giữa các trường để khắc phục một phần hạn chế của “đánh giá trong”.

Bộ GD&ĐT có thể giao cho Sở GD&ĐT tỉnh/thành phố này chấm bài địa phương khác bằng cách hoán đổi ngẫu nhiên. Hằng năm, cần tổ chức đánh giá hiệu lực quản lý và kiểm điểm trách nhiệm của các Sở GD&ĐT đối với kỳ thi này.

Thực tế quá trình quản lý cho thấy, ý tưởng tuyệt đối hóa vai trò kỳ thi tốt nghiệp THPT, tìm cách đạt được độ “khách quan, chính xác hoàn toàn” (chỉ có thể đạt được với cách thức đánh giá ngoài một cách độc lập) là không thực tế, vì đó là một cách thức tiến hành đánh giá “nửa trong, nửa ngoài” (đề của Bộ nhưng các khâu coi chấm thi đều do địa phương đảm nhiệm); nhưng ngược lại, nếu hạ thấp vai trò của nó sẽ làm giảm động lực của hoạt động dạy và học.

Cũng cần phải khẳng định thêm rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng có mục tiêu khác nhau. 

Trong điều kiện hiện nay, để bảo đảm chất lượng đầu vào cho giáo dục đại học và công bằng trong giáo dục, chưa thể lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng và cũng chưa thể hạ thấp vai trò kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ tập trung vào kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.


Tin Nổi Bật