Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói về việc làm cho sinh viên hệ cử tuyển

Cập nhật 30/09/2013 - 09:27:23 AM (GMT+7)

Trước nhiều câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về chế độ cử tuyển, cho rằng chế độ xét tuyển vào đại học tại các huyện 30a chất lượng đầu vào thấp, đào tạo chưa gắn với sử dụng gây lãng phí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này.

Điển hình nhất là tại tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 700 em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ra trường tỉnh chưa bố trí được việc làm, đây là những em thuộc diện cử tuyển được tỉnh cho đi học.

Giải đáp những thắc mắc này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, theo quy định của Nghị định 134 của Chính phủ về chính sách cử tuyển, Ủy ban nhân dân các tỉnh căn cứ nhu cầu cán bộ của mình để xác định số lượng và ngành nghề cử học sinh đi học và bố trí việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp. 

Bộ trưởng cho rằng, một số địa phương chưa xây dựng được quy hoạch, kế hoạch tổng thể về đào tạo và sử dụng cán bộ, dẫn đến việc xác định nhu cầu về số lượng và ngành nghề đào tạo theo hình thức cử tuyển chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ở một số địa phương chưa có cơ quan/cán bộ chuyên trách việc phối hợp với các cơ sở đào tạo để theo dõi, quản lý quá trình học tập, rèn luyện của sinh viên hệ cử tuyển và chuẩn bị trước kế hoạch sử dụng ngay sau khi các em tốt nghiệp.

“Trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế trong nước, việc bố trí việc làm cho sinh viên vừa tốt nghiệp càng trở nên khó khăn” Bộ trưởng Luận khẳng định.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Luận cho biết, sẽ chỉ đạo các Sở GD&ĐT tăng cường công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc lập và thực hiện kế hoạch cử tuyển hàng năm nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng nhu cầu ngành nghề và nâng cao chất lượng cử tuyển; gắn cử tuyển với địa chỉ sử dụng; ưu tiên cử tuyển học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú vào các trường đại học, cao đẳng; có chính sách ưu tiên trong việc tuyển dụng công chức, viên chức đối với các sinh viên hệ cử tuyển.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới nội dung, chương trình, ngành nghề đào tạo cho phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương và nhu cầu xã hội.

Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để chỉ đạo các địa phương xét duyệt, cân đối chỉ tiêu cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của địa phương và nâng cao chất lượng.

Trong nhiều năm qua, chất lượng hệ cử tuyển luôn được đánh giá thấp, bên cạnh đó là nhu cầu tìm việc cũng gặp khó khăn mặc dù đây là chỉ tiêu các địa phương cử đi học, nhưng một bộ phận không đáp ứng được yêu cầu. 

Chất lượng kém nguyên nhân từ cơ sở đào tạo hay ở từng địa phương? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ đã giao các nhà trường tổ chức cho sinh viên các hệ này học từ 1 đến 2 năm dự bị trước khi vào học chương trình đại học, cao đẳng chính khóa để bổ sung kiến thức phổ thông đối với các môn thuộc khối tuyển sinh của chuyên ngành đào tạo và một số môn phụ trợ (ví dụ: với học sinh tuyển sinh khối A thì các môn phụ trợ là Văn-Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tin học;…).

Trong quá trình đào tạo, Bộ GD&ĐT luôn yêu cầu các nhà trường quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em sinh viên hệ cử tuyển, xét tuyển chủ động hòa đồng trong học tập và sinh hoạt; chú ý bồi dưỡng ý chí khắc phục khó khăn; giúp đỡ các em về phương pháp học tập, phương pháp nghiên cứu khoa học để giúp các em có kiến thức, kỹ năng vững vàng sau khi ra trường. 

Thực hiện chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương vùng kinh tế-xã hội khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện chính sách cử tuyển đối với học sinh người dân tộc từ năm 1990 và thực hiện xét tuyển thẳng học sinh thuộc 62 huyện nghèo (theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ) vào học đại học, cao đẳng từ năm 2012.

(GDVN)  


Tin Nổi Bật