Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải đáp nhiều vấn đề nóng của giáo dục đại học

Cập nhật 12/09/2013 - 09:21:19 AM (GMT+7)

Trong Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã “hâm nóng” nhiều vấn đề, trong đó có liên quan tới nhiều chính sách phát triển các trường đại học trong thời gian tới.

Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ đã qua 3 năm áp dụng trong các trường đại học bước đầu đã có kết quả, lãnh đạo nhiều trường đại học trong cả nước thừa nhận, qua 3 năm thực hiện nhiều trường đã thực hiện được nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo, tổ chức phương pháp giảng dạy…

Tiếp tục xây dựng hành lang pháp lí cho các trường ngoài công lập

Bên cạnh một số những thành quả đạt được sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ về quản lí giáo dục đại học, như nhiều trường đã ban hành được chuẩn đầu ra, cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo. Ngoài ra, một số trường còn đánh giá việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, trang bị kĩ năng mềm cho sinh viên trước khi ra trường.

Mặc dù triển khai có được những thành quả bước đầu, nhưng theo TS. Kiều Hữu Thiện –PGĐ HV Ngân hàng mạnh dạn kiến nghị, trong quá trình ban hành Chỉ thị nên có sự tham khảo và phản biện rộng từ các cơ quan để xét áp dụng triển khai các văn bản chính sách. Trong thời gian tới Bộ GD&ĐT phải ban hành quy định điều kiện tự chủ cho các cơ sở đại học. 

Ngoài ra, theo TS Thiện bộ cũng cần xem xét và chỉnh sửa các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, nghiên cứu thêm về việc công nhận cho các trường tự chủ cấp bằng thạc sĩ.  

Nhiều trường đại học trong khu vực phí Nam nêu thực trạng khó khăn khi thực hiện, theo đó các trường cho rằng trong thời gian qua nguồn lực xây dựng và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học vẫn chưa đủ, do vậy khó để đẩy mạng chất lượng. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải đáp nhiều thắc mắc từ các trường ĐH, CĐ. Ảnh Xuân Trung


Bên cạnh đó, hành lang pháp lí cho các trường đại học ngoài công lập chưa được thực hiện đầy đủ.  

Từ đó các trường kiến nghị, trong thời gian tới phải thu hút người tài thành cán bộ giảng dạy cho các trường, bộ cần có quy định rõ ràng hơn về vấn đề này. Các trường phía Nam đề nghị, bộ cần đẩy mạnh phân cấp cho các trường. 

Bộ GD&ĐT cần có chiến lược xây dựng các trường đại học nghiên cứu mạnh hơn, có kinh nghiệm phát triển cán bộ năng lực, cần giúp đỡ các trường ngoài công lập nhiều hơn nữa.

Vấn đề đào tạo các ngành sư phạm, thực trạng hiện nay rất nhiều cơ sở đào tạo sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Vấn đề này bộ  cần quy hoạch chính sách thu hút người giỏi vào sư phạm trong thời gian tới. Ngoài ra, đề xuất cũng  cho thấy, bộ cần đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng các trường, có cơ chế đãi ngộ các nhà khoa học, nhất là tầng lớp nhà khoa học Việt kiều.

Tại khu vực miền Trung, ông Nguyễn Văn Nam – Giám đốc Đại học Đà Nẵng đại diện các trường khu vực này nêu ý kiến, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 296  thì Bộ GD&ĐT sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Luật giáo dục đại học. Đề nghị nhà nước đầu tư cho các trường đại học đặc thù, đây là những ngành quan trọng cho đất nước mặc dù sinh viên học không đông.

Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng triển khai xây dựng các Trung tâm kiểm định chất lượng, giúp các trường sớm có những đánh giá để theo kịp với thế giới. 

Tại khu vực các trường miền Bắc kiến nghị Bộ trưởng Luận, các trường khối văn hóa nghệ thuật vừa qua thí điểm tốt trong các khâu tuyển sinh, bộ cần mở rộng các trường để tăng tực chủ trong tuyển sinh, bộ nên phân cấp cho các trường sâu hơn.

Bộ GD&ĐT đứng trước nhiều sức ép

Giải đáp những thắc mắc của các trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu từng vấn đề. Trước hết, việc hỗ trợ các trường mới thành lập để đào tạo giáo viên, đây không chỉ ở các trường mới mà còn ở các trường lâu đời. Trước thực trạng cho thấy số lượng các giáo sư ở các trường , kể cả các trường có bề dày đều bị sụt giảm. Các giáo sư đầu đàn vẫn chưa lấp được khoảng trống thiếu hụt này.

Nhiều trường mới thành lập và các trường ngoài công lập còn gặp khó trong việc đưa giảng viên đi nước ngoài đào tạo theo Đề án 911 khó đào tạo trong ngoại ngữ. Vấn đề này Bộ trưởng Luận trao đổi, các trường cần chủ động vì bộ đã có chư trương hỗ trợ tạo điều kiện vấn đề này.

Liên quan tới kiến nghị nên cho chuyển đổi tín chỉ giữa các trường với nhau, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, đây là việc nên khuyến khích và đề nghị Vụ giáo dục Đại học xem xét các văn bản, căn cứ luật pháp, pháp lí nếu đủ phải chủ động xây dựng ban hành và hướng dẫn cho các trường. 

“Chúng ta đang có chủ trương phải công nhận lẫn nhau giữa các trường nước ngoài, bên trong chúng ta liên thông được thì rất đáng quý. Việc này có vai trò rất lớn của các hiệu trưởng, của Hội đồng khoa học các nhà trường” Bộ trưởng Luận chia sẻ.

Vấn đề khó khăn trong thu hút người tài vào sư phạm, Bộ trưởng cho biết bộ đã có chủ trương và đang rà soát, tính toán lại thực trạng mạng lưới đào tạo giáo viên các cấp trong cả nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Luận thừa nhận việc này tiến hành còn quá chậm so với mong đợi.

Trong 3 năm qua khi triển khai Chỉ thị 296 của Thủ tướng, nhiều trường Cao đẳng cho rằng khó tuyển sinh. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, cần phải xem lại vì sao lại khó tuyển, và Bộ trưởng nhận định quan trọng nhất vẫn là vấn đề phân luồng, làm sao để đưa học sinh từ học nghề sang học cao đẳng, đây không phải là đường vòng để học đại học.

“Mục đích là cho các cháu học có được một nghề, sau đó đi lao động, lúc nào có điều kiện, thuận tiện theo khả năng của bản thân và thuận tiện theo điều kiện khách  quan chung của xã hội. Mục tiêu phân luồng là tạo lực lượng lao động ở các cấp độ khác nhau, chúng ta không được chỉ lấy vì các trường khó khăn tuyển sinh để để có kiến nghị thay đổi, chúng ta phải nhìn sâu hơn, không tuyển sinh được là vì sao? Nếu học sinh chỉ để vào trung cấp rồi vào cao đẳng và vào đại học thì các trường không thực hiện được sứ  mệnh và tiếp tục mất cân đối giữa thầy và thợ” người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định.

Trên cơ sở tồn tại lâu đời gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh và đào tạo cho nhu cầu xã hội, nhiều trường trung cấp, cao đẳng mong muốn được Bộ GD&ĐT cho phép nâng cấp.

Vấn đề này, Bộ trưởng Luận khẳng định, có những năm chúng ta đã cho nâng cấp rất nhiều trường và hệ thống của chúng ta vẫn không ổn định. Các trường trung cấp luôn có tâm trạng thành lập 3-5 năm muốn lên cao đẳng, các trường cao đẳng lại cũng trong tâm trạng này, đứng núi này, trông núi nọ làm cả hệ thống không ổn định. 

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhận định, nếu nâng cấp trường trung cấp mạnh sẽ thành trường cao đẳng yếu, trường cao đẳng nâng cấp được vài năm lại nhấp nhổm muốn lên đại học, trường đại học được vài năm lại muốn xin đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

“Như vậy tình trạng mất cân đối  giữa các trình độ đào tạo luôn luôn đặt ra và Bộ GD&ĐT luôn đứng trước sức ép. Ý cá nhân của tôi sẽ không nhận hồ sơ nâng cấp các trường vì trường trung cấp, cao đẳng có sứ mạng, vị trí riêng, có vai trò vinh quang và có khó khăn, thách thức riêng. Việc nâng cấp nếu có là do nhu cầu xã hội, do đòi hỏi khách quan bên ngoài. Nếu tiếp tục nâng cấp nhiều trường sẽ không giữ được hệ thống và Bộ GD&ĐT mang tiếng xin cho” Bộ trưởng Luận nêu vấn đề.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngành giáo dục cần đẩy mạnh phân cấp, nổi bật là tự chủ tuyển sinh. Các trường cần xem xét mối quan hệ giữa tự chủ tuyển sinh của trường mình theo năng lực và nhu cầu xã hội.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục cần tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học theo nhu cầu của xã hội. Các trường cần nhận đặt hàng của chủ tịch tỉnh, các Bộ về nội dung nghiên cứu khoa học. Đối với một số trường top trên, cần đẩy mạnh hợp tác chiến lược với đối tác nước ngoài, đồng thời phân tầng các trường đại học.
(Theo GDVN)

Tin Nổi Bật