Mã Trường

Mã Trường

Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực

“Nguồn nhân lực” đào tạo trong các trường đại học hiện nay - không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng!

Cập nhật 19/03/2013 - 01:00:00 AM (GMT+7)

Trong một nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ, chuyên môn tốt, hướng đến tri thức trẻ, năng động và có tinh thần trách nhiệm với công việc. Đối tượng mà các nhà tuyển dụng tâm lý muốn hướng đến thường là những sinh viên trẻ ra trường, vì ở họ có sức trẻ, năng động, hoạt bát trong công việc.

Tuy nhiên, một điều gây khó khăn cho các doanh nghiệp hiện nay trong việc tìm kiếm, lựa chọn nhân lực đó là sinh viên mới ra trường có thể có kiến thức chuyên môn, sức khỏe nhưng lại thiếu những kỉ năng “mềm” cơ bản trong công việc cũng như giao tiếp. Thậm chí những kiến thức mà sinh viên được trang bị trong trường đại học hầu hết là lý thuyết, nên khi tiếp xúc công việc trên thực tế thì bối rối, không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Điều này đồng nghĩa với việc, hầu hết sinh viên mới ra trường nếu được nhà tuyển dụng lựa chọn thì hầu như phải đào tạo lại từ đầu không những kỷ năng giải quyết công việc mà cả những kiến thức chuyên môn mang tính áp dụng vào thực tiễn. Do đó doanh nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân lực, nhưng lại phải loại rất nhiều hồ sơ nộp vào, trong tình trạng cần nhân lực nhưng lại không dám tuyển. Đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì các doanh nghiệp càng thận trọng trong việc tìm kiếm, tuyển dụng nhân lực, vì họ muốn tuyển người làm được việc, tiết kiệm chi phí đào tạo. Chính vì thế mà sinh viên mới tốt nghiệp ra trường hiện nay hầu như gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, hoặc làm trái ngành trái nghề, cuộc sống bấp bênh.

Một trong những ý kiến thường gặp ở các doanh nghiệp hiện nay, đó là phía nhà trường đã không có chương trình định hướng cho sinh viên ngay từ những năm đầu đại học về ngành nghề chuyên môn mà sau khi ra trường sinh viên sẽ làm. Đến những năm cuối sinh viên mới bắt đầu quan tâm đến việc ra trường và mình sẽ làm gì, có người còn không biết mình sẽ làm gì sau khi ra trường. Những môn học đào tạo kỹ năng chưa được đưa vào giảng dạy hoặc có đưa vào thì cũng chưa nhiều; đội ngũ giảng viên thì hầu như là những người giàu kiến thức lý luận, nghiên cứu hàn lâm, rồi dạy sinh viên những gì mình đã nghiên cứu. Giảng viên ít tiếp cận với thực tiễn công việc thì khó có thể truyền đạt kỹ năng cho sinh viên. Thậm chí có những trường, đưa môn học kỹ năng vào giảng dạy, nhưng đội ngũ giảng viên lại không ai khác là những thầy cô giáo đã dạy kiến thức lý thuyết cho sinh viên, sưu tầm tài liệu thực tiễn và vận dụng kiến thức lý thuyết vào giải quyết. Điều này dễ dẫn đến việc không chính xác hoặc không đúng với các tiêu chí, mục tiêu mà nhà tuyển dụng sau này cần.

Dạy các môn học kỹ năng, thì người giảng dạy môn học cũng phải là người giàu kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn. Đó là những người đã trải qua công việc thực sự, kết hợp với những kiến thức chuyên môn, thì mới có thể đào tạo được kỹ năng cho sinh viên. Việc nhà trường đưa các môn học kỹ năng vào giảng dạy là một điểm tiến bộ, đáng khích lệ; nhưng một khi đã quyết định đưa các môn này vào thì cũng phải chuẩn bị một đội ngũ giảng viên đủ để đáp ứng yêu cầu của môn học. Bên cạnh đó không thể thiếu được việc cho sinh viên đi thực tế, tiếp cận bằng mắt, bằng tay công việc mà mình đang được đào tạo. Việc đi thực tế này không phải một vài lần, mà cần được tiến hành thường xuyên, định kỳ trong các tháng.

Một nguyên nhân nữa, đó là hiện nay hầu hết các trường đại học không hoặc ít có sự liên kết với các doanh nghiệp trong việc định hướng nguồn nhân lực, phát triển chương trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên...Một giải pháp có thể nói là hiệu quả hơn rất nhiều, nếu trong các giờ giảng về kỹ năng, các trường có thể liên kết với doanh nghiệp, để phía doanh nghiệp cử những cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm, giàu kỹ năng đến để thỉnh giảng, trao đổi ý kiến, góp ý và truyền đạt cho sinh viên. Điều này sẽ gây hứng thú và tạo thêm nhiều động lực, định hướng cho sinh viên trong quá trình học cho đến khi ra trường.

Thậm chí, ngay cả trường hợp phía doanh nghiệp đã đặt hàng đào tạo trước, nhưng rất nhiều những sinh viên được đào tạo ra cũng nhận được cái lắc đầu của doanh nghiệp. Theo một thống kê được thực hiện tại TP. HCM thì Trong năm 2012, nguồn nhân lực trong ngành cơ khí ở TP. HCM chỉ đáp ứng được 50% so với nhu cầu tuyển dụng. Các doanh nghiệp luôn tuyển không đủ người cho dù đã đặt hàng đào tạo và không yêu cầu quá cao về tay nghề. Hay công nghệ thông tin nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh (trên 66% so với năm 2011) nhưng nguồn nhân lực chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu. Đây chỉ là một ví dụ, phản ánh thực trạng thiếu nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ông Masaki Yamashita - Tổng giám đốc ngân hàng Mitsibishi UFN Việt Nam nêu ý kiến trên một bài báo điện tử Dân trí: “kiến thức chuyên ngành của lao động Việt Nam rất tốt, rất rộng nhưng lại khó chuyển giao kiến thức đó thành kỹ năng làm việc, không ứng dụng được vào thực tế”.

Cũng có ý kiến của một số đại diện phía các trường đại học nêu rằng, các doanh nghiệp hiện nay không thể yêu cầu sinh viên mới tốt nghiệp ra trường phải có kỹ năng ngay được, trường học chỉ đào tạo, trang bị kiến thức chuyên môn nền tảng; còn kinh nghiệm và kỹ năng làm việc thì các doanh nghiệp phải có trách nhiệm hỗ trợ, trang bị cho sinh viên khi nhận vào làm. Ý kiến này không phải không có cơ sở, khi trong các trường đại học không có đủ điều kiện về mọi mặt để có thể dạy cho sinh viên biết hết tất cả. Nhưng không thể nói đây là trách nhiệm của các doanh nghiệp, điều đó sẽ vô hình chung làm cũng cố thêm tâm lý ỷ lại, không chịu đổi mới để nâng cao chất lượng, uy tín nguồn nhân lực được đào tạo ngay từ trong nhà trường.

Đã đến lúc giáo dục đại học nước nhà cần có bước đột phá trong khâu đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu thiết thực thị trường lao động; phải bám sát thực tiễn để đào tạo. Có như vậy thì mới phát huy, tận dụng được nguồn lao động chất lượng từ các trường đại học, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm tăng lên, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, trái ngành, trái nghề đang là một thực trạng hiện nay ở nước ta. Để làm được điều này, thiết nghĩ cần có sự quyết tâm của ngành giáo dục, đứng đầu là Bộ giáo dục đào tạo, trình Chính phủ ra các quyết sách mang tính kiên quyết, mạnh mẽ để đổi mới; lấy ý kiến rộng rãi giữa các cấp bộ ngành, các doanh nghiệp, học tập kinh nghiệm nước ngoài...để gợi mở các phương pháp cho các trường đại học; khuyến khích các trường tự nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo phương pháp để đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế nước nhà.


Tin Nổi Bật