Nhiều thí sinh bị đình chỉ thi ở đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 vì những lỗi rất ngớ ngẩn. Đó là những kinh nghiệm thương đau cần biết để tránh vấp phải trong kỳ thi sắp tới.
Hơn 100 thí sinh phải bỏ dỡ kỳ thi đợt 1 vì cố tình hoặc vô tình vi phạm quy chế thi. Nhiều trường hợp khác gặp rắc rối vì thiếu hiểu biết và không chuẩn bị chu đáo.
Những trường hợp cụ thể trong đợt thi thứ 1 sẽ là bài học bổ ích cho thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi đợt 2.
Nhầm điểm thi, nhầm giờ thi
Tại một điểm thi của trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM, một thí sinh dự thi đợt 1 đã đến điểm thi vào 8g, quá 30 phút so với giờ thí sinh được tính giờ làm bài thi. Vì vậy, thí sinh này đã không được vào thi và phải dừng bước ở ngay môn thi đầu tiên. Thí sinh này cho biết trong giấy báo dự thi ghi rõ mời thí sinh đến điểm thi vào lúc 8g để làm thủ tục dự thi, nhưng thí sinh nhầm lẫn tưởng giấy báo 8g đến thi nên đã tới trễ.
Tại Hà Nội trong đợt 1 có nhiều thí sinh không có mặt vào ngày làm thủ tục dự thi vì bị lạc điểm thi. Thay vào việc tới điểm thi ghi trên giấy báo dự thi, thí sinh lại tới địa điểm trường thí sinh đăng ký dự thi và phải lòng vòng rất lâu mới tới được điểm thi. Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) có tới 40 thí sinh phải làm thủ tục dự thi trước giờ thi môn đầu tiên, trong số này có những thí sinh hôm trước bị nhầm địa điểm làm thủ tục dự thi.
Dừng thi vì chiếc điện thoại
Theo Phòng PA83 – Công an Hà Nội, số thí sinh vi phạm quy chế do mang điện thoai vào phòng thi ở đợt 1 tăng 11 trường hợp so với đợt 1 của kỳ thi năm trước. Nhưng qua khai thác chỉ có hai trường hợp được xác nhận là cố tình mang điện thoại di động vào phòng thi để thực hiện việc gian lận. Những trường hợp còn lại bị đình chỉ thi do chiếc điện thoại trong tình trạng đã tắt nguồn, hết pin, hoặc không để lại chứng cứ có sử dụng trong phòng thi. Tuy nhiên, dù chỉ là đãng trí, quá hồn nhiên không ghi nhớ quy chế thi thì hàng chục thí sinh vẫn phải ngậm ngùi chia tay kỳ thi.
Theo Ông Trần Đức Quý – hiệu trưởng Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội, trong ngày thi đầu tiên hầy hết do “quên”, một số khác nghĩ rằng “điện thoại tắt nguồn, không sử dụng thì không vi phạm”. Nhưng tới ngày thi thứ hai, vẫn còn những thí sinh khác không rút kinh nghiệm và tiếp tục bị dừng thi vì chiếc điện thoại.
Ở nhiều trường khác, thí sinh để điện thoại đã tắt nguồn trong ngăn bàn (trường Đại học Bách khoa Hà Nội), hoặc có thí sinh hồn nhiên lấy điện thoại ra nghịch để chờ hết giờ thi (trường đại học Ngoại thương). Có thí sinh khi nhớ ra mình mang điện thoại, cầm lên nộp cho giám thị cũng bị đình chỉ thi. Nhiều giám thị cho biết: “Rất thương các em vì có những tình huống giám thị biết rõ thí sinh chỉ vô tình vi phạm, không hề gian lận nhưng quy chế đã quy định rõ rồi vẫn phải lập biên bản đình chỉ thi”.
Tại nhiều điểm thi đợt 2, lãnh đạo các hội đồng coi thi tăng cường các điểm trông giữ điện thoại di động cho thí sinh, tăng cường các bảng thông báo trong khu vực thi và yêu cầu giám thị nhắc nhở kỹ thí sinh. Nhưng rõ ràng “câu chuyện chiếc điện thoại” cũng là một trong những việc tự thân thí sinh phải ghi nhớ để tránh bị rớt oan trong đợt thi thứ hai này.
Quên hoặc ghi nhầm số tờ bài thi
Tại một điểm thi khối A1 của Học viện Ngoại giao trong đợt 1, sau giờ thi, thí sinh của một phòng thi đã không được ra khỏi phòng thi vì giám thị kiểm lại thấy số tờ bài thi bị thiếu so với số tờ được thi sinh ghi. Các giám thị phải rà lại từng thí sinh thì phát hiện một thí sinh trong phòng thi chỉ nộp một tờ nhưng lại xác nhận đã nộp ba tờ. Giám thị phải thuyết phục và thí sinh xác nhận đã cố tình viết sai số tờ thi vì “thấy nhiều bạn làm ba tờ, nhưng mình chỉ làm được một tờ nên cứ khai bừa thế cho oai”.
Việc xác nhận sai số tờ thi hoặc quên không xác nhận số tờ thi đã nộp từng xảy ra ở nhiều kỳ thi. Có kỳ thi, một số trường ĐH đã phải tổ chức lại kỳ thi cho riêng 1-2 thí sinh chỉ vì “mất bài thi” trong khi thí sinh đã ký xác nhận việc đã nộp bài. Ngược lại, có những thí sinh chấp nhận “bỏ thi” chỉ vì đã nộp bài nhưng quên ký xác nhận số tờ đã nộp.