Mã Trường

Mã Trường

Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực

“Nam châm” mới trong xu hướng chọn nghề

Cập nhật 27/02/2013 - 01:00:00 AM (GMT+7)

Các chuyên gia trong lĩnh vực cơ điện tử (CĐT) dự báo từ năm 2008, nhu cầu nhân lực của ngành này sẽ tăng rất cao. Trạng thái mất cân bằng giữa nhu cầu sử dụng của xã hội và khả năng đào tạo của nhà trường đang khiến cơ điện tử trở thành một viên “nam châm” mới trong xu hướng chọn nghề của các bạn trẻ.

Kĩ sư cơ điện tử: “n trong… 1”!

Chế tạo Robot là một trong nhiều lĩnh vực ứng dụng CĐT mà anh Huy (Tốt nghiệp ĐHBKHN) cùng các đồng nghiệp đang làm tại Viện Công nghệ vũ trụ. Khách hàng của anh thường là những công ty chế tạo máy, các công ty cơ khí, các cơ sở đào tạo,… Ngoài chế tạo máy, chế tạo vệ tinh siêu nhỏ theo “đơn đặt hàng”, Robot là lĩnh vực anh tham gia chế tạo nhiều nhất.

“Khi nhận được một hợp đồng chế tạo Robot, chúng tôi sẽ lên kế hoạch cụ thể về mục đích sản xuất, các loại vật liệu và khả năng đáp ứng của thị trường. Sau đó sẽ lên khung chi tiết về thiết kế, đồng thời phân nhóm làm việc thành 3: nhóm cơ khí đảm nhận phần chế tạo; nhóm điều khiển đảm nhận thiết kế phần điều khiển; nhóm phần mềm phụ trách thiết kế giao diện”. - Anh Huy cho biết.

Theo TS Phạm Anh Tuấn, Chủ nhiệm Bộ môn CĐT (ĐH Công Nghệ - ĐHQGHN), Tổng Thư kí Hội CĐT Việt Nam thì: “Ngoài những điều tối cần thiết như kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành thì người học CĐT trước tiên phải là người có khả năng làm việc theo nhóm”.
 
Hầu hết các lĩnh vực sản xuất hiện đại đều ứng dụng CĐT như sản xuất ô tô, chế tạo máy, chế tạo robot, công nghệ nanô và công nghệ vũ trụ…

SV học ngành CĐT sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về toán, khoa học máy tính, vật lý, vật liệu, kiến thức cơ sở về cơ khí, điện và điện tử; kiến thức và kỹ năng chuyên môn về điều khiển, tự động hóa, truyền động, cảm biến, vi điện tử, sản xuất tự động cũng như các kiến thức về ngoại ngữ và quản lý xí nghiệp.

Chính anh Huy cũng thừa nhận: “Nhiều dự án có sự tham gia của những người bên ngoài. Quá trình làm việc của chúng tôi cũng gặp không ít trục trặc về khả năng phối hợp giữa các nhóm. Lúc đó, cách duy nhất là các nhóm ngồi lại, bàn bạc và thống nhất cách giải quyết”.

Một trong những đồng nghiệp trẻ tuổi nhất của anh Huy là anh Huỳnh Xuân Quang lại có những cảm nhận khác về CĐT: “Nếu là kĩ sư trực tiếp tham gia sản xuất sản phẩm CĐT thì công việc rất ít biến đổi, có công nghệ nên cứ thế mà làm. Nhưng làm nghiên cứu CĐT thì công việc cũng rất thú vị, mỗi ngày mỗi vẻ”.

Do đặc thù ngành CĐT là ngành khoa học tổng hợp liên ngành của cơ khí chính xác, điện tử, điều khiển và tư duy hệ thống trong thiết kế và phát triển sản phẩm nên kĩ sư CĐT vừa là kĩ sư cơ khí, vừa là kĩ sư tin học, vừa là kĩ sư tự động hoá! Vì vậy, khả năng xin việc được “nới” rộng ra trong tất cả các lĩnh vực liên quan.

Theo PGS.TS Trần Quang Vinh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công Nghệ, ĐHQGHN thì: "Điều quan trọng là SV làm sao phải “tích hợp” hữu cơ các kĩ năng, kiến thức của các môn học chuyên môn về cơ khí, tin học, tự động hoá để tạo ra sản phẩm CĐT. Bởi CĐT là một thể thống nhất chứ không phải là sự gộp đơn thuần của nhiều công nghệ khác nhau!”

Nhân lực ngành CĐT: Nhu cầu tăng mạnh!
 
"CĐT bao hàm các tính năng, công nghệ ưu việt của các ngành khác. Sự bao hàm đó không đơn giản là sự gộp lại một cách cơ học mà là quá trình tích hợp đồng bộ, hữu cơ. Do đó, SV phải được đào tạo bài bản, logic ngay từ đầu. Các kĩ sư đã và đang làm việc cũng phải thường xuyên được bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn".

Hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm CĐT ngày càng nhiều, chủng loại sản phẩm đa dạng (ứng dụng trong mọi ngành nghề từ y tế, năng lượng, bưu chính - viễn thông, an ninh - quốc phòng, công nghiệp in cho đến các ngành dịch vụ, giải trí...), tạo ra nhiều cơ hội mới cho các nhà nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh trên lĩnh vực này.

Mặt khác, các thiết bị điện tử và các bộ vi xử lý sử dụng trong công nghiệp ngày càng nhiều nên công việc thiết kế, chế tạo, vận hành, bảo trì và nâng cấp các hệ thống sản xuất tiên tiến đòi hỏi phải có đủ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, có kiến thức liên ngành.

Tại Việt Nam, ĐHBK TP.HCM là cơ sở đầu tiên mở ngành CĐT từ năm 1997, sau đó lần lượt các cơ sở đào tạo khác ra đời. Quá trình đào tạo nhân lực diễn ra muộn hơn so với tốc độ phát triển và ứng dụng đã khiến nhân lực ngành CĐT đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt không nhỏ.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn: hàng năm cần khoảng 200 kỹ sư và 1.200 kỹ thuật viên CĐT cho các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu thiết kế. Sau năm 2008, con số này có thể tăng gấp đôi khi các nhà máy chế tạo được đầu tư đi vào sản xuất.

Có thể lấy ví dụ về con số đào tạo nhân lực ngành CĐT tại ĐHBK TP.HCM tăng rõ rệt theo các năm: 1997: tuyển 51 SV; năm 1998: 70 SV; từ năm 1999 đến 2003 tuyển 100 SV.

“CĐT đang dần chứng tỏ khả năng thích nghi với quá trình phát triển công nghệ cao, trở thành ngành công nghệ mũi nhọn trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta. Do đó, nhân lực ngành CĐT sẽ còn có nhu cầu sử dụng cao và lâu dài”. - TS Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
 
"Không nên thấy CĐT là một ngành khó, điểm đầu vào cao mà nhiều học sinh – SV tự ti, không dám thi. CĐT đang đứng trước nhu cầu sử dụng cao, là một ngành hiện đại, mới mẻ, thích hợp với các bạn trẻ có năng lực và đam mê khoa học – kĩ thuật".

PGS.TS Trần Quang Vinh

“Đầu” khó “xuôi” nhưng “đuôi” dễ “lọt”!

CĐT đang là ngành “hot” trong danh mục lựa chọn nghề nghiệp của nhiều người! Do đó, để có được một “vé” vào ngành CĐT trong trường ĐH, CĐ là không hề dễ dàng!

Tại ĐH Công Nghệ - ĐHQG HN, dù ngành CĐT mới mở năm 2007 và chỉ lấy 80 SV nhưng lượng thí sinh đăng kí dự thi lên đến 1.000 người.

Phó Hiệu trưởng Trần Quang Vinh nhận định: “So với ngành Điện tử viễn thông (điểm chuẩn 24), CNTT (điểm chuẩn 22) thì ngành CĐT (điểm chuẩn đầu vào cao nhất: 25 điểm) tuy “non” tuổi nhất nhưng đã vượt mặt các ngành khác”.

Đầu vào của ngành đã khó, quá trình học ban đầu cũng không dễ dàng. Bởi các kiến thức của ngành là những kiến thức rất hệ thống. Phải là những SV có đầu óc tư duy logic thì ngành CĐT sẽ là một lựa chọn thực sự thích hợp.

Điểm chuẩn 1 số trường đào tạo CĐT: ĐH Công nghiệp HN (2007): 22 điểm; ĐHBK HN (2006): 25,5 điểm; ĐHBK (ĐH QG TP.HCM): 23,5 điểm (2007); 27 điểm (2005); 24,5 điểm (2004); ĐHBK (ĐH Đà Nẵng): 20 điểm; ĐH Sư phạm KT TP.HCM: 20 điểm (2007).

Bù lại, SV CĐT hầu hết đều tìm được việc làm một cách dễ dàng. Một mặt vì nhân lực đang thiếu, một mặt vì SV CĐT có khả năng thích nghi được với nhiều môi trường làm việc khác nhau.

ĐH Công Nghệ đã kí kết hợp đồng đào tạo theo nhu cầu của Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI). Theo đó, IMI cam kết sẽ nhận những SV có đủ khả năng vào làm việc tại Viện. Trong quá trình đào tạo, SV sẽ được tạo điều kiện đi thực tế tại viện, đồng thời những SV khá, giỏi sẽ nhận được học bổng khuyến khích của viện.
 

Theo VietNamNet


Tin Nổi Bật