Các nhà lãnh đạo thường là những người có tầm nhìn xa, những người có khả năng dự báo trước những xu thế lớn. Họ là những nhà chiến lược trong khi người quản lý là nhà chiến thuật. Người lãnh đạo phải xác định được tương lai, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể của một tổ chức, còn nhà quản lý phải biết kết hợp các chi tiết để thực hiện những kế hoạch đã được xác định.
Trong một tổ chức, hai vai trò khá khó để phân biệt là vị trí người lãnh đạo và nhà quản lý. Có những công ty, người lãnh đạo cũng chính là người quản lý, nhưng có nơi, thì hai vị trí này được tách bạch. Và những nhà lãnh đạo giỏi thường là những nhà quản lý giỏi, tuy nhiên có nhiều nhà quản lý xuất sắc lại không thể trở thành những nhà lãnh đạo giỏi. Tựu chung, những điều khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý như sau:
1. Lãnh đạo là kiến trúc sư, còn quản lý là người xây dựng, thực thi ý tưởng.
Điều này có nghĩa là lãnh đạo là một trong những người trong công ty có nhiệm vụ nghĩ ra những ý tưởng mới và đưa vào kế hoạch của công ty trong giai đoạn tiếp theo. Người lãnh đạo phải có tầm nhìn và luôn phát triển các chiến lược và chiến thuật mới. Do đó họ cần phải có hiểu biết về các xu hướng hay các nghiên cứu và kỹ năng mới nhất. Thêm vào đó, trong các tổ chức, doanh nghiệp hiện nay, những khác biệt về tính cách, văn hóa đòi hỏi người lãnh đạo cần phải biết điều hành bằng cảm xúc…
Trong khi đó, người quản lý sẽ lên kế hoạch, lập ngân sách duy trì và vận hành những gì đã được thiết lập để nó hoạt động trơn tru đúng kế hoạch. Người quản lý phải luôn để mắt tới nhân viên cấp dưới, hướng dẫn và duy trì sự kiểm soát thường xuyên để nhằm đảm bảo sự hoạt động của các bộ phận trong công ty. Vì trực tiếp làm việc với nhân viên nên họ am hiểu nhân viên của mình, biết rõ ai là người phù hợp nhất với những nhiệm vụ cụ thể.
2. Lãnh đạo truyền cảm hứng trong khi quản lý dựa vào kiểm soát. Người lãnh đạo là người truyền cảm hứng cho nhân viên, để nhân viên biết như thế nào là tốt nhất và làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ. Nếu mọi người hào hứng với ý tưởng của bạn thì đó chính là bởi họ đã được bạn truyền cảm hứng. Điều đó có nghĩa là bạn đã tạo được sự tin tưởng đối với nhân viên, điều này là đặc biệt cần thiết nếu hoạt động kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng. Ở vai trò người quản lý, nghề của họ là duy trì việc kiểm soát nhân viên để nhân viên phát huy khả năng và năng lực lớn nhất từ đó tạo ra sản phẩm hoặc tăng doanh thu/lợi nhuận cho công ty. Để làm điều này một cách hiệu quả, người quản lý cần phải am hiểu rõ cấp dưới của mình và hiểu cả đam mê và mong muốn về lương bổng của nhân viên. |
3. Nhà lãnh đạo hoạch định chiến lược, tầm nhìn và tạo giá trị chung.
Trong khi đó, các nhà quản lý tập trung vào các mục tiêu-định vị, thiết lập hàng hoá dịch vụ. Các nhà quản lý thường chấp nhận hiện trạng. Họ biết rằng đơn đặt hàng và kế hoạch là rất quan trọng và công việc của họ là thực thi được các mục tiêu hiện tại của công ty.
Tóm lại, khả năng lãnh đạo là đỉnh điểm của nghệ thuật và khoa học lãnh đạo, vì nó làm cho những môn nghệ thuật và tất cả công việc khác trở nên hữu dụng. Một trong những tố chất của nó ngoài “tầm nhìn” là “trí thông minh xúc cảm” (là một kỹ năng có thể rèn luyện được), tức là khả năng nhận biết, xác định thấu hiểu và quản lý thành công cảm xúc của bản thân và của người khác (thấu hiểu các tầng nấc cảm xúc và cách biểu hiện của mình thì mới có khả năng hiểu được cảm xúc của người khác) để truyền cảm hứng và thúc đẩy, hướng mọi người làm điều mà họ muốn làm. Một người lãnh đạo thực sự phải biết khuyến khích để nhân viên đạt được mục tiêu của tổ chức bằng chính sự say mê của mình. Còn khả năng quản lý là khả năng điều hành cho mọi việc đi theo đúng hướng, là kiểm soát, là duy trì mệnh lệnh, tổ chức và điều khiển.