Bạn đang thắc mắc tại sao tốc độ phát triển sự nghiệp của mình lại “lẹt đẹt”, rằng sao vẫn chưa được tăng lương, thăng chức hay đảm nhận các dự án quan trọng?
Lý do có thể là bạn đang khiến bản thân tự thụt lùi bằng cách ứng xử không tốt cho sự nghiệp dưới đây:
Bàng quan với danh tiếng sự nghiệp
Bạn đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhưng nếu không ai biết tới điều đó, danh tiếng, lương thưởng và cơ hội phát triển của bạn vẫn sẽ không có biến chuyển tích cực. Thay vì khiêm tốn thái quá, hãy mạnh dạn tự “PR” bản thân, thông báo cho sếp và đồng nghiệp biết những thành tích mới nhất của bạn, dù là “chinh phục” được một khách hàng khó tính hay hoàn thành dự án trước thời hạn.
Bảo thủ Bạn có thể cảm thấy buồn, thất vọng về bản thân trước những lời trách mắng của sếp hay lời góp ý của đồng nghiệp. Nhưng nếu bảo thủ tới mức phớt lờ tất cả, thậm chí “nhảy dựng” lên phòng thủ khi ai đó có ý kiến với mình, bạn đang hủy hoại chứ không phải bảo vệ sự nghiệp của mình. Không ai thích tương tác với người bảo thủ, đồng nghiệp sẽ dần xa lánh bạn và sếp sẽ không muốn góp ý để bạn cải thiện bản thân. Bạn có thể cho rằng thật thoải mái khi không ai động tới mình nhưng điều đó có nghĩa là bạn đã phá hủy những mối quan hệ cần thiết trong sự nghiệp của mình và phủ nhận quá trình phát triển một cách chuyên nghiệp. |
Ra quyết định một cách bồng bột
Đó có thể là nghỉ việc ngay lập tức khi sếp nói điều bạn không thích hoặc vội vàng chấp nhận lời đề nghị công việc mà không suy nghĩ một cách cẩn thận. Thay vì lối hành động bồng bột như vậy, bạn phải suy xét một cách cẩn thận trước khi hành động bởi mỗi quyết định liên quan tới công việc ảnh hưởng tới ví tiền, danh tiếng và chất lượng cuộc sống hàng ngày của bạn.
Thiếu quyết đoán
Bạn có thể nghĩ rằng không tạo “sóng gió” là cách tốt nhất để thành công một cách chuyên nghiệp nhưng thiếu quyết đoán cũng làm tổn thương sự nghiệp của bạn. Nếu bạn tin rằng một quyết định nào đó là sai, hoặc một dự án có nguy cơ trở thành “thảm họa” hoặc bạn xứng đáng được tăng lương, hãy mạnh dạn lên tiếng cho sếp và mọi người biết ý kiến của bạn.
Quá tiêu cực
Nếu liên tục phàn nàn về dự án mới, chính sách của công ty, rằng tại sao bộ phận IT lại mất quá nhiều thời gian để chỉnh sửa hệ thống, bạn đang tạo ra môi trường làm việc không thoải mái cho những người xung quanh. Tương tự với tính hài hước tiêu cực, bạn thường xuyên biến sếp hoặc nhân viên mới thành trò hề. Dù mọi người có thể cười vui trong chốc lát nhưng bạn sẽ bị coi là người cay nghiệt và có thái độ không tốt.
Nói dối
Nếu bị phát hiện nói dối dù đó chỉ là vấn đề nhỏ hoặc không thể chứng minh ngọn ngành, bạn sẽ phá hủy danh tiếng của mình và không thể lấy lại. Bạn có thể không bao giờ nói dối nữa nhưng sẽ vẫn bị nhớ tới như người có tiền sử dối trá và không đáng tin cậy.
“Hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều”
Mọi người luôn chú ý tới điều bạn hứa sẽ làm, dù chỉ là nhỏ như chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp hay hoàn thành dự án đúng hạn. Nếu bạn làm đúng những gì mình từng nói, họ sẽ tin tưởng bạn. Nhưng ngược lại, họ sẽ kết luận bạn chỉ là kẻ ba hoa, không biết giữ lời.
Lười cập nhật công nghệ mới
Bạn có thể cảm thấy mình hoàn toàn thoải mái với cách làm việc hiện tại nên không cần biết tới những công nghệ mới nhất. Nhưng nếu bạn từ chối cách làm mới, bạn sẽ sớm bị đồng nghiệp bỏ lại phía sau. Trong thời đại công nghệ thông tin, bạn sẽ có lợi thế cạnh tranh nếu nắm bắt những xu hướng cũng như công nghệ mới nhất trong lĩnh vực của mình.
(Theo Báo Dân Trí)