Thông thường ngành học tại trường quyết định nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên, thực tế này giờ đây đã thay đổi do ngành nghề phong phú hơn, khoa học - kỹ thuật có nhiều bước đột phá hơn, những yêu cầu công việc đa dạng hơn.
Một người học ngành tài chính sau này có thể làm chuyên viên nhân sự, một kỹ sư cơ khí có thể làm chuyên viên thiết kế web, một cử nhân văn chương có thể làm du lịch... và rất nhiều người thật sự làm tốt công việc nhờ biết khai thác những khả năng tiềm ẩn của mình. Như vậy, làm thế nào để có thể tiếp tục định hướng con đường nghề nghiệp của mình một cách hiệu quả? Rất nhiều bạn sinh viên hiện nay không trả lời được câu hỏi này.
Không chỉ là lựa chọn nghề nghiệp
Lâu nay chúng ta vẫn tưởng rằng hướng nghiệp chỉ là sự lựa chọn một nghề nghiệp mà mình yêu thích, chọn một trường đại học phù hợp với mình. Thuật ngữ hướng nghiệp (career mentoring) nếu được hiểu chính xác nó là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực như: đánh giá nghề nghiệp (career assessment), quản lý nghề nghiệp (career management), phát triển nghề nghiệp (career development)...
Trong đó lựa chọn nghề nghiệp chỉ là một giai đoạn đầu trong tiến trình hướng nghiệp của mỗi người. Vì vậy có thể thấy rằng việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên là một quá trình liên tục và kéo dài cho đến những năm cuối cùng của bậc đại học. Tức là sinh viên hiện nay sau khi đã lựa chọn ngành nghề ở trường đại học, sinh viên năm nhất cần được tiếp tục hướng dẫn những kỹ năng cần thiết như làm thế nào có thể hòa nhập môi trường đại học, làm thế nào để có một phương pháp học đại học hiệu quả.
Sinh viên năm cuối cần được đào tạo kỹ năng để tìm một công việc tốt, kiến thức xây dựng một kế hoạch nghề nghiệp cho năm năm, mười năm... Như vậy có thể thấy sinh viên cần được hướng dẫn hướng nghiệp một cách liên tục trong giai đoạn đại học.
Hướng nghiệp ở các đại học
Theo một khảo sát mới nhất tại Trường đại học Bách khoa TP.HCM về công tác hướng nghiệp cho sinh viên: có 52,6% sinh viên năm cuối chưa có kế hoạch tìm việc cho mình; 46,3% sinh viên hiện nay chưa có ý định tự trau dồi về nghề nghiệp; 44,8% sinh viên không hình dung về nghề nghiệp của mình sau năm năm. Trên 80% sinh viên tự nhận rằng kỹ năng xin việc dưới mức trung bình.
Tiếp xúc với nhiều bạn sinh viên, ta nhận thấy có không ít bạn sinh viên hiện nay đang coi nhẹ việc định hướng nghề nghiệp, tức là họ vẫn chưa hiểu và trả lời được một số câu hỏi cụ thể như: sau khi tốt nghiệp thì tôi sẽ làm được gì? Làm thế nào để có một công việc phù hợp? Kiến thức được học có thật sự cần thiết hay không?...
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, giám đốc Công ty tư vấn nguồn nhân lực L&A, nhận định: “Công tác hướng nghiệp cho sinh viên hiện nay chưa được chú trọng đúng tầm, nên việc sinh viên sau khi tốt nghiệp mất phương hướng về nghề nghiệp là điều dễ hiểu, hai đặc điểm có thể nhận thấy rõ nhất là phần lớn ứng viên không tự tin về bản thân và kỹ năng xin việc dưới trung bình”.
Những mặt yếu kém của sinh viên tốt nghiệp thường là: kiến thức lý thuyết tạm được nhưng tay nghề thực tế yếu, thiếu khả năng tổng hợp, không biết vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề có tính hệ thống, không biết cách làm việc tập thể theo nhóm, thiếu khả năng quản lý, tổ chức công việc...
Qua đợt thực tập tốt nghiệp, nhiều sinh viên tỏ ra rất bức xúc vì những gì mà họ được tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế rất khác với những gì họ kỳ vọng, trong khi kiến thức cần có để có thể tìm việc và hội nhập hoàn toàn không được đào tạo tại trường đại học.
Bạn Văn Toàn (sinh viên năm 4 khoa quản lý công nghiệp - Đại học Bách khoa) bày tỏ: “Rất nhiều chuyên gia nhận xét sinh viên chúng tôi thiếu rất nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề... là chính xác. Nhưng thử hỏi chúng tôi muốn có những kỹ năng này thì phải học ở đâu, đâu có nơi nào dạy và trang bị, trong khi đó trên giảng đường vẫn chỉ là những bài học lý thuyết khô khan và cứng nhắc”.
Đã đến lúc sinh viên cần được “đánh thức” về nhận thức tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp như thế nào. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng có thể thấy rằng nguyên nhân quan trọng là hiện nay lực lượng tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên của chúng ta đang thiếu hụt trầm trọng và chúng ta chưa xây dựng được một khung cho công tác giáo dục hướng nghiệp. Tại hội thảo Pháp - Á về các vấn đề và hướng đi của khoa học hướng nghiệp, Bộ GD-ĐT cho biết chỉ tính riêng trong hệ thống các trường, số lượng nguồn nhân lực về giáo dục và tư vấn hướng nghiệp cần được đào tạo đã lên tới 10.000 người.
Các trường đại học cần có trung tâm hỗ trợ hướng nghiệp cho sinh viên
Hiện nay, hầu hết các trường đại học nổi tiếng trên thế giới đều có một trung tâm dịch vụ hướng nghiệp cho sinh viên trong và sau khi tốt nghiệp đại học. Trung tâm cung cấp các dịch vụ giúp sinh viên rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức được học ở trường với nghề nghiệp tương lai của mình.
Những chương trình phát triển nghề nghiệp được thiết kế giúp sinh viên có thể kết nối với các chuyên gia cố vấn về nghề nghiệp, họ được hướng dẫn thực hành những công việc thực tế, được đào tạo về kiến thức và những lời khuyên nghề nghiệp để có thể có một kế hoạch quản lý nghề nghiệp (managing career) một cách bài bản và hiệu quả.
Một số trường đại học ở VN hiện nay chỉ có trung tâm hỗ trợ sinh viên, nhiệm vụ của trung tâm này là giới thiệu việc làm cho sinh viên đồng thời tư vấn những vấn đề về việc làm và trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Theo thống kê của Hội Sinh viên TP.HCM, hiện nay ở TP có 26/81 trường đại học, cao đẳng có trung tâm hỗ trợ sinh viên.
Khảo sát một số trung tâm hỗ trợ sinh viên hiện nay, ta nhận thấy mảng công tác hướng nghiệp chưa được chú tâm nhiều. Vai trò các trung tâm này hầu như là giới thiệu việc làm và thực hiện các công tác phục vụ công tác của Đoàn thanh niên hay hội sinh viên. Các trường đại học hiện nay chưa có chuyên trách hướng nghiệp và hầu như giao cho Đoàn thanh niên phụ trách.
Một hoạt động liên quan đến hướng nghiệp được nhắc đến ở các trường đại học là hoạt động của các câu lạc bộ học thuật. Đây là một mô hình rất hữu hiệu để có thể phát huy công tác hướng nghiệp cho các bạn sinh viên hiện nay.