Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Nở rộ lớp đại học học phí cao

Cập nhật 28/06/2012 - 09:39:22 AM (GMT+7)
Kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều trường bắt đầu tuyển sinh các lớp chất lượng cao, học phí cao. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là chất lượng cao vẫn còn là một ẩn số. Ngay cả các trường cũng chưa thể xác định cao tới đâu.

Tháng 8-2011, Thứ trưởng Bộ GD-ÐT Bùi Văn Ga có văn bản cho phép các trường tuyển sinh đào tạo chất lượng cao. Ngay trong kỳ tuyển sinh 2011, một số trường ÐH đã bắt đầu tuyển sinh và năm nay thêm nhiều trường triển khai.
PGS-TS Mai Hồng Quỳ - hiệu trưởng Trường ÐH Luật TP.HCM, cho biết những năm trước trường tuyển sinh đào tạo chất lượng cao, đặc biệt các chuyên ngành "hot", xã hội có nhu cầu và sẵn sàng bỏ tiền theo học. Năm nay trường mở thêm hai chuyên ngành hình sự, hành chính nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính, tư pháp.
Học phí cao


TS Phạm Hữu Hồng Thái - phó hiệu trưởng Trường ÐH Tài chính marketing - cho biết năm nay trường sẽ tuyển sinh đào tạo chất lượng cao cho ba chuyên ngành: quản trị kinh doanh tổng hợp, marketing tổng hợp và tài chính ngân hàng. Mỗi chuyên ngành dự kiến tuyển 40 sinh viên từ những sinh viên đã trúng tuyển vào trường. Ông Thái cho biết sau khi trúng tuyển và có nguyện vọng học chương trình này, sinh viên sẽ qua vòng kiểm tra tiếng Anh, đạt từ 250 TOEIC trở lên mới được theo học. Những giảng viên giỏi sẽ được lựa chọn để giảng dạy những lớp này. Học phí ở mức 22 triệu đồng/năm. Ðây cũng là cách tuyển sinh mà nhiều trường ÐH thành viên của ÐH Quốc gia TP.HCM áp dụng. Kỳ tuyển sinh năm nay, các trường thành viên ÐHQG TP.HCM như Kinh tế - luật, Khoa học xã hội và nhân văn, Công nghệ thông tin... sẽ lần đầu tiên triển khai tuyển sinh đào tạo chất lượng cao, dự kiến học phí khoảng 20 triệu đồng/năm.

TS Lý Văn Xuân - trưởng phòng đào tạo Trường ÐH Y dược TP.HCM - cho biết trường cũng đang có đề án tuyển sinh một số ngành và mức học phí dự kiến khoảng 30 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, Trường ÐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tuyển chất lượng cao (15 triệu đồng/năm) với đối tượng mở rộng hơn. Thí sinh trúng tuyển vào các trường ÐH trong cả nước, có cùng khối thi và điểm chuẩn ngành tuyển sinh sẽ được xét tuyển vào học chất lượng cao các ngành này. Như vậy thí sinh dự thi vào hệ chính quy đại trà của trường sẽ bị thiệt thòi vì chỉ tiêu bị thí sinh ngoài trường chiếm mất? TS Nguyễn Tiến Dũng - trưởng phòng đào tạo Trường ÐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết chỉ tiêu của trường xác định bao gồm cả chỉ tiêu chất lượng cao nên không thể nói chỉ thí sinh bị thiệt thòi!
Chất lượng còn phải chờ

Khi các trường tuyển sinh chất lượng cao, học phí cao, nhiều người đặt câu hỏi: thế nào là chất lượng cao, cao như thế nào, làm sao để người học tin đó là chất lượng cao tương ứng với mức học phí mà họ đã bỏ ra hay đóng tiền cao gọi là chất lượng cao? Hơn nữa, cơ sở vật chất của các trường vốn là đầu tư công, đồng nghĩa với việc mọi sinh viên trúng tuyển vào trường đều có quyền lợi và nhu cầu bình đẳng trong đào tạo. Việc người có tiền được thụ hưởng điều kiện giáo dục tốt hơn sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong đào tạo, cả về điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên.

Theo chương trình đào tạo của Trường ÐH Luật TP.HCM (học phí hơn 14 triệu đồng/năm), các lớp chất lượng cao sẽ có thời lượng các môn học cao hơn chương trình đại trà 14 tín chỉ. PGS-TS Mai Hồng Quỳ cho biết các lớp chất lượng cao sẽ chú trọng đào tạo ngoại ngữ và các kỹ năng thực hành, từ năm 3 sinh viên sẽ được học với giảng viên bản ngữ. Chuẩn đầu ra tiếng Anh cũng sẽ cao hơn so với chương trình đại trà. Theo TS Phạm Hữu Hồng Thái, do học phí cao gấp bốn lần chương trình đại trà nên các lớp chất lượng cao sẽ được học phòng máy lạnh, trang thiết bị hiện đại, chương trình kết hợp với chương trình nước ngoài, thực hành nhiều hơn, có các môn đào tạo bằng tiếng Anh... Trong khi đó, TS Lý Văn Xuân cho biết chương trình chất lượng cao của trường sẽ tăng cường đào tạo ngoại ngữ, mời chuyên gia Mỹ qua giảng dạy (đang áp dụng đối với chương trình thạc sĩ điều dưỡng) và chương trình có thể được ÐH Mỹ công nhận. Ðây cũng là cách lý giải chung của các trường về mục tiêu và chương trình đào tạo chất lượng cao của mình.

Vấn đề xác định thế nào là chất lượng cao, TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng đào tạo Trường ÐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: chất lượng cao như thế nào vẫn là điều khó nói bởi vẫn chưa có sản phẩm cuối cùng sau bốn năm. Hiện trường chỉ có thể đánh giá ở mức độ so sánh với lớp đại trà: lớp ít sinh viên, dễ dàng áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến, trang bị thêm cho sinh viên về ngoại ngữ, các kỹ năng...

Cùng quan điểm này, TS Hoàng Vĩnh Long - phó hiệu trưởng Trường ÐH Kinh tế - luật (ÐHQG TP.HCM) - cho rằng chất lượng cao thế nào còn phải chờ một thời gian, bước đầu trường cung cấp cho sinh viên các điều kiện học tập và thực hành cao hơn các lớp đại trà. Có ý kiến cho rằng như thế tạo ra cơ chế "tư trong công" phân biệt trong đào tạo, điều này có phần đúng.
Trong khi đó TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ÐH Khoa học xã hội và nhân văn (ÐHQG TP.HCM), thẳng thắn cho hay: chất lượng cao như thế là kỳ vọng của các trường, chưa biết chất lượng cao như thế nào. Khi xây dựng chương trình, các khoa cũng đã bổ sung môn học, sử dụng ngoại ngữ trong 50% chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra cao hơn. Ðó là những yêu cầu rõ ràng cao hơn so với chương trình đại trà. Ðúng là cơ sở vật chất công, nhưng nếu muốn tiệm cận với chất lượng đào tạo của khu vực thì phải làm từng bước để nâng dần chất lượng lên. Nếu nói các trường dựa vào đây để kinh doanh là chưa thỏa đáng, bởi có rất nhiều lĩnh vực đào tạo khác để các trường thu tiền chứ không phải cực khổ như làm chương trình chất lượng cao.
 
Quan trọng là nói có đi đôi với làm?
Về vấn đề sử dụng điều kiện công để thu học phí cao, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng trong điều kiện thiếu thốn như hiện nay, nếu phân bổ cào bằng thì tất cả sẽ kém như nhau nên cần có chính sách xã hội hóa để kéo chất lượng đi lên. Phải chấp nhận có sự phân tầng. Tuy nhiên, TS Nghĩa cũng nhấn mạnh: trường nào cũng có thể tuyên bố chất lượng cao nhưng vấn đề là thực hiện thế nào, kiểm tra ra sao và duy trì được hay không mới là vấn đề. Để đánh giá thế nào là chất lượng cao cần phải có đánh giá học thuật về chương trình đào tạo, chi phí và đào tạo thế nào cho tương xứng, xác định chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp như thế nào. Điều quan trọng là nói phải đi đôi với làm, phải có một đơn vị khách quan kiểm tra các trường có làm như cam kết hay không, có tương xứng với chi phí mà người học bỏ ra hay không. Nếu không người học sẽ bị thiệt thòi.

(Theo Tuoitre)


Tin Nổi Bật