Nhiều trường đại học đang lo thiếu nguồn tuyển khi không còn được nới điểm ưu tiên. Quy chế sửa đổi thiếu cụ thể, chưa có hướng dẫn thực hiện khiến cả trường và thí sinh đều khó xử
Điểm b và c khoản 1, điều 33 Quy chế tuyển sinh đại học - cao đẳng (ĐH - CĐ, gọi tắt là Quy chế 33) trước đây cho phép với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số thì mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm nhưng không quá 1,5 điểm; các trường dành chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng và đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 1 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Với quy định này, thí sinh thuộc các đối tượng, khu vực được ưu tiên chỉ cần 8 điểm là đậu ĐH, 5 điểm là đậu CĐ.
Mất 90% nguồn tuyển
Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT, cho biết năm nay, bộ quyết định bỏ hẳn quy định trên do có nhiều ý kiến cho rằng quy định như thế tạo ra sự thiếu công bằng giữa các trường; nhiều đơn vị, công ty đã lợi dụng quy định để ký hợp đồng với các trường đào tạo theo địa chỉ nhằm thu lợi bất chính. Ngoài ra, điểm đầu vào của các trường được áp dụng ưu tiên quá thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Việc Bộ GD-ĐT bất ngờ bỏ quy định trên đã khiến nhiều trường vốn dựa chủ yếu vào nguồn tuyển này lâm vào tình trạng khó khăn. Ông Bùi Văn Giáo, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Thiết, cho biết hằng năm, nhờ áp dụng Quy chế 33, trường tuyển được khoảng 700-900 sinh viên, chiếm 90% chỉ tiêu tuyển sinh chung; năm nay dự báo sẽ rất khó khăn trong việc tuyển đủ chỉ tiêu khi không còn được áp dụng quy chế này.
Ông Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, cũng cho biết hằng năm trường tuyển được khoảng 80% chỉ tiêu từ các đối tượng ưu tiên theo Quy chế 33, nay không áp dụng nữa thì chắc chắn nguồn tuyển sẽ hạn hẹp. Còn theo ông Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, nếu không có ưu tiên này thì thí sinh các tỉnh lân cận TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương, Phan Thiết... sẽ tập trung thi vào các trường ở TPHCM. Trường tỉnh vốn đã khó tuyển nay càng khó hơn.
Mệt mỏi và lãng phí
Quy chế 33 hiện hành bổ sung quy định đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo (theo nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo), nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này thì hiệu trưởng xem xét quyết định xét tuyển cho vào học. Những thí sinh này sau khi nhập học được bổ sung kiến thức một năm học trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định.
Đại diện nhiều trường cho rằng quy định này chưa rõ ràng nên khi áp dụng sẽ gặp vướng mắc. Theo ông Hiển, thí sinh thuộc diện ưu tiên sẽ chọn những trường công lập thuộc tốp trên. Nếu một trường nào đó có 1.000 chỉ tiêu mà có đến 500 thí sinh thuộc diện này nộp đơn xét tuyển sẽ rất khó cho các trường.
Đại diện một trường ĐH thuộc khối công an, quân đội cũng bày tỏ lo lắng khi chỉ tiêu vào các trường này có hạn và quy định tiêu chuẩn riêng nên sẽ xử lý ra sao nếu có quá nhiều thí sinh cùng xin xét tuyển? Về phía thí sinh, cũng thuộc diện ưu tiên nhưng chưa chắc được xét tuyển thẳng vào trường đã chọn vì việc này còn do hiệu trưởng quyết định. Tiêu chí nào để lựa chọn? Nếu không được nhận, thí sinh sẽ ra sao?
Việc quy định thí sinh thuộc đối tượng này phải học dự bị một năm cũng là bài toán khó. Đại diện nhiều trường băn khoăn về việc chương trình dự bị ĐH đào tạo kiến thức phổ thông hay học trước kiến thức ĐH? Chính trường ĐH đó đào tạo bổ sung kiến thức hay tập trung thí sinh vào học tại Trường Dự bị ĐH? Nếu trường ĐH nào cũng phải gánh thêm việc đào tạo dự bị cho thí sinh thì sẽ rất mệt mỏi và lãng phí.
Một hình thức cử tuyển?
Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo cho phép mở rộng chính sách đào tạo ưu đãi theo hình thức cử tuyển và theo địa chỉ cho học sinh người dân tộc thiểu số đồng thời ưu tiên các chuyên ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, y tế, kế hoạch hóa gia đình, đào tạo giáo viên thôn, bản.
Thế nhưng, Quy chế 33 hiện hành lại cho phép bất kỳ thí sinh nào tại các huyện nghèo đều có thể nộp hồ sơ xét tuyển thẳng vào bất kỳ ngành học và cơ sở giáo dục nào.
Vì thế, đại diện nhiều trường cho rằng quy định mới bổ sung còn chưa rõ ràng. Đây thực chất gần như là hình thức cử tuyển, được quy định tại Nghị định 134/2006/NĐ-CP, vốn đã bộc lộ nhiều bất cập trong thực tế.
|
(Theo NLD)