(Dân trí) - Không chỉ dừng lại ở Trung Quốc, mà thậm chí Proview Electronics, hãng cáo buộc Apple vi phạm thương hiệu iPad của mình còn kiện ngược Apple ngay trên “sân nhà” của Apple. Tuy nhiên, trước đó Apple đã giành được một chiến thắng quan trọng tại thành phố Thượng Hải.
Proview Electronics đã gửi đơn kiện lên Tòa Thượng thẩm của quận Santa Clara, thuộc tiểu bang California (Mỹ), tuyên bố rằng Apple đã sử dụng biện pháp lừa đảo trong việc mua lại thương hiệu iPad và việc sở hữu của Apple với thương hiệu này là không hợp pháp.
Theo Proview, Apple đã mua lại thương hiệu iPad từ IP Application Development, là công ty luật do chính Apple thành lập để “qua mặt” Proview và mua lại thương hiệu này. Proview đã gọi hành động của Apple là “gian lập, áp bức và ác ý”. Trước đó, Apple đã mua lại thương hiệu iPad từ IP Application Development, một công ty có trụ sở tại Anh với giá 55.000 USD.
Tuy nhiên, trước vụ kiện mới đầy táo bạo của Proview, phát ngôn viên của Apple vẫn khẳng định họ có đầy đủ quyền hạn với thương hiệu iPad đã mua, và nói thêm rằng “Proview đã không tôn trọng thỏa thuận của họ với Apple tại Trung Quốc, và một tòa án Hông Kong cũng đã đứng về phía Apple trong vấn đề này”.
Phát ngôn viên của Proview từ chối bình luận về khẳng định của Apple.
Số phận của iPad tại Trung Quốc vẫn chưa được định đoạt
Trong một động thái liên quan, Apple đã có được chiến thắng quan trọng trước Proview tại tòa án ở thành phố Thượng Hải. Quyết định này được xem là một thành công đáng kể cho Apple, khi Apple có đến 3 cửa hàng tại Thượng Hải, và thành phố này cũng là một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất tại Trung Quốc. Nếu thất bại tại Thượng Hải và iPad bị thu hồi, Apple sẽ chịu tổn thất không nhỏ cho doanh thu của máy tính bảng tại Trung Quốc.
Luật sư đại diện của Apple tại Trung Quốc đã gọi đơn kiện của Proview là một điều hết sức vô lý bởi vì Proview “không có sản phẩm, không có thị trường, không có khách hàng và thậm chí không có cả nhà cung cấp”.
Bên cạnh đó, các luật sư này cũng đã chỉ ra rằng daonh số bán hàng của Apple nói chung và iPad nói riêng tại Trung Quốc đạt được những doanh số đáng kể. Nếu cấm iPad tại thị trường này thì sẽ “làm tổn thương lợi ích quốc gia của Trung Quốc”.
Theo hồ sơ từ tòa án, Proview đã có được thương hiệu iPad tại một số quốc gia vào khoảng năm 2000, cho sản phẩm của mình, là một thiết bị kết nối Internet có tên gọi “IPAD”. Proview cho biết sản phẩm này của mình đã được phát triển với sự giúp đỡ của Motorola và nhiều công ty khác, tuy nhiên cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến cho các khách hàng lớn của Proview bị phá sản, khiến cho công ty này cũng bị rơi vào khủng hoảng.
Mặc dù không còn tiếp tục sản xuất, tuy nhiên Proview vẫn yêu cầu tòa án buộc Apple phải bồi thường thiệt hại vì việc Apple đã sử dụng thương hiệu iPad của mình, cũng như hủy bỏ các thỏa thuận trước đó về việc mua lại thương hiệu.
Đối với Proview, nếu chiến thắng trong cuộc tranh chấp thương hiệu này thì tiền bồi thường, hoặc ít nhất là một thỏa thuận mới mua lại thương hiệu của Apple sẽ là một “món béo bở” cho công ty đã phải nộp đơn xin phá sản này.
Từ những nguồn tin thân cận thì một trong những lý do cho vụ tranh chấp thương hiệu kéo dài này đó là việc Apple đã không chia sẻ những thông tin đầy đủ về quá trình đàm phán giữa 2 công ty, như thông tin về việc lên hợp đồng và thông tin về tổ chức đứng ra phê duyệt hoàn tất hợp đồng.
Apple sẽ tiếp tục nộp đơn kháng cáo lên tòa án tại thành phố Quảng Đông để yêu cầu gỡ bỏ lệnh cấm bán iPad. Phiên tòa kháng cáo này sẽ được diễn ra vào thứ 4 tuần sau.
T.Thủy
Theo PCWorld/WSJ