Cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh” hàng năm là cuốn cẩm nang, nguồn tài liệu quý giá đối với thí sinh bởi cuốn này cung cấp các thông tin về ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, học phí, điện thoại, địa chỉ liên hệ với trường… Nhưng nhiều ý kiến trong Bộ đề xuất không in cuốn tài liệu này mà các thông tin tuyển sinh sẽ được các trường công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ và công khai trên website của các trường.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Du, trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (GDCN), Sở GD-ĐT Yên Bái cho biết: “Tôi thấy dự kiến không phát hành cuốn “Những điều cần biết” là không ổn, không nắm rõ được hoàn cảnh học sinh vùng sâu, vùng xa. Bởi hiện nay, nhiều nơi học sinh không có máy tính và mạng đề vào. Bên cạnh đó, việc hướng nghiệp cho học sinh hiện nay chưa tốt, nhiều học sinh vẫn còn lúng túng trong cách chọn ngành, chọn nghề. Theo tôi, nên phát hành cuốn “Những điều cần biết” (NĐCB) vì cuốn này không chỉ học sinh nghiên cứu mà cả phụ huynh và người thân cùng nghiên cứu để định hướng cho các em thi vào trường nào hợp với năng lực của bản thân”.
Ông Nguyễn Thanh Hà, trưởng phòng GDCN, Sở GD-ĐT Thái Nguyên cũng đề nghị phát hành cuốn NĐCB. Theo ông Hà, mặc dù Internet đã được phổ biến rộng nhưng có phải lúc nào cũng vào mạng là xem được vì rất hay tắc nghẽn. Bên cạnh đó, vô hình chung để học sinh dành nhiều thời gian để ngồi quán nét. Hơn nữa, việc chọn ngành, chọn nghề, chọn trường phải nghiên cứu và cần thời gian để quyết định chứ suốt ngày ngồi mạng để nghiên cứu ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập của các em.
Đồng quan điểm, ông Bùi Xuân Tiệp, trưởng phòng GDCN, Sở GD-ĐT Lào Cai cho rằng: “Nếu thực hiện như vậy, học sinh sẽ mất cả ngày để ngồi Internet nghiên cứu mà học sinh vùng cao như chúng tôi có phải trường học nào cũng có mạng đâu. Biết rằng, ứng dụng công nghệ thông tin là tốt nhưng phải gắn với thực tế mà có phải học sinh, phụ huynh xem xong là xong đâu, còn phải nghiên cứu, tìm hiểu”.
Bà Bùi Thị Bích Hương, trưởng phòng GDCN, Sở GD-ĐT Tuyên Quang cho rằng: “Nếu không phát hành cuốn NĐCB không chỉ gây khó khăn cho học sinh mà ngay cả khó khăn với những người thu nhận hồ sơ tuyển sinh. Mặc dù biết rằng in cuốn sách này là hơi lãng phí nhưng cuốn sách lại chính là cẩm nang để cán bộ thu nhận hồ sơ nhìn vào đó xem học sinh ghi sai hay đúng mã ngành, mã vùng, vùng tuyển sinh. Bên cạnh đó, nhiều nơi ở tỉnh Tuyên Quang học sinh không có máy tính nối mạng thì các em và phụ huynh xem và tìm hiểu thông tin của các trường thi ở đâu. Do vậy, chúng tôi đề nghị xem xét lại đề xuất này”.
Về phía trường đại học, ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Điện lực cho hay: “Tôi nghĩ không phát hành cuốn NĐCB là chưa hợp lý vì học sinh vùng sâu, vùng xa nhiều em không đó điều kiện để vào mạng. In ra sách vẫn là tiện dụng nhất vì không chỉ học sinh, phụ huynh đều có thể nghiên cứu được”.
(Theo Dân Trí)